Ông Karadzic bị dẫn độ đến La Haye

07:24, 31/07/2008

Cựu thủ lĩnh của người Serbia ở Bosnia-Herzegovina Radovan Karadzic sáng nay đã bị dẫn độ từ nơi giam giữ ở thủ đô Belgrade, Serbia, đến Tòa án quốc tế xét xử tội phạm của Nam Tư cũ (ICTY) ở TP La Haye, Hà Lan.


 
 Ông Karadzic đã thay đổi hình dạng trong suốt 13 năm chạy trốn.
Tại đây, ông Karadzic, 63 tuổi, sẽ phải ra tòa và đối mặt với 11 tội danh trong đó có tội diệt chủng và tội ác chống lại loài người trong thời kỳ xung đột ở Bosnia-Herzegovina từ năm 1992 đến năm 1995.

Khoảng 3 giờ 45 giờ địa phương (8 giờ 45 giờ Việt Nam), chiếc xe chở ông Karadzic đã rời nơi giam giữ và đến sân bay 15 phút sau đó.

Tòa án Serbia cho biết, họ chưa nhận được đơn kháng án từ luật sư của ông Karadzic, bởi vậy Bộ trưởng Tư pháp Serbia đã ký lệnh dẫn độ ông Karadzic đến La Haye. Vấn đề đơn kháng án đã được gửi hay chưa vẫn là chuyện thực hư bởi vì luật sư của ông Karadzic lại nói đã gửi hồ sơ kháng án vào giờ chót thứ sáu tuần trước qua đường bưu điện.

Ông Karadzic bị bắt hôm 21-7 ở Belgrade, sau 13 năm lẩn trốn. Ông đã thay đổi hình dạng, để râu và tóc dài và làm việc dưới danh nghĩa bác sĩ trị liệu tâm lý.

Ông Karadzic tự tuyên bố mình là tổng thống nhà nước ly khai của người Serbia ở Bosnia khi Bosnia-Herzegovina tách ra khỏi LB Nam Tư năm 1992.

Người Serbia, được quân đội và các lực lượng bán quân sự của Nam Tư hậu thuẫn, đã nhanh chóng kiểm soát phần lớn lãnh thổ Bosnia-Herzegovina và phong tỏa thủ đô Sarajevo.

Trong cuộc xung đột sau đó, lực lượng người Serbia đã tiến hành chiến dịch mà họ gọi là “thanh lọc sắc tộc” - cưỡng bức di dời và giết hại người Bosnia theo đạo Hồi và người Croatia - trên các địa phận mà họ kiểm soát.

Ông Karadzic bị kết tội là người chịu trách nhiệm về vụ thảm sát ở Srebrenica, một thành phố nhỏ ở miền đông Bosnia-Herzegovina và là “vùng an toàn” thuộc quyền kiểm soát của LHQ mà quân đội Serbia đã đánh chiếm hồi tháng 7-1995. Gần 8.000 người Bosnia theo đạo Hồi, trong đó có trẻ em, đã bị thảm sát và đây bị coi là vụ thảm sát đẫm máu nhất kể từ sau thế chiến thứ hai ở châu Âu. Ông Karadzic cũng bị buộc tội đã biến 284 người thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ thành lá chắn sống hồi tháng 5 và tháng 6-1995.

Ông Karadzic đã mất hết quyền lực vào năm 1995 khi Hiệp ước Dayton chấm dứt cuộc chiến ở Bosnia.

Trước khi ông Karadzic bị dẫn độ sáng nay, hôm qua, tại thủ đô Belgrade đã diễn ra cuộc biểu tình của hơn 10 nghìn người ủng hộ ông Karadzic, chủ yếu là những người cấp tiến và theo chủ nghĩa dân tộc (tuy nhiên, khi Kosovo tuyên bố độc lập, đã có đến 250 nghìn người Serbia tham gia biểu tình).

Lực lượng cảnh sát được triển khai khắp Belgrade khi người biểu tình từ nhiều nơi ở Serbia và Bosnia đổ về đây tập hợp.

Đụng độ đã xảy ra giữa cảnh sát và một nhóm nhỏ người biểu tình sau khi Đảng Dân tộc cấp tiến kết thúc các bài phát biểu của mình. Cảnh sát trấn áp đám người này bằng hơi cay, đạn cao su; còn họ thì dùng đá, bùi nhùi, gậy sắt và thùng rác để chống trả. Tuy nhiên, hầu hết những người còn lại chỉ biểu tình trong trật tự.

Hôm qua, đại diện 27 nước thuộc Liên hiệp châu Âu (EU) đã họp ở Brussels và quyết định tạm hoãn việc nới lỏng quan hệ thương mại với Serbia cho đến khi ông Karadzic được đưa đến La Haye.

EU cho biết, họ sẽ chờ báo cáo của ICTY về việc Serbia có hợp tác đầy đủ với tòa án hay không và coi đây là điều kiện cần thiết cho các cuộc đàm phán chung quanh việc Serbia gia nhập EU.

EU cũng yêu cầu Serbia hợp tác trong việc truy bắt tướng Ratko Mladic, tư lệnh quân đội trong thời kỳ xung đột ở Bosnia-Herzegovina, hiện vẫn đang tự do.

Nhân dân

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thailand - Campuchia: nhất trí kiềm chế tránh xung đột vũ trang
Báo chí Thailand hôm nay dẫn nguồn tin từ Siem Reap (Campuchia) cho hay, sau 12 giờ đồng hồ đàm phán căng thẳng, Thailand và Campuchia đã nhất trí điều chỉnh lực lượng binh sĩ đồn trú tại khu vực biên giới hai nước, gần ngôi đền cổ Preah Vihear, tuy nhiên chưa đưa ra giải pháp “gỡ rối” tranh chấp.
30/07/2008
Hội đàm biên giới Thái-Campuchia căng thẳng, bế tắc
Campuchia và Thái Lan hôm nay họp bàn giải quyết bất đồng về lãnh thổ tranh chấp gần một ngôi đền Hindu cổ, vấn đề khiến hai nước đưa hàng nghìn quân tới biên giới.
29/07/2008
Việt Nam giành 4 huy chương vàng Olympic Vật lý
Đêm 27/7, Thứ trưởng Bành Tiến Long, Trưởng ban tổ chức IPhO 2008 cho biết, đoàn Việt Nam đã giành 4 HCV và 1 HCĐ. Đây là thành tích tốt nhất của nước ta khi tham dự Olympic Vật lý.
29/07/2008
Đảng cầm quyền Campuchia tuyên bố thắng cử
Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền của Thủ tướng Hun Sen đã tuyên bố chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử hôm 27/7, mở đường để ông tiếp tục cầm quyền sau 23 năm lãnh đạo Campuchia.
28/07/2008
403 Forbidden

Forbidden

You don't have permission to access this resource.