Chính trường Thailand rối bời trong cuộc chiến pháp lý

07:54, 15/07/2008

Những phán quyết gần đây của cơ quan tư pháp Thailand liên quan sự nghiệp của các chính khách, tương lai các đảng chính trị, trong đó có đảng đương quyền và vận mệnh Chính phủ năm tháng tuổi khiến chính trường nước này như trên “chảo lửa”. Nhiều nhà phân tích nhận định tranh tụng pháp lý là một nguyên nhân đẩy Thailand vào bế tắc.


 
 Bên ngoài Tòa án Hiến pháp Thailand.
“Cuộc chiến” pháp lý

Viện dẫn các điều luật để đẩy tới kiện cáo, tranh tụng pháp lý đang dần trở thành hiện tượng quen thuộc tại Thailand trong suốt thời gian dài, đặc biệt là từ cuộc bầu cử Hạ viện tháng 12-2007.

Chưa kể tới các phiên tòa xét xử vợ chồng cựu Thủ tướng Thaksin, ngay sau cuộc bầu cử năm ngoái, các cuộc tranh tụng đã xuất hiện qua một loạt cáo buộc gian lận bầu cử đối với thành viên các đảng đắc cử  được gửi tới Ủy ban bầu cử Thailand (ECT) và đơn kiện của một cựu thành viên đảng Dân chủ lên Tòa án Tối cao tố cáo đảng Sức mạnh Nhân dân (PPP), đảng chiếm nhiều ghế nhất trong Hạ viện, là lực lượng ủy nhiệm của  đảng đã bị giải thể Người Thái yêu người Thái (TRT).

Bế tắc được khai thông với việc Tòa án Tối cao khi đó ra phán quyết bác bỏ mọi cáo buộc  đối với PPP và ECT tạm thời thông qua danh sách các ứng cử viên trúng cử để phiên họp đầu tiên của Hạ viện diễn ra theo đúng thời gian quy định.

Tuy nhiên đây mới chỉ là khởi đầu các rắc rối. Cho tới khi Chính phủ liên hiệp được thành lập, các vụ kiện tụng vẫn tiếp tục đe dọa sinh mệnh các đảng tham gia Chính phủ.

Giữa tháng 4, ECT quyết định xúc tiến giải tán hai chính đảng trong liên minh cầm quyền là Chart Thai (Dân tộc Thái) và Matchimathipataya (Dân chủ trung dung) do các thành viên điều hành của hai đảng bị kết tội mua phiếu bầu trong cuộc Tổng tuyển cử bầu Hạ viện. Hồ sơ vụ việc được ECT chuyển tới Văn phòng Tổng chưởng lý (OAG) và trong nửa đầu tháng 7, hai cơ quan độc lập này đã nhất trí đề nghị Tòa án Hiến pháp giải tán hai đảng nói trên.

ECT cũng tập hợp hố sơ cáo buộc ông Yongyuth Tiyapairat, Chủ tịch Hạ viện, thành viên PPP, gửi lên Tòa án Tối cao khiến ông Yongyuth Tiyapairat, mặc dù phủ nhận mọi cáo buộc vẫn phải tuyên bố từ chức Chủ tịch Hạ viện và Quốc hội.

“Quả bom” chấn động chính trường Thailand chính là sự kiện Tòa án Tối cao hôm 8-7 tuyên ông Yongyuth Tiyapairat nguyên Phó Chủ tịch,  thành viên điều hành PPP vào thời điểm diễn ra cuộc bầu cử cuối năm ngoái, có hành vi gian lận bầu cử bằng việc mua phiếu bầu.

Phán quyết nói trên không chỉ khiến ông Yongyuth bị tước bỏ nốt tư cách hạ nghị sĩ và bị cấm hoạt động chính trị trong vòng năm năm mà nghiêm trọng hơn, còn đẩy PPP, đảng nòng cốt trong liên minh cầm quyền tại Thailand, đứng trước nguy cơ bị giải thể, chịu số phận tương tự đảng Người Thái yêu người Thái (TRT) trước đây.

Điều 237 trong Hiến pháp hiện hành quy định, nếu một thành viên điều hành đảng chính trị phạm luật bầu cử, toàn đảng đó có thể bị giải tán. Điều này dẫn đến hệ lụy các thành viên điều hành và lãnh đạo đảng sẽ bị cấm hoạt động chính trị năm năm, thành viên của đảng giữ chức vụ trong chính phủ phải từ chức, các thành viên khác nếu muốn tiếp tục hoạt động chính trị phải gia nhập đảng khác trong thời gian 60 ngày.

Cùng thời điểm, Chính phủ Thailand tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề bởi các phán quyết của Tòa án Hiến pháp. Dựa trên đơn kiến nghị của 36 Thượng nghị sĩ, chiểu theo điều 92 của Hiến pháp, Tòa án Hiến pháp tuyên bố bãi nhiệm chức Bộ trưởng Y tế đối với ông Chaiya Sasomsup  do ông này có hành vi che giấu việc vợ ông nắm giữ hơn 5% cổ phần tại công ty tư nhân.

Tiếp đó là tranh cãi chung quanh việc Thailand ký Tuyên bố chung với  phía Campuchia ủng hộ nước này đưa ngôi đền cổ Preah Vihear, một địa danh nhạy cảm về chủ quyền nằm ở khu vực biên giới hai nước Thailand và Campuchia, vào danh sách di sản thế giới của UNESCO.

Ngay sau khi đền Preah Vihear được UNESCO chấp thuận là di sản thế giới, Tòa án Hiến pháp Thailand phán quyết Bộ trưởng Ngoại giao nước này Noppadon Pattama “vi hiến” do đứng tên ký tuyên bố này. Phán quyết viện dẫn điều 190 của Hiến pháp theo đó quy định bất cứ một hiệp ước nào có ảnh hưởng đối với lợi ích kinh tế và xã hội cũng như sự toàn vẹn đường biên giới lãnh thổ của Thailand cần phải được Quốc hội xem xét kỹ trước khi ký. Tuyên bố chung, dù được Chính phủ ủng hộ nhưng chưa được Quốc hội xem xét, bị coi là vi phạm Hiến pháp.

Bộ Ngoại giao Thailand cho rằng thông cáo chung  nói trên không phải là một Hiệp ước phân định chủ quyền, do đó không cần thiết phải trình Quốc hội thông qua. Thủ tướng Thailand Samak Sundaravej thì tuyên bố bất cứ Chính phủ nào cũng làm điều tương tự việc Chính phủ của ông đã làm để ủng hộ  nỗ lực của phía Campuchia đưa Preah Vihear vào danh sách di sản thế giới. Những lý lẽ đó đều không thể đảo ngược phán quyết của tòa.

Trở về nước sau khi dự cuộc họp Ủy ban Di sản của UNESCO tại Canada, ông Noppadon Pattama trở thành thành viên thứ ba của Chính phủ vừa tròn năm tháng tuổi phải “ra đi”. Trước đó, ngoài Bộ trưởng Y tế bị bãi nhiệm, Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng Thailand Jakrapob Penkair đã phải từ chức do bị cáo  buộc tội khi quân.

Liên minh Nhân dân vì dân chủ (PAD), lực lượng biểu tình phản đối  Chính phủ suốt từ cuối tháng 5 đến nay, còn tuyên bố sẽ tập hợp đủ 20 nghìn chữ ký yêu cầu Thượng viện luận tội toàn bộ Chính phủ vì đã ủng hộ tuyên bố “vi hiến” nói trên. Đảng Dân chủ đối lập và một số Thượng nghị sĩ cũng khẳng định sẽ thúc đẩy luận tội chính phủ thông qua Ủy ban chống tham nhũng quốc gia (NCCC).

Vòng xoáy chưa lối thoát

Diễn biến tại Thailand cho thấy nền chính trị nước này lại sa vào vòng luẩn quẩn không lối thoát. Trước cuộc đảo chính  năm 2006, vào tháng 6-2006, Văn phòng Tổng chưởng lý (OAG) từng có một quyết định gây sốc kiến nghị Tòa án Hiến pháp giải tán đảng TRT cầm quyền, đảng Dân chủ và ba đảng nhỏ khác do vi phạm luật trong cuộc bầu cử Quốc hội trước đó.

Đó là cơ sở để Tòa án Hiến pháp chính thức giải tán TRT và một số đảng nhỏ vào cuối tháng 5-2007, cấm  thành viên điều hành các đảng này hoạt động chính trị trong  thời hạn năm năm.

Hai năm sau, vào tháng 7-2008, Thailand dường như lặp lại kịch bản trước đây khi các đảng trong liên minh cầm quyền gồm PPP, Chart Thai và Matchimathipataya phải đối mặt khả năng bị giải tán cũng do vi phạm luật bầu cử.

Điểm khác biệt lần này là các phán quyết đều dựa trên cơ sở bản Hiến pháp 2007. Trong quá khứ, án phạt gian lận trong bầu cử chỉ chủ  yếu áp dụng cho các cá nhân vi phạm. Các điều luật  có phần “nghiệt ngã” hơn của Hiến pháp 2007 đang đẩy chính  trường Thailand vào khủng hoảng.

Tranh cãi gay gắt và biểu tình ở Thailand suốt nhiều tháng qua giữa phe chủ trương sửa đổi và những người muốn duy trì Hiến pháp. Phe muốn sửa đổi trong đó có Chính phủ và liên minh các đảng  cầm quyền cho rằng Hiến pháp thiếu dân chủ vì được xây dựng trong thời điểm lực lượng đảo chính nắm quyền. Trong khi đó, đảng Dân chủ đối lập, PAD và những người phản đối lại không muốn sửa đổi Hiến pháp vì lo ngại việc sửa đổi sẽ chỉ đem lại quyền lợi cho chính đảng nắm quyền cũng như Chính phủ.

Trong tuyên bố mới nhất được phát trên đài phát thanh và truyền hình quốc gia, Thủ tướng Samak Sundaravej cho rằng Hiến pháp hiện hành là nguyên nhân gây ra trở ngại đối với Chính phủ  do ông nắm quyền, trong  đó có việc một số thành viên Chính phủ buộc phải từ chức. Việc dễ dàng giải thể các đảng chính trị sẽ tạo ra khoảng trống nguy hiểm trong việc điều hành đất nước.

Ông cũng cho rằng bản Hiến pháp hiện nay là “bẫy chính trị” nhằm hủy hoại Chính phủ, do đó cần thiết phải sửa đổi Hiến pháp, nhất là điều 237 theo đó quy định việc giải thể các đảng chính trị. Chính phủ sẽ đề xuất việc sửa đổi này khi Hạ viện nhóm họp vào 1-8 tới đây.

Chính  phủ Thailand từng tạm dừng  kế hoạch thúc đẩy việc sửa đổi Hiến pháp khi kiến nghị trình lên Quốc hội vào tháng 6 bị vô hiệu hóa vì không tập hợp đủ nghị sĩ theo luật định và do sức ép từ các cuộc biểu tình rầm rộ do Liên minh dân chủ nhân dân (PAD) tiến hành.

Tuy nhiên, để tự cứu mình, PPP và Chính phủ liên hiệp tiếp tục lựa chọn hướng đi cũ, đặc biệt sửa đổi điều 237. Dù không đề cập  việc bãi bỏ hay giữ nguyên điều 309 (quy định ân xá cho lực lượng làm đảo chính), không ít người lo ngại quyết tâm sửa đổi Hiến pháp của Chính phủ sẽ lại một  lần nữa vấp phải sự phản đối quyết liệt của phe đối lập cũng như PAD, khiến Thailand càng lún sâu vào khủng hoảng.

Thủ tướng Thailand cũng khẳng định sẽ tiến hành cải tổ Chính phủ sâu rộng trước cuối tháng này và sẽ lựa chọn những người có khả năng vào Chính phủ, tuy nhiên thời điểm công bố danh sách Chính phủ mới còn phụ thuộc phán quyết của Tòa án Tối cao về việc ba thành viên Chính phủ, trong đó có Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Surapong Suebwonglee, bị cáo buộc tham nhũng liên quan hoạt động xổ số.

Việc cải tổ chính phủ là cần kíp, tuy nhiên vào thời điểm hiện nay, không nhiều người cho rằng, “luồng gió cải tổ” có thể làm dịu đi bầu không khí nóng bỏng  trên chính trường Thailand.

Mặc dù Thủ tướng Thailand bác bỏ khả năng giải tán Quốc hội và tiến hành bầu cử vào thời điểm hiện nay, các nhà phân tích cho rằng đó vẫn có thể là một lựa chọn nếu Thailand vẫn chìm trong bế tắc.

Bất ổn chính trị tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế Thailand. Tỷ lệ lạm phát tại Thailand trong tháng 6 lên tới 8,9%, mức cao nhất trong vòng  mười năm qua, thị trường chứng khoán giảm 15 điểm  kể từ cuối tháng 5, giá cả nhiều mặt hàng lên cao đang là những yếu tố góp phần “cộng hưởng” làm gia tăng lo ngại về khả năng xảy ra những biến động lớn.


Nhân dân

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

LHQ không thông qua Nghị quyết về Zimbabwe
Theo Bộ Ngoại giao, tại phiên họp chiều 11-7, giờ New York (sáng 12-7, giờ Hà Nội), Hội đồng Bảo an (HÐBA) LHQ đã bỏ phiếu dự thảo Nghị quyết về tình hình Zimbabwe.
14/07/2008
Thi tốt nghiệp THPT lần hai vào ba ngày 18,19 và 20-8
Bộ Giáo dục và Ðào tạo vừa có công văn hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT lần hai. Theo đó, những thí sinh đủ điều kiện sẽ đăng ký dự thi lần hai trước ngày 18 và kỳ thi tốt nghiệp này sẽ được tổ chức trong các ngày 18, 19 và 20-8.
12/07/2008
LHQ lập ủy ban điều tra vụ giết hại bà B. Bhutto
Liên hợp quốc (LHQ) và Pakistan hôm qua đã nhất trí sẽ thành lập một ủy ban điều tra độc lập vụ giết hại cựu Thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto.
12/07/2008
Hai đợt thi trật tự, nghiêm túc
Hai đợt thi tuyển sinh ĐH đã diễn ra trật tự, nghiêm túc; đề thi không quá khó, phù hợp trình độ chung và có khả năng phân loại thí sinh. Đó là nhận xét chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong buổi họp báo chiều 10- 7, tại Hà Nội.
11/07/2008