Cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ ngày càng quyết liệt

07:24, 30/04/2008

Quá trình bầu chọn người đại diện của đảng Dân chủ Mỹ ra tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ thứ 44 đang diễn ra rất căng thẳng và phức tạp giữa hai Thượng nghị sĩ Hillary Clinton và Barack Obama, trong khi công việc này của đảng Cộng hòa coi như đã xong từ hai tháng trước đây. Sự kiện này góp thêm một trang vào lịch sử bầu cử đầy kịch tính và bất ngờ của Hoa Kỳ.


 
 Bà Hillary có một lợi thế là ảnh hưởng của chồng bà, cựu Tổng thống Clinton.
Nếu cuộc bầu cử sơ bộ trong "Ngày Thứ Ba trọng đại", ngày 5-2, khi 22 tiểu bang cùng tiến hành bầu cử sơ bộ, được coi là có tính quyết định đối với các ứng cử viên của đảng Dân chủ trong cả chặng đua, thì cuộc bầu cử sơ bộ tại bang Pennsylvania hôm 22-4 vừa qua, một địa phương có tới 158 đại biểu, là trận đấu sống còn để bước vào chặng đua thứ hai trên đường vào Nhà trắng giữa Thượng nghị sĩ da mầu trẻ tuổi Barack Obama và cựu Ðệ nhất phu nhân Hillary Clinton.

Ðã có lúc bà Hillary dẫn trước ông B.Obama 20 điểm %, nhưng càng đua thì bà càng bị thụt lùi. Ðã có những người trong đảng Dân chủ khuyên bà dừng cuộc đua sau khi đảng Cộng hòa chọn được Thượng nghị sĩ John McCain làm đại diện ra tranh cử. Dư luận Mỹ thậm chí cho rằng, Pennsylvania là "cuộc nội chiến nhỏ" của đảng Dân chủ tại một trong những "căn cứ địa quan trọng" của mình.

Ông B.Obama bước vào cuộc tranh giành cử tri ở bang Pennsylvania trong thế dẫn điểm (được nhiều hơn bà Hillary khoảng 110 đại biểu) và rất "rủng rỉnh" tiền bạc, đã chi tới 11,2 triệu USD cho chiến dịch tuyên truyền và vận động cử tri trong gần bảy tuần qua, với quyết tâm hạ gục đối thủ sau khi không thể thuyết phục được bà Hillary dừng bỏ cuộc chơi để tham gia liên danh tranh cử với ông.

Về phần bà Hillary, mặc dù đang ở thế "cơ dưới" và đang khó khăn về tài chính, chỉ có thể chi 4,8 triệu USD, và trước sức ép nếu bị thua hoặc thắng nhỏ nhoi tại bang này là hết hy vọng tiếp tục cuộc đua, nhưng ấp ủ quyết tâm thực hiện tham vọng lớn làm vẻ vang danh tiếng gia đình Clinton. Bà và Ủy ban vận động tranh cử đã có những thay đổi chiến thuật vận động cử tri.

Hai người đã công kích nhau kịch liệt, thậm chí "vạch áo nhau" tìm vết nhằm làm mất tín nhiệm của nhau trước công luận. Ðiều này sẽ tăng mối bất hòa trong đảng Dân chủ cũng như hủy hoại hình ảnh của đảng này trước cử tri cả nước. Và kết quả là một bất ngờ lớn đã xảy ra ở tiểu bang có thủ phủ Philadelphia, thủ đô của thời lập quốc của Hoa Kỳ.

Bà Hillary đã giành chiến thắng lớn, lớn hơn cả mọi dự đoán trước bầu cử, được 55% số phiếu ủng hộ, nhiều hơn ông Obama 10%. Các dự đoán trước đó cho rằng bà chỉ có thể giành được nhiều hơn đối thủ 5 % số phiếu ủng hộ. Bản thân ông B.Obama cũng đã quả quyết trước rằng, ông thua nhưng với tỷ lệ sát nút so với bà Hillary. Vậy là, bà Hillary đã rút ngắn khoảng cách so với ông Obama. Gia đình Clinton và những người cộng sự lại tiếp tục lao vào chặng đua mới ở chín tiểu bang và địa phương còn lại, với tổng số 408 đại biểu.

Theo các nhà quan sát, nhân tố quan trọng làm nên chiến thắng lớn bất ngờ của bà Hillary Clinton ngày 22-4 ở tiểu bang Pennsylvania là do chiến lược vận động "gõ cửa từng nhà", "tiến công lấy được". Bà cũng đã chính thức xin lỗi cử tri về việc dựng ra câu chuyện là đã suýt bị bắn lén khi cùng Tổng thống Bill Clinton thăm Bosnia năm 1996. Cách làm này đã khiến nhiều cử tri chưa biết bầu cho ai, đi đến quyết định bỏ phiếu cho bà. Bà Hillary Clinton đã được sự ủng hộ của cử tri cao tuổi, cử tri nữ, cử tri nam giới da trắng và cử tri nói tiếng Tây Ban Nha.

Trong bài phát biểu trước những người ủng hộ đêm 22-4, bà Hillary tuyên bố, "cơn thủy triều đang trào dâng. Thắng lợi này là của các bạn và mọi người hãy tiếp tục ủng hộ, cuộc đua phụ thuộc vào các bạn". Ngay trong đêm đó, bà đã nhận được nửa triệu USD quyên góp.

Ủy ban tranh cử của ông B.Obama đã thừa nhận thất bại, nhưng lại cho rằng bà Hillary đã "có may mắn" ở Pennsylvania. Ngay trong đêm 22-4, ông B.Obama đã lên tiếng chúc mừng bà Hillary và tuyên bố sẽ lập tức hướng mọi nỗ lực vào hai cuộc bầu cử sơ bộ cùng diễn ra vào ngày 6-5 tại tiểu bang Bắc Carolina với 115 đại biểu và tiểu bang Indiana với 72 đại biểu.

Theo nhận định của các chuyên gia, có nhiều khả năng đến hết giai đoạn bầu cử sơ bộ vào ngày 3-6, ông B.Obama chỉ có thể giành được tổng cộng 1.914 đại biểu so với 1.818 đại biểu ủng hộ bà Hillary.

Như vậy, cả hai người đều không thể giành đủ mức tối thiểu 2.025 đại biểu theo quy định để được đề cử làm ứng cử viên chính thức của đảng Dân chủ. Nếu kết quả bầu cử tại chín địa phương còn lại đúng như dự đoán nêu trên, Ðại hội toàn quốc của đảng Dân chủ vào cuối tháng 8 phải tiến hành thương thảo và cần sự can thiệp của các "siêu đại biểu".

Ban lãnh đạo đảng Dân chủ đã tính đến phương án này. Trong số 796 "siêu đại biểu" của đảng, đến nay đã có 254 người cam kết ủng hộ bà Hillary và 230 người đứng về phía ông Obama, còn 312 người chưa quyết định ủng hộ ai. Sau cuộc bầu cử ở Pennsylvania, nhiều nhà phân tích thay đổi dự đoán về kết quả cuộc đua. Số người cho rằng bà Hillary sẽ được đảng Dân chủ chọn đã tăng lên.

Ông John McCarthy, Giám đốc điều hành của Công ty Thị trường vốn ING ở New York nhận xét: Trong cuộc đua, bà Hillary có nhiều lợi thế, nhưng những điều tôi đọc được thì dường như ông Obama sẽ được đề cử làm ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ. Nhưng khi được phóng viên Reuters hỏi về dư luận chung của giới tài chính Phố Wall, ông McCathy cho biết, thị trường tài chính sẽ chấp nhận bà Hillary Clinton, bởi vì họ "chưa biết nhiều về ông Barack Obama".

Cuộc tranh đua càng kéo dài, càng quyết liệt giữa hai thượng nghị sĩ Hillary Clinton và Barack Obama càng gây ra khó khăn và căng thẳng cho lãnh đạo đảng Dân chủ trong nỗ lực giành quyền làm chủ Nhà trắng trong bốn năm tới.

Một giáo sư Trường ĐH Colombia cho rằng, tình hình giằng co này kéo dài sẽ tạo thêm nhiều cơ hội thắng cử cho ứng cử viên đảng Cộng hòa.

Kết quả thăm dò dư luận mới đây của cơ quan thăm dò dư luận Quinnipiac cho biết, có tới 26% cử tri ủng hộ bà Hillary và 19% cử tri hậu thuẫn ông Obama tuyên bố sẽ quay sang bỏ phiếu cho Thượng nghị sĩ John McCain trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới.

Theo kết quả cuộc thăm dò của Trường Ðại học Suffolk, khoảng 20% cử tri Dân chủ khẳng định họ sẽ quay sang bỏ phiếu cho ứng cử viên của đảng Cộng hòa John McCain nếu người được họ lựa chọn không được bầu làm ứng cử viên chính thức của đảng.

Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cũng có chung kết quả là Thượng nghị sĩ John McCain đang vượt lên trên cả ông B.Obama và bà Hillary Clinton về khả năng đắc cử Tổng thống Mỹ.


Nhân dân

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Trung Quốc: Tàu hỏa chở khách đâm nhau, 66 người chết
Cơ quan đường sắt Trung Quốc cho biết, sáng nay đã xảy ra vụ tai nạn hai tàu hỏa chở khách đâm nhau ở miền đông Trung Quốc làm ít nhất 66 người chết và 247 người khác bị thương.
29/04/2008
Thủ tướng Nhật Bản thăm Nga
Theo Reuters, ngày 25-4, Thủ tướng Nhật Bản Y.Fukuda bắt đầu chuyến thăm Nga ba ngày nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước và chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao G8 do Nhật Bản làm chủ nhà vào tháng 7 tới.
28/04/2008
Mỹ hỗ trợ, xúi giục bọn phản động chống phá Cuba
Theo phóng viên TTXVN tại Cuba, ngày 23-4, Bộ Ngoại giao Cuba ra tuyên bố kịch liệt tố cáo Mỹ đã hỗ trợ, xúi giục và kích động bọn phản động tại Cuba tiến hành những hoạt động nhằm mục đích khiêu khích và gây bạo loạn chống lại nước này.
26/04/2008
Phát triển giáo dục dân tộc thiểu số là nhiệm vụ đặc thù và lâu dài
Vừa qua, tại ba điểm cầu truyền hình Hà Nội, Ðà Nẵng và Cần Thơ, Bộ Giáo dục và Ðào tạo tổ chức Hội nghị giáo dục dân tộc toàn quốc, đánh giá kết quả công tác này và bàn giải pháp phát triển giáo dục - đào tạo đến năm 2020.
25/04/2008
403 Forbidden

Forbidden

You don't have permission to access this resource.