Thái-lan: Nếu các đảng bị giải tán, đa số dân muốn tổng tuyển cử mới
Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận mới đây do Trung tâm nghiên cứu trường đại học Assumption tại Băng-cốc tiến hành, hầu hết người được hỏi đều cho rằng cần phải tổ chức một cuộc tổng tuyển cử mới nếu như có một số đảng chính trị bị giải tán.
Những biến động chính trị khiến người dân Thái-lan nhiều lần tham gia bầu cử trong hai năm qua. |
Một nửa số người được hỏi cho rằng họ sẽ ủng hộ đảng Sức mạnh nhân dân (PPP) nếu diễn ra một cuộc bầu cử mới, 46,9% tuyên bố sẽ bỏ phiếu cho đảng Dân chủ và 3,1% tuyên bố bầu cho các đảng khác. Trong số người được hỏi, có 47,6% ủng hộ ông Samak Sundaravej làm Thủ tướng, 26,3% không ủng hộ và 26,1% tuyên bố không ủng hộ bất cứ phe phái chính trị nào. Những người ủng hộ ông Samak cho rằng nên trao cho ông Samak cơ hội vì họ tin những gì ông nói không phải chỉ để nói.
Khi được hỏi liệu có ủng hộ cựu Thủ tưởng Thaksin Shinawatra quay trở lại hoạt động chính trị, 53% người được hỏi ủng hộ ý tưởng trên, trong khi có 47% muốn ông Thaksin “rửa tay gác kiếm”.
Hơn 80% phản đối sử dụng vũ lực để chấm dứt bạo lực, 65% hy vọng Thái-lan có thể phát triển mà không vấp phải trở ngại chính trị nào, trong khi có 35% người được hỏi lo ngại về tình hình chính trị đất nước.
Noppadon Kannika, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đại học Assumption nói, những người được hỏi cho rằng đất nước sẽ không gặp một cuộc khủng hoảng chính trị, kết quả thăm dò ý kiến cho thấy người dân có thể điều chỉnh trước những biến động chính trị và họ vẫn đặt hy vọng vào tương lai phát triển của đất nước.
Chính trường Thái-lan hiện đang đứng trước khả năng xáo trộn lớn do Ủy ban bầu cử Thái-lan (ECT) vừa quyết định xúc tiến việc giải tán hai chính đảng trong liên minh cầm quyền là Chart Thai (Dân tộc Thái) và Matchimathipataya (Dân chủ trung dung) do các thành viên điều hành của hai đảng được cho là đã biết hoặc có âm mưu mua phiếu bầu trong cuộc Tổng tuyển cử bầu Hạ viện vào 23-12 năm ngoái.
Theo luật bầu cử, nếu một thành viên cấp cao của một chính đảng bị phát hiện có hành động phạm tội, toàn đảng đó sẽ bị giải tán nếu thành viên nói trên hành động đại diện cho đảng mà họ là thành viên.
Hiện ECT đang tập hợp hồ sơ và trong vòng một đến hai tuần nữa bộ hồ sơ này sẽ được chuyển tới Văn phòng Tổng chưởng lý và cơ quan này sẽ có 30 ngày để đệ trình cáo buộc lên Toà án Hiến pháp, cơ quan có thẩm quyền đưa ra quyết định cuối cùng về vận mệnh hai đảng. Trong trường hợp Văn phòng Tổng Chưởng lý từ chối tiếp nhận vụ việc này, ECT sẽ trực tiếp gửi hồ sơ lên Tòa án Hiến pháp.
Quyết định của ECT được xem là là mối đe doạ đối với chính phủ liên hiệp sáu đảng do Thủ tướng Samak Sundaravej đứng đầu, mới lên nắm quyền điều hành đất nước từ tháng 2 vừa qua.