100 ngày đầu điều khiển đất nước của "bộ đôi" Medvedev - Putin

07:44, 13/08/2008

"Bộ đôi" nổi tiếng của nước Nga, Tổng thống D. Medvedev và Thủ tướng V. Putin, hai nhà lãnh đạo nắm hai nhánh quyền lực quan trọng xứ sở bạch dương đã trải qua 100 ngày đầu cùng sát cánh bên nhau lãnh đạo đất nước.


 
 Tổng thống Medvedev và Thủ tướng Putin tại lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng phát-xít 9-5-2008.
Tổng thống ưu tiên nhiệm vụ đối ngoại, hiện đại hóa nước Nga và đấu tranh chống tham nhũng

Ngay từ những ngày đầu nhậm chức tại Ðiện Kremlin vào đầu tháng 5, nguyên thủ Nhà nước Nga đã tỏ ra nắm vững toàn bộ tổ hợp vấn đề đặt ra cho đất nước.

Khi trả lời câu hỏi của các nhà báo về khả năng ông sẽ hành động khác với người tiền nhiệm trong lĩnh vực nào, Tổng thống Medvedev nhấn mạnh rằng, mỗi một chính khách, một Tổng thống đều có phong cách lãnh đạo riêng.

T
uy nhiên, phong cách riêng không thể làm thay đổi điều quan trọng nhất là phấn đấu cho những ưu tiên chung mà đất nước và nhân dân quan tâm thực hiện. Ðường lối phát triển chung đã được lựa chọn của nước Nga trong 15-20 năm tới phải ổn định và không được có bất kỳ sự chệch hướng nào.

Ðề cập chế độ làm việc của mình trên cương vị Người đứng đầu Nhà nước Nga, ông Medvedev nhấn mạnh đó là trách nhiệm vô cùng cao cả nhưng cũng hết sức nặng nề, và ông không hề có ảo tưởng về điều đó. Ông không bao giờ nghĩ rằng đã đạt được mục tiêu của mình khi trở thành ông chủ Ðiện Kremlin và có quyền được nghỉ ngơi.

Theo ông, người lãnh đạo một quốc gia hùng mạnh, rộng lớn, một cường quốc hạt nhân, một nước đang phải đối mặt nhiều vấn đề khó khăn trong khi dân chúng chưa giàu như nước Nga trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng, cần phải làm việc gần như suốt ngày đêm.

Vị Tổng thống trẻ tuổi đã nhanh chóng làm quen và xử lý các vấn đề thuộc chính sách đối ngoại. Ông Medvedev đã phê chuẩn Quan điểm chính sách đối ngoại của Nga, vừa kế thừa đường lối đối ngoại của đất nước, đồng thời phản ánh những cách tiếp cận mới về những vấn đề cấp bách hiện nay của thế giới.

Tổng thống Medvedev cho rằng thời kỳ Chiến tranh Lạnh đã qua đi, song thế giới vẫn chưa có được trạng thái cân bằng mới. Những di hại của quá khứ như xu hướng gắn chặt với phương pháp vũ lực lại đang mạnh lên ở nhiều nơi.

Ông cảnh báo chính sách kiềm chế Nga không còn phù hợp trong thế giới hiện đại.Tổng thống Medvedev nhấn mạnh rằng Nga ý thức được trách nhiệm của mình trong việc bảo đảm an ninh trên toàn cầu cũng như trong các khu vực và sẵn sàng cùng hành động với các quốc gia khác có liên quan nhằm giải quyết các vấn đề chung. Tuy nhiên, nếu các đối tác không sẵn sàng hợp tác, Nga sẽ buộc phải hành động độc lập để bảo vệ các lợi ích quốc gia của mình dựa trên luật pháp quốc tế.

Sau khi nhậm chức, ông Medvedev đã thực hiện các chuyến công du quan trọng tới CHLB Ðức, Trung Quốc, dự các diễn đàn quốc tế lớn như Diễn đàn kinh tế quốc tế lần thứ 12 tại Saint Petersburg, Hội nghị cấp cao Nga - EU, Hội nghị cấp cao G-8 tại Nhật Bản.

Ðặc biệt, Hội nghị G-8 cho thấy nguyên thủ Nga không những rất "ăn hình" trên ti-vi, có tính hài hước và tự tin, mà còn sẵn sàng tham gia giải quyết các vấn đề quốc tế. Tuyên bố của ông Medvedev về việc Nga sẵn sàng tăng khối lượng sản phẩm thực phẩm và xuất khẩu ra thị trường thế giới đã được tiếp nhận một cách nồng nhiệt. Tại Hokkaido, Tổng thống Medvedev khẳng định tới đây, Nga sẵn sàng cung cấp năng lượng một cách ổn định trên thị trường thế giới và tích cực tham gia giải quyết vấn đề khí hậu toàn cầu.

Các tiếp xúc của Tổng thống Medvedev với lãnh đạo nhóm BRIK, ngoài Nga còn có Brazil, Ấn Ðộ và Trung Quốc, đã chứng tỏ vai trò ngày càng tăng của Nga trong các công việc quốc tế.

Từ khi lên cầm quyền, Tổng thống Medvedev đã nỗ lực thực hiện sứ mệnh hiện đại hóa nước Nga và đấu tranh chống tham nhũng. Ðúng hai tuần sau khi vào Ðiện Kremlin, Tổng thống Medvedev đã ký sắc lệnh thành lập Hội đồng chống tham nhũng trực thuộc Phủ Tổng thống nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng ở Nga. Cuối tháng 7, ông Medvedev đã ký Kế hoạch hành động chống tham nhũng và khẳng định kế hoạch này sẽ được thực hiện trong thời gian sớm nhất.          

Tổng thống Medvedev nhận định sự yếu kém về kỹ năng máy tính đã ảnh hưởng đến việc thiết lập "Chính phủ điện tử": "Những công chức không có kỹ năng sơ đẳng về máy tính thì không thể làm việc hiệu quả được". Ông chủ Ðiện Kremlin cũng đề xuất chính phủ nên có nhiều biện pháp hỗ trợ cụ thể để mở rộng khả năng tiếp cận internet cho người dân. Bản thân nhà lãnh đạo này thường đề cập thói quen sử dụng mạng của mình.

Thủ tướng Putin giữ nguyên "lực hút"

Thủ  tướng Putin đã ngay lập tức bắt tay vào các vấn đề kinh tế. Ngày 8-5, sau khi được Duma Quốc gia Nga (Hạ viện) bỏ phiếu thông qua quyết định bổ nhiệm làm Thủ tướng, ông Putin đã cam kết giảm mức lạm phát xuống một con số trong vài năm. Ðây được coi như một phần của kế hoạch đưa LB Nga trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2020. Nga đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao gần 10 năm liên tiếp và Thủ tướng Putin nói rằng Nga sẽ thay thế Anh quốc vào năm nay để trở thành nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới.

Theo ông Putin, việc tăng cường đầu tư vào giáo dục, sức khỏe, cơ sở hạ tầng sẽ bảo đảm cho LB Nga luôn ở vị trí hàng đầu. Thủ tướng Nga cũng kêu gọi cắt giảm thuế cho nền công nghiệp dầu mỏ để kích thích hơn nữa sản xuất.

Có ba vấn đề mà Thủ tướng Putin xác định Chính phủ của ông sẽ tập trung giải quyết cho đến đầu năm 2009 là: hạ tỉ lệ lạm phát; tăng cường kiểm soát vốn nhà nước và chất lượng sử dụng những nguồn vốn này; giảm thuế.

Ngoài ra, Chính phủ Nga cũng sẽ quan tâm nhiều hơn đến thị trường chứng khoán và tài chính, hoàn thiện cơ sở hạ tầng và điều tiết nhà nước đối với lĩnh vực tài chính, hoàn thiện các tiêu chuẩn pháp luật trên lĩnh vực này...

Ðáng chú ý hơn, Chính phủ Nga sẽ sớm thúc đẩy những biện pháp để biến Moscow thành "một trong những trung tâm tài chính lớn nhất thế giới". Ðể hoàn thành những mục tiêu này, Thủ tướng Nga cần một bộ máy làm việc nhuần nhuyễn và thật sự có hiệu quả. Ðây là lời giải thích tại sao các vị trí chủ chốt của Chính phủ tiền nhiệm vẫn được giữ nguyên, bao gồm các nhân vật trung thành với Thủ tướng Putin - yếu tố tạo nhiều thuận lợi cho ông trong vai trò lãnh đạo mới. Ðây là bộ máy đã đưa nước Nga, từ chỗ gần như bị phá sản cách đây 10 năm, hiện tự hào về một nền kinh tế 1,3 nghìn tỷ USD, khoản dự trữ ngoại tệ lên tới 480 tỷ USD và ngân sách duy trì sự ổn định trị giá 144 tỷ USD, mức tăng thu nhập thực tế hàng năm đã lên tới hai con số...

Thủ tướng Nga V.Putin cho biết, ông sẽ tiếp tục các buổi hỏi - đáp với người dân, lần này với tư cách là lãnh đạo đảng cầm quyền. Ông Putin thường tiến hành các cuộc đối thoại được phát trực tiếp trên truyền hình suốt tám năm làm Tổng thống Nga. Những buổi giao lưu kiểu này thường kéo dài nhiều giờ đồng hồ và thu hút sự quan tâm của công chúng. Người dân đã gửi hàng loạt câu hỏi cũng như những than phiền liên quan đến đời sống hằng ngày của mình tới người đứng đầu đất nước. Với những nhận xét hóm hỉnh và câu trả lời sắc sảo, ông Putin đã giành được sự mến mộ của dân chúng. Thủ tướng Putin nói rằng,các buổi giải đáp phát sóng trực tiếp trên truyền hình sẽ giúp đảng cầm quyền có được kênh đối thoại trực tiếp với người dân.

Chuyển sang làm Thủ tướng, ông Putin vẫn giữ nguyên "lực hút" và sức hấp dẫn của mình với công chúng. Thậm chí, nhờ lối sống bình dị, chan hòa, ông ngày càng có nhiều người hâm mộ. Ngày 2-5, ông Putin đã tiến hành thị sát tình hình phát triển và thu thập kiến nghị phát triển tại khu công nghiệp phía Bắc Moscow, thuộc nước Cộng hòa Tatarstan. Ðiểm đến trọng tâm chính là nhà máy sản xuất ô-tô máy công cụ.

Ðể tiện cho Thủ tướng tham quan khu công nghiệp, ban quản lý đã bố trí một chiếc xe điện và một người lái xe cho ông. Tuy nhiên, ngay khi vận hành thử phương tiện này, ông Putin đã nhanh chóng làm quen, điều khiển thành thạo. Vô cùng thích thú, ông đề nghị không cần bố trí nhân viên lái xe nữa, thay vào đó đưa cho ông bản sơ đồ chi tiết các vị trí của nhà máy để Thủ tướng tự lái xe!

Sự hiện diện của ông Putin bên cạnh Tổng thống Medvedev trong 100 ngày đầu vận hành của một chính phủ được dư luận Nga và thế giới nhìn nhận sẽ là sự bảo đảm chắc chắn cho tương lai của nước Nga.


Nhân dân

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Dự kiến có điểm sàn vào ngày 9 hoặc 10-8
Tính đến chiều 30-7, gần 80 trường ĐH, CĐ trên cả nước đã công bố kết quả thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2008, trong đó phía Bắc có ĐH Kiến trúc, ĐH Điện lực, Học viện Công nghệ Bưu chính - Viễn thông, ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội...
31/07/2008
Ông Karadzic bị dẫn độ đến La Haye
Cựu thủ lĩnh của người Serbia ở Bosnia-Herzegovina Radovan Karadzic sáng nay đã bị dẫn độ từ nơi giam giữ ở thủ đô Belgrade, Serbia, đến Tòa án quốc tế xét xử tội phạm của Nam Tư cũ (ICTY) ở TP La Haye, Hà Lan.
31/07/2008
Cựu Thủ tướng Thái-lan tuyên bố tị nạn tại nước ngoài
Theo thông tin của đài truyền hình quốc gia Thái-lan (NBT) phát đi vào trưa nay, 11-8, cựu Thủ tướng Thái-lan Thaksin Shinawatra khẳng định sẽ xin tị nạn chính trị tại Anh.
12/08/2008
Bố trí vốn cho Dự án Giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn
Ngày 8/8, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến về việc vốn đối ứng của Dự án Giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
12/08/2008