Tỷ lệ tốt nghiệp cao liệu có thực chất?
07:36, 24/06/2008
Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT năm 2008 với tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp khá cao, có thể là điều mừng cho một số địa phương với tâm lý “mầu cờ sắc áo”, nhưng lại là nỗi lo sâu sắc cho dư luận xã hội, khi mà nay mai, chủ trương chỉ còn một kỳ thi THPT quốc gia, lấy kết quả xét tuyển ĐH, CĐ thành hiện thực.
Thi tốt nghiệp THPT. |
Trước khi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, bổ túc THPT 2008 diễn ra, một đồng nghiệp trẻ hỏi người viết bài này: “ Chị dự đoán kỳ thi năm nay sẽ ra sao?”. “ Xét về các yếu tố quản lý và tác động tâm lý xã hội, từ kỳ thi năm trước kỳ thi năm nay chắc chắn đề thi sẽ phải “mềm” hơn và tỷ lệ tốt nghiệp sẽ cao hơn!”.
Quả như dự đoán, kết quả thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT năm nay tăng hơn hẳn năm trước. Nhưng ngoài cả dự báo, tỷ lệ này ở cả hai ngành học, THPT và giáo dục thường xuyên, nhất là GDTX tăng quá cao. Có thể thấy hai số liệu sau: tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2007 ( lần I) chỉ 66,72%, thì năm nay ( lần I): 75, 96% ( tăng 9,24%); đặc biệt tỷ lệ tốt nghiệp bổ túc THPT tăng đột biến, năm 2007 (lần I): 26,46%; năm nay (lần I): 42,42% (tăng 15,96%).
Những điểm “bất thường” từ kết quả thi tốt nghiệp THPT 2008
* Một số địa phương “nhảy hạng” một cách đột ngột: Bắc Giang: năm trước xếp hạng 42, năm nay lên 17; tiếp đó Thái Nguyên: 38 – 25; Lạng Sơn: 48-27; Kon Tum: 47-28; Điện Biên: 56-33...
* Ở ngành học GDTX, sự “nhảy hạng” còn rõ hơn: Hoà Bình, năm trước xếp hạng thứ 43, năm nay lên hẳn thứ 4; tiếp đó là Bắc Giang: 35-8; Hưng Yên: 37-14; Sơn La: 64 -20; Thừa Thiên Huế: 41-27;
* Tỷ lệ tốt nghiệp tăng nhiều nhưng tỷ lệ tốt nghiệp loại khá giỏi tăng không nhiều; thậm chí tỷ lệ tốt nghiệp khá giỏi của ngành GDTX còn giảm
|
Có thể thấy gì qua những kết quả này, và qua bảng xếp hạng mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố?
Trước hết ở bảng xếp hạng của ngành THPT, một số địa phương chất lượng giáo dục vào loại khá vững chắc vẫn ở tốp trên, tuy có hoán vị chút ít so với năm trước đó là Nam Định, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội. Số địa phương chất lượng giáo dục còn yếu, vẫn “yên vị” ở tốp dưới. Cụ thể: Bắc Cạn (năm trước: xếp hạng 63, năm nay vẫn 63; Yên Bái: 61-62; Cao Bằng: 60 – 64; Sơn La: 62 – 60 vv...). Nhưng bên cạnh sự thoả đáng, lại có quá nhiều điều không thoả đáng. Đó là năm nay, một số địa phương “nhảy hạng” một cách đột ngột. Cụ thể Bắc Giang: năm trước xếp hạng 42, năm nay lên 17; tiếp đó Thái Nguyên: 38 – 25; Lạng Sơn: 48-27; Kon Tum: 47-28; Điện Biên: 56-33...
Ở ngành học GDTX, hiện tượng “nhảy hạng” còn hơn nữa. Đáng kể nhất là Hoà Bình, năm trước xếp hạng thứ 43, năm nay lên hẳn thứ 4; tiếp đó là Bắc Giang: 35-8; Hưng Yên: 37-14; Sơn La: 64 -20; Thừa Thiên Huế: 41-27; Hà Giang: 54-28; Phú Thọ 53-30; Quảng Bình: 56-34; Tuyên Quang: 65 – 45; Kon Tum: 57-47...
Đáng chú ý nữa, cho dù tỷ lệ tốt nghiệp của cả hai ngành học đều tăng nhiều so với trước, nhưng tỷ lệ tốt nghiệp loại khá giỏi tăng không nhiều ( năm 2007: 10,62%, năm nay: 11,46%, tăng 0,84%). Tỷ lệ tốt nghiệp khá giỏi của ngành GDTX thậm chí giảm ( năm 2007:1,65%, năm nay:1,31% giảm 0,34%).
Lẽ thường tình, sự tiến bộ trong xếp hạng theo xu hướng lên bậc cao hơn phải được dư luận xã hội mừng vui và trân trọng, nhất là giáo dục, một lĩnh vực nhạy cảm liên quan lợi ích của hàng triệu gia đình. Nhưng, sự phản ứng của dư luận xã hội trước tỷ lệ tốt nghiệp cao là đăm chiêu và hoài nghi. Hay đó là một thái độ mà chính ngành giáo dục và đào tạo nên suy ngẫm?
Đề thi, coi thi hay chấm thi có vấn đề?
Giáo dục là một quá trình. Kết quả chất lượng giáo dục càng là một quá trình phải dày công chăm sóc, nhất là trong một bối cảnh giáo dục Việt Nam nói chung, các địa phương nói riêng quy mô học sinh quá lớn, đội ngũ giáo viên, phương pháp giảng dạy, các điều kiện dạy và học chưa được cải thiện như ý, thì tỷ lệ tốt nghiệp tăng quá nhanh liệu có đáng tin cậy?.
Tỷ lệ tốt nghiệp kỳ thi, thông thường được quyết định bởi ba yếu tố sau: đề thi, coi thi và chấm thi. Trước hết là đề thi. Cho đến tận bây giờ, ý kiến chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo là đề thi không khó, không dễ. Nhưng có một thực tế, quan điểm ra đề thi của Bộ GD và ĐT chủ trương phải bảo đảm “ chuẩn tối thiểu” đề học sinh dân tộc thiểu số, học sinh vùng khó khăn, vùng núi nếu chăm chỉ và cố gắng đều có thể đỗ. Dĩ nhiên với “chuẩn tối thiểu” đó, một học sinh vùng núi cao, vùng khó khăn có thể rất vất vả mới đạt yêu cầu, nhưng một học sinh diện trung bình ở những đô thị có điều kiện thuận lợi lại có thể dễ dàng vượt quá.
Một chỉ số khác để có thể so sánh về độ khó hơn hay dễ hơn của đề, nếu giả dụ các điều kiện coi thi, chấm thi đều “chuẩn”. Đó là tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp loại khá, giỏi năm nay so với năm trước ở THPT chỉ tăng hơn 0,84%, còn ở bổ túc THPT thậm chí giảm 0,34%, trong khi lệ học sinh diện đại trà đỗ tăng cao. Sự so sánh, dẫu chỉ ở mức tương đối, cũng cho thấy khả năng mức độ đề thi năm nay (ở phần đại trà), với yêu cầu bảo đảm “chuẩn tối thiểu” trong thực tế, rõ ràng phải “mềm” hơn.
Một yếu tố có ý nghĩa quyết định rất lớn đến tỷ lệ tốt nghiệp cao hay thấp là coi thi. Khâu coi thi được coi là quan trọng nhất để bảo đảm kỳ thi trung thực, khách quan và công bằng, vẫn được chính ngành giáo dục và đào tạo đánh giá là khâu yếu nhất. Ý thức được điều đó, năm nay ngành tiếp tục biện pháp thanh tra uỷ quyền (là cán bộ, giảng viên các trường ĐH,CĐ). Đây là biện pháp mang ý nghĩa răn đe, nhằm tác động tâm lý thí sinh, giám thị coi thi để ngăn chặn và hạn chế những tiêu cực thi cử.
Hiệu quả của biện pháp này đến đâu?. Đánh giá chung của các hội đồng thi là tốt, tuy nhiên mức độ còn khác nhau, tuỳ thuộc vào ý thức trách nhiệm và thái độ xử lý của từng nơi, từng cán bộ thanh tra. Nhìn bên ngoài các phòng thi là khá nghiêm túc, yên tĩnh. Nhưng bên trong phòng thi có thực sự nghiêm túc không?
Con số thí sinh và giám thị coi thi năm nay bị xử lý giảm hẳn (năm 2007, số thí sinh bị xử lý kỷ luật 3500; năm nay là 900; số giám thị coi thi bị xử lý năm 2007: 33 người, năm nay: 14) vẫn chưa nói được chính xác phòng thi có nghiêm túc hay không và là con số “hai mặt”. Bởi lẽ, rất có thể con số ít thí sinh, giám thị coi thi bị xử lý chứng tỏ coi thi, thanh tra thi không nghiêm túc, nhưng ngược lại, con số nhiều thí sinh, giám thị coi thi bị xử lý kỷ luật mới thật sư phản ánh việc coi thi, thanh tra thi nghiêm túc, thì sao?
Số thí sinh và giám thị coi thi bị xử lý
* Năm 2007: 3500 thí sinh; 33 giám thị
* Năm 2008: 900 thí sinh; 14 giám thị
|
Được biết, năm nay, ngành giáo dục và đào tạo còn cử sáu đoàn thanh tra cơ động đi thanh tra đột xuất sau khu vực, vùng miền: đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên.... Báo cáo của các đoàn thanh tra cho rằng tình hình thi cử khá ổn (!).
Nhưng đáng chú ý nhất, và cũng “lạy ông tôi ở bụi này” nhất là tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của ngành GDTX, nhất là ở các tỉnh “ nhảy vọt” kể trên trong sự xếp hạng. Đã đành, năm nay, Bộ GD và ĐT có một số quy định mới cho một số đối tượng thí sinh diện chính sách ưu tiên, vùng miền khó khăn. Cụ thể tạm gọi thí sinh thuộc diện 1: 5 điểm mới đỗ, diện 2: 4,75 điểm đã đỗ, và diện 3: 4,5 điểm đã đỗ. Chính vì có sự nới lỏng về quy định này, mà số thí sinh bổ túc THPT có cơ may đỗ nhiều hơn. Nhưng ý kiến của nhiều chuyên gia, dựa trên sự theo dõi về chất lượng thực chất của hệ GDTX nhiều năm nay ( là rất yếu), là nếu có nới lỏng, thì cũng không thể có tỷ lệ cao “đột biến” đến mức khiến chính các địa phương sau khi đọc bảng xếp hạng hẳn cũng thấy ngượng ngùng.
Một vấn đề nữa là ở khâu chấm thi. Cũng theo ý kiến của giới chuyên gia, hình thức thi trắc nghiệm rất khó có thể gian lận, hoặc chấm “nới tay”, mà hiện tượng này lại dễ xảy ra ở những môn thi tự luận nhiều hơn. Bởi việc chấm cao hay thấp, “chặt” hay “lỏng” đều do con người- giáo viên chấm thi. Cho dù ngành có quy định chấm hai vòng độc lập, nhưng trong thực tế ( có sự chỉ đạo khéo léo) nếu cả hai vòng đều được hai người chấm độc lập chấm rộng (4 điểm lên 5, 5 điểm lên 6, hoặc từ 7 điểm lên 8,8 điểm lên 9) thì lại rất khó phát hiện. Như vậy để xác định được thực chất tỷ lệ tốt nghiệp, không chỉ đánh giá khách quan đề thi và đánh giá việc coi thi, mà ngành giáo dục và đào tạo cần có sự phân tích về việc chấm thi trên cơ sở các dữ liệu gửi về Cục Công nghệ thông tin, đặc biệt, cần có sự giải trình của các địa phương về nguyên nhân tỷ lệ cao đột biến. Rõ ràng, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT năm nay tăng cao và tăng đột biến có một phần thoả đáng, nhưng nhiều phần lại không thoả đáng, rất khó thuyết phục xã hội tin tưởng là một tỷ lệ thực chất.
Mong muốn chủ quan và thực tiễn phức tạp
Không thể phủ nhận một điều, đặt trong bối cảnh ngành GD và ĐT triển khai cuộc vận động “Hai không”, các địa phương có ý thức hơn trong việc kiếm tìm các giải pháp để nâng cao chất lượng, để dạy - học thực chất. Nhưng giáo dục vẫn có quy luật và con đường đi của nó. Sự biến đổi từ lượng sang chất là cả một hành trình, một quá trình gian khó, không thể là con số “một sớm một chiều “ biến ảo như trở bàn tay.
Chính kết quả thi cao đột biến và bất ngờ năm nay, lại “chất chồng” thêm nỗi nghi ngại của dư luận xã hội về Đề án chỉ còn một kỳ thi THPT quốc gia, căn cứ vào kết quả tốt nghiệp để xét tuyển ĐH,CĐ mà ngành GD và ĐT chủ trương triển khai vào năm 2009. Đây lại là năm có rất nhiều đối tượng thí sinh ( thí sinh học chương trình bình thường không phân ban, thí sinh học chương trình phân ban đại trà, và thí sinh học chương trình phân ban thí điểm, nhưng thi trượt ở lần hai của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2008 sắp tới sẽ diễn ra trong các ngày 18,19,20/8 này).
Một kỳ thi tốt nghiệp phổ thông như năm nay, tính cạnh tranh chưa lớn, mà kết quả kỳ thi còn cho thấy sự bất ổn và thiếu thuyết phục về tính nghiêm túc. Vậy ai bảo đảm, khi chỉ còn một kỳ thi THPT quốc gia kết hợp xét tuyển vào ĐH, CĐ, sự chuẩn mực và tính nghiêm túc, khách quan từ mong muốn chủ quan của ngành GD và ĐT sẽ biến thành hiện thực trong thực tiễn giáo dục các địa phương đầy biến động và phức tạp này?
Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT lần 1
(năm 2007 - 66,72%; năm 2008 - 75,96%)
(năm 2007 - 66,72%; năm 2008 - 75,96%)
Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp bổ túc THPT lần 1
(năm 2007 - 26,46%; năm 2008 - 42,42%)
(năm 2007 - 26,46%; năm 2008 - 42,42%)
Nhân dân
Ý kiến bạn đọc