Sau cuộc gặp ở Sochi, Nga - Mỹ vẫn còn nhiều điểm bất đồng
Trong cuộc gặp cuối cùng giữa ông Putin và ông Bush trên cương vị tổng thống, hai nhà lãnh đạo vẫn không thể dẹp bỏ những bất đồng sâu sắc về một loạt vấn đề vốn là nguyên nhân chính đẩy quan hệ hai nước hiện xuống mức thấp nhất kể từ sau "chiến tranh lạnh".
Tổng thống Putin và Tổng thống Bush cùng nhau đi dạo trong khu nghỉ mát Sochi hôm 5-4. |
Cuộc gặp lần này có ý nghĩa chính trị đặc biệt quan trọng, để tổng kết những gì hai ông chủ Ðiện Kremlin và Nhà Trắng đã làm được sau hai nhiệm kỳ liên tiếp của họ, đồng thời vạch những đường hướng phát triển quan hệ hai nước trong tương lai.
Kết thúc cuộc hội đàm, Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Bush đã thông qua Tuyên bố Sochi - văn kiện được coi là "khung chiến lược" định hướng các mối quan hệ giữa hai nước trong những năm tiếp theo.
Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo nước không thể dẹp bỏ được những bất đồng sâu sắc về một loạt vấn đề cơ bản, trong đó có kế hoạch của Mỹ triển khai một phần Hệ thống phòng thủ chống tên lửa (NMD) tại Czech và Ba Lan cũng như việc mở rộng NATO về phía đông, những mâu thuẫn chủ yếu và là nguyên nhân chính đẩy quan hệ hai nước hiện xuống mức thấp nhất kể từ sau "chiến tranh lạnh".
Tuyên bố Sochi nhắc lại tinh thần của tuyên bố chung Nga - Mỹ năm 2001 và năm 2002, khẳng định kỷ nguyên mà Nga và Mỹ xem nhau như kẻ thù hay như một mối đe dọa chiến lược đã hoàn toàn chấm dứt. Hai nước sẽ cùng hợp tác cũng như với các nước khác nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu, đồng thời đưa mối quan hệ Nga-Mỹ từ đối thủ chiến lược thành đối tác chiến lược. Hai bên sẽ hợp tác với tư cách là các đối tác nhằm củng cố an ninh, chống lại các nguy cơ đối với hòa bình thế giới như chủ nghĩa khủng bố quốc tế và phổ biến vũ khí giết người hàng loạt...
Về những bất đồng dai dẳng giữa Nga và Mỹ chung quanh NMD, tuyên bố nêu rõ: "Nga không tán thành quyết định xây dựng các cơ sở thuộc hệ thống NMD của Mỹ tại Ba Lan và Czech, đồng thời khẳng định lại những sáng kiến mà Nga đã đề xuất".
Tuyên bố cũng cho biết "Nga đánh giá rằng, nếu những biện pháp nhằm tăng cường lòng tin mà phía Mỹ đề xuất được thỏa thuận và được thực hiện, nó có thể có ý nghĩa quan trọng và có tác dụng làm giảm bớt những lo ngại của Nga".
Hai bên cũng bày tỏ quan tâm tới ý tưởng thiết lập một hệ thống phòng thủ tên lửa chung, trong đó Nga, Mỹ và châu Âu tham gia với tư cách đối tác ngang bằng nhau. Bất đồng giữa hai bên cũng bộc lộ rõ trong vấn đề mở rộng NATO.
Trong khi ông Bush luôn tìm cách biện hộ cho việc đẩy đường biên giới NATO tiến về phía đông, gần sát với Nga, thì Tổng thống Putin vạch rõ kế hoạch "Ðông tiến" của khối này là biểu hiện của chính sách đã lỗi thời của "chiến tranh lạnh", khi Nga bị coi như một nước đối địch.
Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng không tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề như cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược, các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu...
Về hợp tác kinh tế, tuyên bố cho biết Nga và Mỹ thỏa thuận gia tăng nỗ lực nhằm đẩy mạnh hợp tác kinh tế song phương, và chủ trương đưa ra các cơ chế mới cho lĩnh vực hợp tác này. Hai bên nhất trí trong vài tháng tới sẽ thiết lập những vòng đối thoại liên chính phủ và thương mại mới, nhằm tăng cường sự trao đổi, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy đầu tư và thương mại.
Tại cuộc họp báo chung sau hội đàm, Tổng thống Putin cho biết, Tuyên bố Sochi xác nhận những bất đồng giữa hai bên, bao gồm cả lĩnh vực quân sự và chính trị, tuy nhiên, hai bên khẳng định "tiếp tục nỗ lực để khắc phục những bất đồng đó".
Ông đánh giá rằng nhìn chung, những kết quả hợp tác giữa ông với Tổng thống Bush và giữa Nga với Mỹ trong tám năm qua là tích cực. Ông nhấn mạnh "Ðể củng cố và tăng cường quan hệ với Nga, không nên lôi kéo các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây vào khối quân sự-chính trị NATO, mà hãy cải thiện quan hệ với chính nước Nga".
Việc mở rộng NATO, theo ông Putin, là việc thi hành chính sách theo tư duy lô-gích cũ. Ông cũng bày tỏ cảm nhận "lạc quan thận trọng" về khả năng Nga và Mỹ cuối cùng có thể sẽ giải quyết được tranh cãi về kế hoạch triển khai NMD ở Ðông Âu, cho rằng điều quan trọng là hai bên cần có các biện pháp xây dựng lòng tin và cách thức thực hiện chúng trên thực tế.
Tổng thống Putin đã chỉ ra nguyên nhân gây bất đồng giữa hai bên: "Ðây không phải do ngôn ngữ, lối nói ngoại giao hay cách diễn đạt, mà là do bản chất của vấn đề". Ông khẳng định: "Quan điểm của Moscow đối với kế hoạch NMD của Mỹ ở Ðông Âu không thay đổi" và điểm "tiến triển" chỉ là Washington đã không chỉ hiểu những lo ngại của Nga, mà còn sẵn sàng giải tỏa những lo ngại đó.
Tuy nhiên, dư luận Nga cho rằng, dù ông Bush có hiểu, nhưng sẽ vẫn cố tình phớt lờ những quan ngại của Nga. Người đứng đầu Nhà Trắng vẫn viện lẽ rằng "lá chắn tên lửa" là hệ thống phòng thủ (chứ không phải tiến công) nhằm ngăn chặn các vụ phóng tên lửa đạn đạo đơn lẻ từ "những nước thù địch" như Iran, chứ không có khả năng ngăn chặn các vụ phóng tên lửa hàng loạt.
Trong khi trước đó, ông Putin từng tuyên bố rằng, kế hoạch "lá chắn tên lửa" của Mỹ ở châu Âu đe dọa an ninh của Nga và dọa sẽ có biện pháp đáp trả nếu kế hoạch này được thực hiện bất chấp sự phản đối của Nga.
Chuyến đi Sochi của Tổng thống Mỹ không thành công như mong đợi, dù ngay trước đó Hội nghị cấp cao NATO đã không mời Gruzia và Ukraine gia nhập, một vấn đề nhạy cảm trong quan hệ Nga-NATO và ủng hộ kế hoạch "lá chắn tên lửa".
Trên chuyến bay trở về Washington, người phát ngôn Nhà Trắng Dana Perino phát biểu: "Chúng ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm sau Sochi. Ðiểm tích cực của cuộc gặp Sochi là lãnh đạo hai nước đã mở hướng "tiếp tục hợp tác để tìm giải pháp chung cho mọi vấn đề" trên tinh thần xây dựng. Tổng thống Bush vẫn lạc quan khi cho rằng, "chúng ta vẫn có nhiều con đường để đi".
Mặc dù vậy, con đường cải thiện quan hệ Nga-Mỹ chắc hẳn sẽ còn khó khăn, vì một nước Nga đang dần lấy lại sức mạnh rõ ràng đang đe dọa vị thế siêu cường duy nhất của Mỹ sau "chiến tranh lạnh". Và các nhà lãnh đạo Nga luôn khẳng định không khi nào nhượng bộ trong các vấn đề liên quan lợi ích chiến lược của nước mình.
Ý kiến bạn đọc