07:36, 20/03/2008
Tuyên bố độc lập của Kosovo có thể sẽ khiến bản đồ châu Âu thay đổi, hàng loạt nhà nước mới ra đời, kéo theo những bất ổn về an ninh, chính trị và xung đột. Dù được phương Tây ủng hộ, nhưng chắc chắn Kosovo sẽ không thể trở thành thành viên Liên hợp quốc hoặc bất cứ tổ chức quốc tế nào.
|
Một chiếc xe ôtô của LHQ bị đốt cháy khi người Serbia ở Mitrovica tiến công lực lượng gìn giữ hoà bình ở Kosovo hôm 17-3.
|
Ngày 17-2, tại phiên họp đặc biệt của cơ quan lập pháp tỉnh Kosovo, ban lãnh đạo tỉnh Kosovo trực thuộc nước Cộng hòa Serbia đã đơn phương tuyên bố độc lập, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Belgrade và nhiều nước. Sự kiện này cảnh báo những căng thẳng mới trên bán đảo Balkan cũng như những thay đổi của bản đồ châu Âu.
Với quyết định này, Kosovo trở thành nước thứ sáu tách khỏi Liên bang Nam Tư (trước đây) kể từ năm 1991, sau Slovenia, Croatia, Macedonia, Bosnia và Montenegro.
Ngay trước tuyên bố độc lập của Kosovo, Tổng thống Serbia Tadic đã tuyên bố khẳng định sẽ không công nhận nền độc lập của Kosovo.
Tổng thống Tadic nói Serbia sẽ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của mình bằng mọi biện pháp hòa bình, ngoại giao và đúng luật.
Hàng nghìn người Serbia bất chấp thời tiết giá lạnh trong đêm 17-2 đã xuống đường biểu tình phản đối tuyên bố độc lập của Kosovo. Những người biểu tình giương cao quốc kỳ Serbia và hô các khẩu hiệu khẳng định tỉnh Kosovo thuộc chủ quyền của Serbia.
Kosovo là một vùng đất nhỏ bé có diện tích gần 10.900 km2, với hai triệu dân trong đó 90% là người gốc Albania. Kosovo là vùng đất được coi là cội nguồn của đất nước Serbia, nơi chứa đựng những di sản văn hóa và lịch sử của dân tộc Serbia.
Trên thực tế, từ năm 1999, sau khi NATO tiến hành chiến dịch đánh bom Serbia nhằm chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu giữa quân đội Chính phủ Serbia và những phần tử ly khai người gốc Albania, Kosovo đã nằm dưới quyền bảo trợ của Liên hợp quốc và NATO. Sau cuộc chiến, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết 1244 về quy chế tương lai của Kosovo.
Nghị quyết khẳng định tất cả các nước thành viên Liên hợp quốc cam kết tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Cộng hòa Liên bang Nam Tư trước đây, mà nước thừa kế hiện nay là Cộng hòa Serbia.
Từ năm 1999, tình hình chung quanh vùng lãnh thổ nhỏ bé này luôn luôn căng thẳng vì người gốc Albania muốn độc lập, tách khỏi Cộng hòa Serbia, trong khi chưa được Chính phủ Serbia và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chấp nhận. Các cuộc thanh toán trả thù đẫm máu của cộng đồng người Albania nhằm vào người thiểu số Serbia diễn ra thường xuyên nhờ sự bao che và dung túng của quân đội NATO. Do thiếu quản lý, cùng với tình trạng kinh tế yếu ớt, Kosovo trở thành mảnh đất màu mỡ để tình trạng buôn lậu ma túy, tệ nạn buôn người và tỷ lệ thất nghiệp cao.
Ðến cuối năm 2007, các vòng đàm phán về tương lai Kosovo được tiến hành từ nửa cuối năm 2006 và năm 2007 do Nhóm bộ tam - Mỹ, Nga, EU bảo trợ đã thất bại. Các bên đã không đạt được sự hiểu biết lẫn nhau về bất cứ vấn đề then chốt nào.
Serbia luôn khẳng định sẵn sàng dành cho Kosovo quy chế tự trị cao nhất, nhưng kiên quyết phản đối khả năng dành quy chế độc lập cho địa phương này.
Nga ủng hộ lập trường của Serbia và cảnh báo sẽ phủ quyết mọi nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về vấn đề Kosovo nếu không có sự thỏa thuận giữa Belgrade và Pristina.
Việc Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập có thể là sự mở đầu cho thảm họa về vấn đề dân tộc ở châu Âu khi ở nhiều quốc gia của châu lục này đều đang tồn tại những mâu thuẫn có khả năng dẫn đến xung đột sắc tộc. Ðó là xứ Basque ở Tây Ban Nha, đảo Síp với tranh chấp giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, vấn đề Bắc Ireland, vấn đề Flanders ở Bỉ...
Tuyên bố độc lập của Kosovo có thể sẽ khiến bản đồ châu Âu thay đổi, sẽ có hàng loạt nhà nước mới ra đời, kéo theo những bất ổn về an ninh, chính trị và xung đột. Bản thân Kosovo sẽ không chỉ lâm vào thế khó với Chính quyền Cộng hòa Serbia trung ương, mà còn đối mặt với nguy cơ cấm vận của Belgrade, cũng như mối đe dọa từ các nhóm bán vũ trang của người gốc Albania và người gốc Serbia vẫn mong muốn bảo vệ các nhóm sắc tộc của họ.
Một số nhóm vũ trang người Serbia ở phía bắc tỉnh Kosovo lâu nay vẫn cảnh báo sẽ nổi dậy (nếu Kosovo độc lập) và đòi thành lập nhà nước riêng tách khỏi Kosovo. Dù được phương Tây ủng hộ, nhưng chắc chắn Kosovo sẽ không thể trở thành thành viên Liên hợp quốc hoặc bất cứ tổ chức quốc tế nào.
Với tư cách là thành viên có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Nga và Trung Quốc chắc chắn bác bỏ bất cứ yêu cầu nào của Kosovo nhằm gia nhập tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh. Kosovo cũng không thể hy vọng nhận được sự giúp đỡ của các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) do không phải là thành viên của các tổ chức này.
Tại phiên họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, diễn ra vài giờ sau tuyên bố độc lập của Kosovo, các nước thành viên đã không thể nhất trí về tương lai Kosovo và vẫn cho rằng an ninh ổn định của tỉnh ly khai này phải được bảo đảm thông qua EU và NATO.
Tuyên bố độc lập của Kosovo cũng gây ra những phản ứng trái ngược ngay tại phương Tây. NATO kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và khẳng định rằng 16.000 binh sĩ gìn giữ hòa bình của khối này sẽ tiếp tục đảm bảo an ninh trong khu vực. Còn trong EU, trong khi một số nước quyết định công nhận tuyên bố độc lập của Kosovo, nhiều nước khác lại coi việc Kosovo tách khỏi Serbia là một "tiền lệ nguy hiểm", đặc biệt đối với những khu vực đang tồn tại xu hướng ly khai.
Ngay tại vùng Balkan, ngày 21-2, Quốc hội Cộng hòa Serbia (thuộc Bosnia - Herzegovina), sau phiên họp bất thường tại thủ đô Banja Luka đã thông qua nghị quyết, trong đó nêu rõ rằng nếu số đông các nước thành viên Liên hợp quốc và phần lớn các nước
EU công nhận độc lập cho Kosovo, nước cộng hòa này hoàn toàn có quyền trở thành một quốc gia độc lập tách khỏi Bosnia - Hezgovina. Cộng đồng Serbia tại Macedonia cũng có thể vin vào "tiền lệ Kosovo" để tuyên bố ly khai. Tác động dây chuyền sẽ khó lường trước, cho nên việc Kosovo tuyên bố độc lập báo hiệu một thời kỳ đầy bất trắc cho khu vực Balkan nói riêng và châu Âu nói chung.
Tình hình tại Cộng hòa Serbia đang trở nên phức tạp và khó kiểm soát. Thủ đô Belgrade của Cộng hòa Serbia đã rơi vào tình trạng hỗn loạn khi hơn 500 nghìn người biểu tình đổ xuống các đường phố tại trung tâm thành phố phản đối việc Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập. Ðại sứ quán một loạt nước tuyên bố công nhận độc lập cho tỉnh Kosovo đã bị những người biểu tình quá khích tiến công. Các cuộc biểu tình phản đối vẫn tiếp tục lan rộng ở Serbia và nhiều thành phố trên thế giới.
Việc thừa nhận một vùng lãnh thổ ly khai của một quốc gia thành viên Liên hợp quốc phải do Liên hợp quốc phân xử, chứ không thể do sự phán xét của bất cứ quốc gia hoặc tổ chức quốc tế nào khác.
Ðại sứ Lê Lương Minh, Ðại diện nước ta tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhấn mạnh: Việt Nam đã luôn kiên trì quan điểm cho rằng bất cứ giải pháp nào cho Kosovo, kể cả quy chế tương lai của Kosovo, cũng phải phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc và các điều khoản trong Nghị quyết 1244 của Hội đồng Bảo an đã được các bên liên quan chấp nhận. Nghị quyết 1244, ngoài việc đề cập vấn đề quy chế tương lai của Kosovo, khẳng định tất cả các nước thành viên Liên hợp quốc cam kết tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Cộng hòa Liên bang Nam Tư trước đây, mà nước thừa kế hiện nay là Cộng hòa Serbia.
Nhân dân