Đảng cầm quyền Campuchia tuyên bố thắng cử

09:58, 28/07/2008

Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền của Thủ tướng Hun Sen đã tuyên bố chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử hôm 27/7, mở đường để ông tiếp tục cầm quyền sau 23 năm lãnh đạo Campuchia.


Phát ngôn viên Khieu Kanharith của đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cho biết đảng này có thể giành được ít nhất 80 trong tổng số 123 ghế tại Quốc hội. "Kết quả sơ bộ từ các điểm bỏ phiếu cho thấy CPP đang dẫn đầu", ông cho biết, đồng thời khẳng định CPP sẽ giành ghế tại các khu vực từng là sân nhà của phe đối lập.

Kết quả chính thức sẽ được công bố vào tối 28/7 song ông Khieu Kanharith nói rằng chiến thắng của CPP có thể sẽ được khẳng định vào đêm 27/7. Yim Sovann, nghị sĩ của đảng Sam Rainsy đối lập, nói rằng kết quả sơ bộ cho thấy đảng này giành được 40 ghế.

Các điểm bỏ phiếu tại Campuchia đã đóng cửa. Nhiều cử tri tại Thủ đô Phnom Penh nói rằng quan tâm chính của họ là tranh chấp lãnh thổ với Thái Lan. "Tôi sẽ bỏ phiếu cho những người có thể giải quyết vấn đề đền Preah Vihear ngay sau khi họ lên nắm quyền. Trước đây tôi không bao giờ quan tâm tới biên giới song giờ biên giới nằm trong trái tim tôi", thương gia Lam Chanvanda 56 tuổi nói trong khi xếp hàng chờ bỏ phiếu.
 
Hàng nghìn binh sĩ Thái Lan và Campuchia đang đối đầu gần Preah Vihear - ngôi đền phong cách Khmer được xây dựng từ thế kỷ 11. Ngoại trưởng của hai nước sẽ gặp nhau vào ngày 28/7 với hy vọng giải quyết được tranh chấp này.

Thủ tướng Hun Sen đã thể hiện lập trường cứng rắn về vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Ông đã cáo buộc Thái Lan không tôn trọng luật pháp quốc tế và đe dọa tới hòa bình trong khu vực. Thậm chí trước khi căng thẳng biên giới leo thang, ông Hun Sen đã được dự báo là sẽ giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử. Tuy nhiên, ngôi đền và lập trường cứng rắn của ông đối với Thái Lan đã khiến ông giành được lá phiếu của các cử tri còn lưỡng lự.

"Tất cả mọi người giờ ủng hộ chính phủ bởi đây là một vấn đề quốc gia. Nhiều người hơn sẽ bỏ phiếu cho ông Hun Sen để trao cho ông thêm sức mạnh giải quyết vấn đề đền Preah Vihear", nhà giám sát bầu cử Kek Galabru nói. Chan Sim, một cử tri 72 tuổi tại Phnom Penh, đã bỏ phiếu ủng hộ CPP, bởi "giới lãnh đạo tốt của đảng này và khả năng duy trì đoàn kết dân tộc".

Khoảng 17.000 quan sát viên trong nước và quốc tế đã giám sát hoạt động bỏ phiếu tại hơn 15.000 địa điểm.

Lãnh đạo Sam Rainsy của phe đối lập đã họp báo vào giữa trưa 27/7, đòi hủy bỏ cuộc tổng tuyển cử. Ông cho rằng khoảng 200.000 cử tri đã đăng ký tại Phnom Penh, nơi phe đối lập chiếm ưu thế mạnh nhất, không thể bỏ phiếu do tên của họ đã bị gạt ra khỏi danh sách cử tri.

Tổng thư ký Ủy ban bầu cử quốc gia Tep Nitha đã bác bỏ lời cáo buộc trên tại một cuộc họp báo riêng biệt, nói rằng các cử tri đã được yêu cầu kiểm tra liệu tên của họ có được ghi trong danh sách bỏ phiếu hay không. Những tên không thể xác định được đã bị xóa vào năm ngoái. Phát ngôn viên CPP cũng bác bỏ những cáo buộc trên, nói rằng: "Chúng tôi không cần gian lận mới chiến thắng".


vietnamnet

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Iraq chuẩn bị chiến dịch truy quét tàn quân Al Qedar
Theo AFP, ngày 24-7, một quan chức cấp cao quân đội Iraq cho biết, Chính phủ Iraq đã huy động khoảng 30 nghìn người, gồm cảnh sát và quân đội, tham gia một chiến dịch truy quét tàn quân Al Qedar sẽ được bắt đầu từ ngày 1-8 tới ở tỉnh Diala, một trong những nơi có nhiều tay súng Al Qedar hoạt động.
25/07/2008
Hợp tác chiến lược giữa Nga và Venezuela
Theo Ðài truyền hình Nước Nga ngày nay và các hãng tin Reuter, AFP, ngày 23-7, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez đã kết thúc chuyến thăm LB Nga hai ngày.
25/07/2008
Chính phủ Ấn Độ vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm
Chủ tịch Quốc hội Ấn Độ Somnath Chatterjee hôm qua cho biết, Chính phủ nước này đã giành thắng lợi trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, liên quan đến thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự giữa Ấn Độ - Mỹ, với 275 phiếu ủng hộ và 256 phiếu chống.
24/07/2008
Vấn đề hạt nhân của Iran: Chưa phá được bế tắc
Cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân của Iran tiếp tục lâm vào bế tắc và các bên liên quan chưa phá vỡ được sự bế tắc này do lập trường của Mỹ và Iran vẫn khác nhau, mặc dù hai nước bước đầu có những điều chỉnh trong chính sách.
23/07/2008