Bộ GD và ĐT họp báo:
Hai đợt thi trật tự, nghiêm túc
Hai đợt thi tuyển sinh ĐH đã diễn ra trật tự, nghiêm túc; đề thi không quá khó, phù hợp trình độ chung và có khả năng phân loại thí sinh. Đó là nhận xét chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong buổi họp báo chiều 10- 7, tại Hà Nội.
Do làm tốt công tác chuẩn bị, tập huấn cho cán bộ coi thi tuyển sinh, tuyên truyền rộng rãi đến các thí sinh dự thi đại học, cao đẳng về nội quy, quy chế tuyển sinh nên số lượng thí sinh và cán bộ coi thi vi phạm quy chế giảm so với năm 2007. Trong cả hai đợt thi, có 365 thí sinh và 33 cán bộ coi thi vi phạm quy chế, bị xử lý kỷ luật; con số của năm 2007 lần lượt là: 392 thí sinh và 64 cán bộ coi thi.
Kỷ luật phòng thi nghiêm túc, trật tự, các hiện tượng vi phạm quy chế thi đều được xử lý kịp thời, kiên quyết, ý thức của các thí sinh tốt.
Thành công của hai đợt thi có sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các bộ, ban, ngành, các địa phương và các lực lượng xã hội, trong đó đặc biệt phải kể đến vai trò của các thanh niên, sinh viên tình nguyện.
Sau đợt thi thứ nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương làm rõ những vấn đề tiêu cực, gây hoang mang trong dư luận xã hội, ảnh hưởng tới tính bảo mật, nghiêm túc của kỳ thi. Đáng chú ý là Bộ đã phối hợp cùng Trung tâm an ninh mạng- Trường Đại học Bách khoa Hà Nội khẩn trương truy tìm, xác minh và khẳng định không có chuyện lộ đề thi môn Toán khối A, trấn an dư luận xã hội.
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót bộc lộ qua hai đợt thi tuyển sinh vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tập trung chỉ đạo rút kinh nghiệm trong đợt thi cao đẳng sắp tới.
Đó là, một số trường đại học có lượng thí sinh dự thi đông phải đi thuê cán bộ coi thi, tập huấn không kỹ nên xảy ra hiện tượng một số cán bộ coi thi vi phạm quy chế thi. Trong số 14 cán bộ coi thi bị kỷ luật đình chỉ công tác coi thi, có đến 12 người bị đình chỉ do mang điện thoại di động trái phép, chiếm tỷ lệ đến 85,7% tổng số cán bộ vi phạm quy chế (33 người).
Một số hội đồng tuyển sinh vẫn chưa quan tâm đúng mức việc nhắc nhở thí sinh không được mang điện thoại vào phòng thi cũng như chưa tổ chức nơi trông giữ đồ đạc cho thí sinh trong khi thi.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về giải pháp khắc phục hiện tượng lượng thí sinh ảo quá lớn gây tốn kém lãng phí cho các trường đại học, bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ Đại học và sau Đại học cho biết: Năm nay, tính theo tỷ lệ thì mỗi thí sinh nộp trung bình 1,8 bộ hồ sơ. Bộ không thể ra quy định không cho thí sinh chỉ được nộp một bộ hồ sơ vì trên thực tế, có rất nhiều thí sinh khi nộp đơn còn đang băn khoăn chưa biết chọn trường nào nên nộp nhiều hồ sơ rồi đến sát ngày thi mới chọn thi một trường đã đăng ký.
Để bảo đảm quyền lợi cũng như trách nhiệm của thí sinh, có thể từ kỳ thi tuyển sinh sắp tới, Bộ sẽ cho phép các trường thi lệ phí dự thi ngay từ khi thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi. Như vậy, các trường đại học sẽ không phải “bù lỗ” cho các thí sinh không đến dự thi các khoản chi phí như thuê phòng thi, thuê giám thị, thuê giám khảo, thuê người phục vụ... Tuy nhiên, nhìn dưới khía cạnh chống lãng phí thì đây không phải là giải pháp! Những chi phí này thay vì các trường phải gánh chịu thì sẽ đổ lên đầu các thí sinh.
Bà Hà cũng cho biết, hiện tại Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với Bộ Tài chính về việc đề nghị Chính phủ hỗ trợ các trường đại học 10.000đ/mỗi thí sinh không đến dự thi.
Sáng ngày 10-7, các thí sinh khối B thi môn Hóa, thí sinh khối C thi môn Địa lý, thí sinh khối D thi môn Ngoại ngữ.
Theo nhận xét của một số thí sinh thì đề thi Hóa khối B là tương đối sát với chương trình học, không quá khó và có khả năng phân loại được kiến thức của các thí sinh. Em Nguyễn Huyền Trang, quê Hưng Yên thi Khoa Sinh học trường Đại học khoa học tự nhiên cho biết: đề thi tương đối dài, kiến thức phần lớn đều nằm trong sách giáo khoa. Nắm chắc các kiến thức cơ bản thì có thể làm được khoảng 70%.Em làm được khoảng 95% đề. Tuy nhiên cũng có một số thí sinh nhận xét rằng đề thi hóa năm nay khó và dài. Em Bùi Duy Tiến, ở Thái Bình thi Khoa khoa học môi trường cho rằng đề thi có nhiều câu bài tập làm mất khá nhiều thời gian, các đáp án đưa ra dễ đánh lừa thí sinh, đòi hỏi các thí sinh phải đọc kĩ đề bài. Em chỉ làm được khoảng 60%. Đề thi địa khối C thì được nhận xét là tương đối dài. Tuy vậy các kiến thức đều nằm trong chương trình học. Em Kim Yến, quê Ninh Bình thi Khoa Sử trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết: đề rất sát với kiến thức trong sách giáo khoa, nếu nắm chắc kiến thức cơ bản thì có thể làm được khoảng 60 đến 70%, còn lại cần vận dụng các kiến thức hiểu biết các lĩnh vực kinh tế ở ngoài đời sống. Em làm được khoảng 70%. Em Nguyễn Thị Tươi, quê Hà Tây, thi Khoa Sử trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn làm được khoảng 60%c. Theo em, đề thi khá dài, mỗi câu hỏi đều đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau. Đề thi năm nay tập trung vào các lĩnh vực kinh tế nông nghiệp và công nghiệp nên cần sự hiểu biết thực tế nhiều. |
Ý kiến bạn đọc