Giải quyết tình trạng học sinh bỏ học
Các em học sinh vùng cao phải được đảm bảo điều kiện tốt nhất để đến trường. |
Bỏ học vì chương trình quá nặng, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn…
Tính đến thời điểm cuối của học kỳ I năm học 2007 - 2008, cấp tiểu học có tổng số 12.966 học sinh bỏ học, chiếm tỷ lệ 0,19% (toàn quốc có gần 7 triệu học sinh tiểu học); trong đó có 29 tỉnh tỷ lệ học sinh bỏ học xấp xỉ 0%, có 29 tỉnh tỷ lệ từ 0,05% - 0,5%, có 5 tỉnh từ 0,95% - 2% và 1 tỉnh là Kiên Giang có tỷ lệ học sinh bỏ học 5,2%. Còn theo thống kê số lượng học sinh tiểu học bỏ học trong 5 năm qua thì tỷ lệ này có xu hướng giảm khá rõ nét: năm học 2003 - 2004 có 261.405 học sinh bỏ học (tỷ lệ 3,13%) thì đến học kỳ I của năm học này, chỉ còn 12.966 em bỏ học (0,19%).
Tỷ lệ học sinh bỏ học ở các vùng miền không đồng đều. Cấp THCS và THPT, số lượng học sinh bỏ học còn lớn hơn nhiều. Cũng tính đến cuối học kỳ I năm học 2007 - 2008, riêng cấp THCS có 59.078 em bỏ học (1,02%) và cấp THPT là 47.146 em (1,55%). Các tỉnh có đông học sinh bỏ học là Nghệ An, Trà Vinh, Tuyên Quang, An Giang, Cà Mau, Quảng
Vụ Giáo dục trung học của Bộ GD&ĐT còn dự báo, đến cuối năm học này và trong hè, có thể có thêm một số học sinh bỏ học, song tình hình này sẽ không có đột biến!
Có rất nhiều nguyên nhân được phân tích, mổ xẻ để cắt nghĩa. Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) cũng đã mạnh dạn chỉ ra cả những nguyên nhân tồn tại từ trong "nội bộ" ngành.
Đó là do nội dung chương trình, SGK còn có chỗ chưa thật sự phù hợp và hấp dẫn, nhất là với học sinh dân tộc thiểu số; do trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên còn hạn chế, phương pháp dạy học chưa linh hoạt và công tác chỉ đạo còn cứng nhắc, chưa kịp thời. Nhiều tỉnh vùng núi cao, do vốn tiếng Việt yếu kém, đặc biệt là học sinh lớp 1 người dân tộc thiểu số; có vùng gia đình các em còn quá khó khăn, con cái phải theo bố mẹ đi làm nương xa, nhiều em mới học lớp 4, lớp 5 đã phải đi lao động giúp đỡ cha mẹ.
Buồn hơn, nhiều em không thể đến trường vì thiếu ăn và bị suy dinh dưỡng, như ở Bảo Lâm (Cao Bằng) có 480 học sinh lớp 1 quá nhỏ không đủ sức đến trường học, dù trường chỉ cách nhà có 2km. Tuy nhiên, Vụ Giáo dục trung học của Bộ thì cắt nghĩa hiện tượng trên hoàn toàn là do các nguyên nhân khách quan như thời tiết, hoàn cảnh kinh tế.
Có một nguyên nhân lớn chưa được Bộ chỉ ra. Đó là khi chúng ta thực hiện cuộc vận động "Hai không", nhiều địa phương xiết chặt lại khâu thi cử, đánh giá nên số học sinh yếu kém tăng mạnh, nhiều em không thích ứng được với "cơ chế" mới đã phải bỏ học.
Tập trung vào những tỉnh trọng điểm, đầu tư nhiều thời gian và tâm huyết
Nhìn vào hiện tượng học sinh bỏ học như trên thì đúng là không có gì đột biến vì nó tồn tại nhiều năm và năm nào cũng diễn ra. Và đặt những tỷ lệ, con số học sinh bỏ học trong bối cảnh chúng ta đang tiến tới phổ cập THCS vào năm 2010, phát triển giáo dục bền vững thì việc để hàng trăm ngàn học sinh các cấp bỏ học là điều cần phải suy nghĩ nghiêm túc để có giải pháp trước mắt và lâu dài, mang cơ hội trở lại nhà trường cho những em học sinh đó.
Ông Lê Tiến Thành, Quyền Vụ trưởng Vụ Tiểu học đưa ra một số giải pháp như: Phải khảo sát chất lượng học tập của học sinh định kỳ vào đầu năm học, nắm chắc số lượng và nguyên nhân học sinh học lực yếu kém, để từ đó xây dựng kế hoạch và tăng cường bồi dưỡng học sinh kém ngay từ đầu năm học.
Quá trình dạy thì giáo viên phải chú ý tới nhóm đối tượng học sinh yếu kém ở từng môn học và phân công giáo viên giúp đỡ kịp thời với nhiều hình thức, để khắc phục tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp; đồng thời phải xác định nội dung và phương pháp dạy học phù hợp, tập trung giảng dạy các kĩ năng cơ bản hai môn Toán và Tiếng Việt.
Còn ông Nguyễn Hải Châu, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học thì cho rằng, cần phải tập trung chỉ đạo 19 tỉnh có tỷ lệ học sinh bỏ học cao để đầu tư thời gian, kinh phí và công sức, trong đó các cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể phải cùng vào cuộc, quyết tâm cao với ngành Giáo dục vận động học sinh đi học trở lại và có hỗ trợ những gia đình khó khăn…
Những giải pháp trên muốn phát huy hiệu quả phải được thực hiện đồng bộ, đồng sức đồng lòng và theo quan điểm của lãnh đạo một số Sở GD&ĐT, nơi có tỷ lệ học sinh bỏ học cao thì điều quan trọng là phải ngăn chặn được tình trạng này ngay từ khi nó còn manh nha, không nên để các em bỏ học ồ ạt rồi mới tìm cách vận động, hỗ trợ, vì tâm lý học sinh đã bỏ học rồi rất ngại quay lại trường.