Chưa có lối thoát cho khủng hoảng chính trị Thái-lan

13:58, 29/08/2008

Cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái-lan những ngày này vẫn chưa có lối thoát. Hàng chục nghìn người thuộc Liên minh Nhân dân vì Dân chủ (PAD) vẫn tập trung biểu tình tại tòa nhà Chính phủ, gây sức ép buộc Chính phủ và Thủ tướng phải từ chức.


Thủ đô Băng-cốc của Thái-lan những ngày này đang sôi lên bởi các cuộc biểu tình dữ dội của hàng chục nghìn người Liên minh Nhân dân vì Dân chủ (PAD) tổ chức  nhằm gây sức ép  buộc Chính phủ và Thủ tướng Xạ-mặc phải từ chức. Các cuộc biểu tình này ảnh hưởng nghiêm trọng hình ảnh của đất nước này.

PAD đối đầu với Chính phủ

Trong ngày 26-8, lực lượng của PAD lên tới hàng chục nghìn người đã  phá đổ  rào chắn và vật chướng ngại tràn vào khu vực Ðài Truyền hình quốc gia Thái-lan (NBT), Ðài Phát thanh Thái-lan, trụ sở các bộ: Giao thông vận tải, Tài chính, Nông nghiệp và hợp tác xã, Năng lượng, phong tỏa một phần các tuyến đường và quốc lộ tới các tỉnh  phía nam, tây, miền bắc và cửa ngõ vào các tỉnh đông-bắc. PAD tuyên bố cuộc biểu tình lần này là "cuộc chiến cuối cùng", buộc toàn bộ Chính phủ phải ra đi. Chương trình truyền hình  của NBT đã phải tạm ngừng phát sóng. 

Ðến chiều cùng ngày, hàng nghìn người đã tràn vào khuôn viên của Tòa nhà Chính phủ. Một  số người  trèo qua hàng rào đột nhập vào trong, trong khi một số khác sử dụng kìm cộng lực cắt khóa xích cổng vào tòa nhà. Tuy nhiên, số đông người biểu tình không đột nhập vào bên trong mà ngồi ngay trên bãi cỏ phía trước Tòa nhà Chính phủ, vẫy cờ và khẩu hiệu phản đối Chính phủ. Lực lượng cảnh sát chống bạo động được triển khai tại khu vực này, song số lượng ít và hầu như chỉ ngăn cản chiếu lệ. Cảnh sát bạo động đã được lệnh lui về sảnh chính để ngăn không cho những người biểu tình tràn vào bên trong. Chứng kiến cảnh tượng này, chúng tôi nhận thấy có vẻ lực lượng biểu tình coi việc tràn vào khuôn viên Tòa nhà Chính phủ - biểu tượng của quyền lực ở Thái-lan, là một "chiến thắng lớn" như Sổn-thị Lim-thoong-cun, một lãnh đạo PAD đã tuyên bố. Các suất ăn, nước uống đã được phát miễn phí cho người biểu tình.

Sáng 26-8, Thủ tướng Xạ-mặc đã phải rời địa điểm tổ chức phiên họp Chính phủ hằng tuần từ Tòa nhà Chính phủ sang Bộ Tư lệnh tối cao quân đội Hoàng gia Thái-lan cách đó hơn 10 km. Trong ba ngày qua, rất đông người biểu tình vẫn ở lại trong khuôn viên Tòa nhà Chính phủ, kể cả những lúc trời Băng-cốc đổ mưa xối xả. Ðến nay, họ còn dựng lên những chướng ngại bằng lốp ô-tô để khiêu khích và cản trở lực lượng cảnh sát. 

Trước đó, tướng A-nu-pông Pao-chin-đa, Tư lệnh Lục quân Thái-lan tuyên bố quân đội  sẽ không tiến hành đảo chính và không can dự vào chính trị, trấn an người dân không nên  lo sợ trước tình hình hiện nay. Lực lượng quân đội tuyên bố trung thành với đất nước, với Hoàng gia và họ coi nhân dân là đất nước, cho nên sẽ không ra tay đàn áp biểu tình. 

Trước tình hình ngày một căng thẳng, ngày 27-8, Tòa án Hình sự Thái-lan đã ra lệnh bắt giữ chín lãnh đạo chủ chốt của PAD, trong đó có các ông Sổn-thị Lim-thoong-cun, Chăm-loong Sỉ-mương... với lý do vi phạm các điều 113, 114, 215 và 216 của Bộ luật Hình sự, đồng thời yêu cầu PAD chấm dứt việc chiếm giữ khuôn viên Tòa nhà Chính phủ. Ðề phòng khả năng này, PAD đã chuẩn bị một nhóm lãnh đạo mới.

Các cuộc biểu tình của PAD được đẩy mạnh từ cuối tháng 5-2008, với mục tiêu ban đầu là phản đối việc sửa đổi Hiến pháp, tuy nhiên sau đó đã nâng thành mục tiêu phản đối Chính phủ đương nhiệm, yêu cầu Thủ tướng từ chức. PAD cáo buộc Chính phủ hiện nay là "con rối" trong tay cựu Thủ tướng Thặc-xỉn Xin-vắt. Gần đây, trước những động thái của chính phủ mà họ cho là "giúp đỡ gia đình Thặc-xỉn" chạy tội, PAD quyết đẩy mạnh hoạt động chống chính phủ lên một nấc thang cao hơn.

Khủng hoảng chưa có lối thoát

Mục tiêu của PAD quyết ép chính phủ phải từ chức và đấu tranh đến cùng chống những gì gọi là tàn dư của chế độ Thặc-xỉn. Chiến thuật họ áp dụng là biểu tình liên tục, dài ngày, nhằm bao vây các cơ quan đầu não chính phủ, chặn các tuyến đường quan trọng, gây gián đoạn giao thông nhằm tạo sức ép trong dư luận xã hội đối với chính phủ. Trong các cuộc giằng co với lực lượng cảnh sát, những người biểu tình PAD đều rất muốn cảnh sát "xuống tay" đàn áp để họ có cớ kích động và hy vọng lực lượng quân đội phải vào cuộc. Tại Thái-lan, lực lượng quân đội có vai trò và ảnh hưởng rất lớn trong đời sống chính trị. Nếu quân đội đứng về phía nào, bên đó có được hậu thuẫn rất lớn. Ý thức rõ điều này, chính phủ của Thủ tướng Xạ-mặc một mặt lên án PAD, đưa ra những tuyên bố cứng rắn nhưng trên thực tế lại thực thi các biện pháp ôn hòa, hết sức kiềm chế,  không để PAD lợi dụng hoặc khiêu khích. Nhiều lần, chúng tôi chứng kiến cảnh sát đã bị đoàn người biểu tình xô ngã và bị thương, song họ không mạnh tay với người biểu tình.

Các cuộc biểu tình của PAD đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của Thái-lan, làm xáo trộn đời sống, sinh hoạt tại thủ đô. Nhiều tuyến đường bị tắc nghẽn trong suốt các đợt biểu tình. Trụ sở Ðại sứ quán Anh tại Thái-lan cũng bị hơn mười nghìn người bao vây tuần trước đòi Chính phủ Anh dẫn độ vợ chồng Thặc-xỉn đang xin tị nạn chính trị tại đây. Thị trường chứng khoán Thái-lan cũng liên tục mất điểm. Nhiều khách sạn lớn của Thái-lan đều để những tờ rơi khuyến cáo khách quốc tế tránh xa các nơi biểu tình. Giới doanh nhân Thái-lan tỏ ra lo lắng và nhận định, nếu tình trạng khủng hoảng kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới lòng tin các nhà đầu tư. Họ cho rằng, Thái-lan khó có thể thu hút hơn 17 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài như dự kiến trong năm 2008 vì lý do trên.

Các nhà phân tích nhận định, tình hình chính trường Thái-lan còn hết sức căng thẳng, đầy diễn biến phức tạp, chưa có một giải pháp toàn diện để chấm dứt khủng hoảng trong thời gian ngắn. Mới lên cầm quyền hơn nửa năm, song chính phủ của Thủ tướng Xạ-mặc hầu như chưa được thảnh thơi để lo phát triển kinh tế mà liên tục phải đối phó với các phán quyết của tòa án Thái-lan cáo buộc các thành viên của đảng Sức mạnh nhân dân (PPP)-đảng cầm quyền, vi phạm Hiến pháp, vi phạm luật bầu cử... và nhất là cuộc biểu tình chống chính phủ rầm rộ của PAD. Một số bộ trưởng của PPP đã phải từ chức. Báo chí Thái-lan gần đây còn đưa tin khẳng định một đảng mới mang tên Puca Thai (Vì nước Thái) đã được thành lập để làm dự bị trong trường hợp đảng PPP bị giải tán.


Nhân dân

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

SCO ủng hộ vai trò tích cực của Nga trong khu vực
Tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), diễn ra ở thủ đô Dushanbe của Tagikistan, các nước thành viên SCO quan ngại sâu sắc về tình hình căng thẳng tại khu vực Nam Ossetia thuộc Gruzia và ủng hộ vai trò tích cực của Nga trong củng cố hòa bình ở khu vực này.
29/08/2008
Dư luận quốc tế kêu gọi giải quyết xung đột Nga-Gru-di-a bằng đối thoại
Trước những lời cáo buộc của chính quyền một số nước phương Tây về quyết định của Nga công nhận nền độc lập của Nam Ô-xê-ti-a và Áp-kha-di-a, Tổng thống Nga Ð. Mét-vê-đép đã khẳng định rằng quyết định đó của Nga không vi phạm luật pháp quốc tế, rằng hành động này của Nga xuất phát từ việc bảo đảm lợi ích an ninh, tính mạng của những người dân ở hai khu vực nêu trên.
28/08/2008
Một tầm nhìn chiến lược
Cứ vào đầu tháng chín một năm học mới lại bắt đầu, ươm mầm cho biết bao hoài bão của học sinh cùng các bậc cha mẹ. Năm học 2008-2009 này đặc biệt hơn những năm trước đó vì là năm đầu tiên ngành giáo dục có chủ trương phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi.
27/08/2008
Nga công nhận nền độc lập của Nam Ossetia và Abkhazia
Theo các nguồn tin từ Nga, ngày 26-8, Tổng thống Nga D.Medvedev thông báo trên truyền hình rằng, ông đã ký sắc lệnh công nhận nền độc lập của hai vùng tự trị Nam Ossetia và Abkhazia thuộc Gruzia.
27/08/2008