Vì sao cuộc khủng hoảng ở Li-băng kéo dài?
Quốc hội Li-băng lại hoãn cuộc bầu tổng thống nước này từ ngày 25-3 sang ngày 22-4 tới. Ðây là lần thứ 17 QH Li-băng hoãn bầu tổng thống khiến nước này đang đứng trước cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất kể từ chấm dứt cuộc nội chiến giai đoạn 1975-1990.
Một người dân Li-băng tay cầm quốc kỳ, cưỡi lừa đến điểm bỏ phiếu bầu cử năm 2005. |
Ngay sau khi Tổng thống E.Lahud hết nhiệm kỳ, việc bầu ra một tổng thống mới cho Li-băng là một vấn đề nan giải. Cuộc khủng hoảng chính trị ở Li-băng liên quan việc phân chia quyền lực giữa liên minh cầm quyền chiếm đa số trong QH và phe đối lập. Những bất đồng dai dẳng khiến các bên không nhất trí được với nhau bầu ra một tổng thống. Liên đoàn A-rập đã phải can thiệp để tháo gỡ.
Hồi tháng 1 năm nay, bộ trưởng ngoại giao các nước A-rập gặp nhau tại Cairo (Ai Cập) thông qua một kế hoạch gồm ba giai đoạn để giải quyết cuộc khủng hoảng. Theo đó, bầu Tham mưu trưởng quân đội M.Suleiman làm Tổng thống Li-băng, sau đó thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc và hoàn chỉnh một Luật Bầu cử mới. Các phe phái ở Li-băng đã chấp thuận ông M.Suleiman là ứng cử viên tổng thống duy nhất.
Theo luật bầu cử của Li-băng, tổng thống được bầu phải có ít nhất hai phần ba số nghị sĩ tham dự cuộc họp ủng hộ. Nhưng phe đối lập đã 17 lần tẩy chay cuộc họp QH để bầu tổng thống, chính vì thế chiếc ghế Tổng thống Li-băng bị để trống hơn bốn tháng nay. Việc chia sẻ quyền lực trong chính phủ mới giữa phe đa số trong QH và phe đối lập vẫn chưa đi đến nhất trí. Phe đối lập một mực đòi quyền phủ quyết trong chính phủ mới trong khi liên minh cầm quyền khăng khăng từ chối thảo luận việc thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc trước khi bầu tổng thống.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, cuộc khủng hoảng chính trị ở Li-băng không chỉ do bất đồng giữa các phe phái trong chính phủ mà còn do sự can thiệp từ bên ngoài. Liên minh cầm quyền chiếm đa số trong Chính phủ của Thủ tướng Li-băng F. Siniora được A-rập Xê-út, Ai Cập và nhiều nước phương Tây ủng hộ trong khi phe đối lập được Syria và Iran ủng hộ.
Tuần báo Al-Ahram Hebdo (Ai Cập) số tháng 2-2008 nêu rõ: Mỹ và châu Âu muốn đưa Li-băng vào quỹ đạo chính sách của họ. Do đó họ đã dành sự ủng hộ hoàn toàn và đặc biệt cho Chính phủ của ông F. Siniora là người chỉ đại diện cho một bộ phận ngườiLi-băng. Chính sách này của phương Tây được các chính phủ A-rập "ôn hòa", đứng đầu là A-rập Xê-út và Ai Cập, ủng hộ muốn tiến hành giải giáp hoàn toàn phong trào Hezbollah, theo họ được Syria và Iran ủng hộ.
Trong khi đó Syria cho rằng nếu vấn đề Li-băng được giải quyết, Damascus sẽ mất đi con bài gây sức ép trong các cuộc thương lượng trong tương lai và đe dọa ngay cả sự tồn tại của trục chiến lược Damascus - Tehran- Hezbollah, chỗ dựa của Syria. Còn các nguồn tin tại khu vực Trung Ðông cho rằng, chừng nào A-rập Xê-út và Syria chưa nhất trí được với nhau về vấn đề Li-băng thì ít có khả năng tình hình tại Li-băng sẽ được giải quyết.
Theo Chủ tịch QH Li-băng N. Berri, nếu Syria và A-rập Xê-út không giải quyết được những bất đồng giữa hai nước thì sẽ không có một giải pháp nào ở Li-băng.
Trong thời gian qua, nhiều cuộc họp, nhiều chuyến thăm và trung gian hòa giải đã liên tiếp diễn ra, nhưng không mang lại kết quả. Syria và A-rập Xê-út đang đá quả bóng về phía nhau, các nước lớn cũng không làm gì hơn ngoài những lời kêu gọi. Và chỉ có số phận của đất nước Li-băng là vẫn chơi vơi. Tổng Thư ký Liên đoàn A-rập A. Musa, mặc dù đã rất nỗ lực, vẫn không thể có được một liều thuốc thần kỳ nào để đưa Li-băng thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng hiện nay.
Có thể nói, cuộc khủng hoảng trên chính trường Li-băng là một trong những bằng chứng cho thấy sự chia rẽ sâu sắc trong các nước A-rập. Cuộc khủng hoảng này đang tác động mạnh Hội nghị cấp cao lần thứ 20 Liên đoàn
A-rập (AL) diễn ra trong hai ngày 29 và 30-3 tại Thủ đô Damascus (Syria). Nhiều nước AL đã mở "chiến dịch trừng phạt" nước chủ nhà bằng cách chỉ cử đại diện cấp thấp tham dự Hội nghị cấp cao AL lần này vì họ cho rằng Damascus ủng hộ phe đối lập ở Li-băng và "cản trở cuộc bầu Tổng thống ở Li-băng".
Nhiều nhà ngoại giao và phân tích cho rằng, Mỹ đứng đằng sau chiến dịch này nhằm thuyết phục các nhà lãnh đạo A-rập không tham dự hội nghị. Ngay sau khi Phó Tổng thống Mỹ D.Cheney kết thúc chuyến thăm
A-rập Xê-út, Riyad đã quyết định chỉ cử đại diện của mình ở AL tham dự hội nghị.
Cuộc khủng hoảng ở Li-băng và tiến trình đàm phán hòa bình Israel - Palestine là những vấn đề chủ yếu trong chương trình nghị sự của Hội nghị cấp cao AL lần này. Hội nghị chắc chắn không đem lại kết quả nào vì hai nước A-rập có tiếng nói quan trọng trong khu vực là
A-rập Xê-út và Ai Cập gần như "vắng mặt" khi họ chỉ cử quan chức cấp thấp tham gia còn Li-băng đã tẩy chay hội nghị.
Trước thềm Hội nghị cấp cao AL tại Damascus, nhiều nước A-rập hy vọng hội nghị này tìm ra được giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị ở Li-băng. Nhưng những rạn nứt trong khối A-rập chung quanh cuộc khủng hoảng Li-băng chưa hàn gắn được. Và giải pháp cho cuộc khủng hoảng này vẫn còn xa vời.