Sách cũ và tủ sách dùng chung
Trong bối cảnh giá giấy in đang tăng cao và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng cao nữa, vừa qua Bộ GD- ĐT đã có công văn gửi đến sở GD&ĐT của 64 tỉnh, thành phố về việc “Tăng cường sử dụng sách giáo khoa cũ, phát động các hình thức quyên góp, tặng bạn, xây dựng tủ sách dùng chung trong thư viện trường học nhằm sử dụng SGK trong nhiều năm, thực hành tiết kiệm và đảm bảo đủ SGK phục vụ việc học tập của HS trong năm học mới”.
Từ nhiều năm nay Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các nhà trường xây dựng các thư viện nhà trường trong đó có các tủ sách dùng chung, có sách mới và sách cũ để cho học sinh, giáo viên, nhất là học sinh có hoàn cảnh khó khăn mượn để sử dụng. Tủ sách dùng chung này được mua bởi kinh phí từ Ngân sách dành cho GD, các chương trình mục tiêu, các dự án hỗ trợ dành cho vùng khó khăn. Nhiều trường học đã làm được việc trưng dụng sách giáo khoa của học sinh lớp trên để sử dụng cho học sinh lớp dưới, tuy nhiên hiệu quả chưa cao và chưa rộng khắp. Tuy nhiên, năm nay Bộ lại nhắc lại chủ trương này là muốn nhấn mạnh hơn việc tận dụng sách giáo khoa cũ nhất là trong điều kiện giá sách giáo khoa có thể sẽ tăng, và kể cả nếu giá sách không tăng thì chủ trương tiết kiệm vẫn cần được thực hiện.
Có một thực tế là chi tiêu cho con đi học nhiều năm qua khiến những gia đình có hoàn cảnh khó khăn phải băn khoăn trong việc mua đủ một bộ sách cho con em mình, nhất là những gia đình có đông con đi học. Chính vì vậy, Nhà nước thông qua các chương trình mục tiêu đã có hỗ trợ, cấp sách giáo khoa cho học sinh thuộc diện chính sách. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo Nhà xuất bản GD giảm giá bán sách khi mở rộng thêm nhiều đối tượng học sinh chính sách. Ngành GD cũng đã phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh để vận động, quyên góp sách vở, quần áo, đồ dùng học tập của học sinh ở vùng thuận lợi để chuyển về các địa phương vùng sâu, vùng xa. Nhiều tỉnh, thành phố và bản thân các trường học ở khu vực có điều kiện kinh tế thuận lợi cũng đã chủ động trong việc kết nghĩa với những địa phương, nhà trường còn khó khăn để giúp đỡ, chia sẻ trong quá trình dạy và học, giúp giảm bớt thiệt thòi và đảm bảo quyền lợi và điều kiện học tập của trẻ em ở vùng này. Để tận dụng được sách giáo khoa cũ một cách có hiệu quả nhất và giảm gánh chi phí giáo dục cho người dân, đồng thời còn hạn chế việc ngày nào học sinh cũng phải mang đi mang về những chiếc cặp quá nặng thì việc xây dựng các tủ sách dùng chung cho mỗi lớp học là lý tưởng nhất. Các nước tiên tiến trên thế giới cũng đều áp dụng hình thức này. Tuy nhiên, để thực hiện được thì điều kiện cơ sở vật chất phải đảm bảo. Mỗi lớp học phải có một phòng học riêng và học sinh phải được học 2 buổi/ngày. Hết giờ học trên lớp cũng đồng nghĩa với việc học sinh không còn phải làm bài tập ở nhà nữa. Việc tận dụng sách giáo khoa cũ, đầu tư cho hệ thống thư viện nhà trường và các tủ sách dùng chung, nhất là ở vùng khó khăn là một chủ trương đúng đắn, lợi ích của nó cũng đã quá rõ ràng và đã được rất nhiều địa phương hưởng ứng. Tuy nhiên muốn làm được việc này một cách rộng rãi và có hiệu quả hơn nữa thì các nhà trường phải thực sự quan tâm tới chủ trương này bằng cách động viên, nhắc nhở học sinh giữ gìn sách giáo khoa trong quá trình sử dụng để lứa học sinh lớp sau còn tiếp tục dùng lại được. Một điều quan trọng không kém là PHHS cần phải gương mẫu trong ý thức tiết kiệm, đừng quá chiều con cái trong cuộc sống!
Ý kiến bạn đọc