Giải bài toán cho phát triển giáo dục vùng cao
Phát triển giáo dục ở vùng cao dân tộc thiểu số miền núi, vùng cao, vùng sâu hiện đang là bài toán nan giải. Không chỉ là những thiếu thốn, tạm bợ về cơ sở vật chất, trường lớp, nhà ở cho giáo viên mà chất lượng giáo viên, học sinh cũng có nhiều điều đáng bàn.
Một lớp học ở Trường dân tộc nội trú huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. |
Nhà công vụ cho giáo viên ở Lai Châu
Trong chuyến công tác lên xã Nậm Ban, huyện Sìn Hồ, chúng tôi cảm nhận được sự thiếu thốn cũng như cố gắng của các thầy giáo, cô giáo cắm xã, cắm bản vùng cao. Thầy Chào Anh Tuyên, giáo viên (GV) điểm Trường tiểu học Nậm Ban kể: "Từ khi lên đây công tác, do không có nhà công vụ dành cho giáo viên cho nên phòng học được ngăn đôi, một nửa để dạy và một nửa làm nhà ở tạm.
Không riêng tôi, tất cả giáo viên ở đây đều phải làm thế cả". Nói chuyện với cán bộ xã Nậm Ban, chúng tôi được biết tất cả nhà ở, lớp học của GV ở điểm trường bản Nậm Ban đều do bà con dân bản đóng góp xây dựng. Thế đã là tốt vì còn có những nơi thầy giáo, cô giáo phải thuê nhà của dân để ở như GV ở Trường THCS Thèn Sin (xã Thèn Sin, huyện Tam Ðường), Trường tiểu học Ka Lăng (huyện Mường Tè)...
Chúng tôi cũng được nghe kể về nhiều trường hợp GV tỉnh khác lên nhận công tác phải bỏ về vì nơi đến không có nhà để ở. Thế là vẫn phải cần tới các thầy giáo, cô giáo tại chỗ mà nhiều khi chất lượng các giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu. Ðây là điều làm đau đầu các nhà quản lý giáo dục của tỉnh, bởi nếu chất lượng GV chưa được nâng lên thì chất lượng học sinh cũng dừng tại chỗ. Riêng chuyện nhà công vụ (NCV) chỉ là một trong rất nhiều cái thiếu, cái cần của giáo dục vùng cao.
Theo thống kê của tỉnh Lai Châu, hiện toàn tỉnh có 650 NCV dành cho GV, số nhà này chỉ đáp ứng nhiều nhất khoảng 2.200 GV trong khi có hơn 2.700 GV cần nhà ở. Trong tổng số 650 ngôi nhà nói trên, cũng chỉ có khoảng 20% số nhà được kiên cố hóa và tập trung chủ yếu ở khu vực thị trấn, khu đông dân cư. Có những huyện nhu cầu NCV cho GV đang thành vấn đề "nóng" là nỗi lo của nhiều cấp, ngành như ở Mường Tè, Than Uyên, Sìn Hồ...
Năm 2005, cùng với Quyết định số 159 về việc thực hiện kiên cố hóa trường, lớp học, Chính phủ đã có Quyết định số 186 đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh miền núi phía bắc. Từ nguồn vốn này, tỉnh Lai Châu đã dành ba tỷ đồng để xây dựng NCV. Song nếu tính theo đơn giá hiện tại thì số tiền đó chỉ đủ để xây một phần năm trong tổng số 210 nhà còn thiếu chứ chưa nói đến việc kiên cố hóa cho các ngôi nhà tạm ở vùng sâu, vùng xa trong tỉnh.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD-ÐT) Thái Văn Vinh cho biết, từ năm học 2007-2008, vấn đề NCV đã được đưa vào chương trình "nghị sự" như là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của địa phương. Tỉnh đã giao cho Sở GD-ÐT căn cứ vào nhu cầu thực tế ở từng địa phương để phân chia hợp lý, nơi nào cần hơn sẽ được đầu tư xây dựng trước. Theo đó, mỗi huyện sẽ được đầu tư xây dựng khoảng từ 20 đến 30 phòng. Biết là thiếu nhưng cũng đành chờ và khắc phục bằng cách dựa vào dân, ở nhờ hoặc vận động bà con đóng góp vật liệu, công sức. Bởi lẽ không riêng vấn đề NCV cho GV mà ngay cả cơ sở vật chất, trường học của Lai Châu hiện vẫn còn rất khó khăn. Vấn đề đáng quan tâm là từ trước đến nay, hầu như tất cả các chương trình, dự án đầu tư cho giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi đều "quên mất" việc làm NCV cho GV. Thiết nghĩ không "an cư" làm sao mà "lạc nghiệp" được.
Si Ma Cai mở rộng mạng lưới trường lớp
Si Ma Cai tách ra từ huyện Bắc Hà từ năm 2000, là một trong những huyện xa và khó khăn nhất của tỉnh Lào Cai. Toàn huyện có 11 dân tộc, trong đó 85% là người dân tộc thiểu số, cùng chung sống trên diện tích 23.450 km2, thuộc 13 xã, thị trấn. Si Ma Cai, cái tên gợi lên hình ảnh những em bé cõng từng lù gạo, sách vở, củi... lẫm chẫm xuống núi như những cây nấm bám vào đá vôi.
Chúng tôi đến Trường tiểu học Thào Chư Phìn (xã Thào Chư Phìn), một trong những trường ở xa và cao nhất của huyện. Ngôi trường nằm trên một mỏm đồi thấp, dưới những tán cây sa mu 15 năm tuổi cao vút. Ðang giờ học, hơn mười lớp học buổi chiều lặng im phăng phắc, những đôi mắt sáng ngước lên như hút vào từng nét chữ của cô giáo trên bảng. Rẽ vào thăm một lớp học, chúng tôi thật ấn tượng trước những trang viết của các em với những dòng chữ sạch, đẹp và đều tăm tắp. Ðó phải chăng là cái "gốc" của sự học, là "bản lề" cho sự đổi thay mạnh mẽ trong giáo dục nơi đây.
Gần tám năm qua, ngành giáo dục Si Ma Cai đã có được một bước tiến đáng kể cả về chất lượng và số lượng. Ðến nay, tất cả các thôn, bản trong huyện đã có điểm trường; phần lớn trường lớp được kiên cố hóa bằng nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu của Chính phủ như Chương trình 159 xây dựng, kiên cố hóa trường lớp học, Chương trình 135 và một số dự án khác. Có sự quan tâm sâu sát của cấp ủy, chính quyền, ngành giáo dục Si Ma Cai đề ra những nhiệm vụ trọng tâm, như đẩy mạnh phổ cập, thực hiện giáo dục cho mọi người, xây dựng xã hội học tập. Ðáng chú ý, giáo dục mầm non đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đặc biệt chú trọng. Hiện nay, mạng lưới trường, lớp mẫu giáo đã được triển khai đến từng thôn, bản, hệ thống trường mẫu giáo đã phủ kín 13 xã trong toàn huyện. Ðội ngũ giáo viên dần dần được bổ sung đầy đủ và hoàn thiện về chất lượng.
Chủ tịch UBND huyện Si Ma Cai Ðỗ Trường Sơn, cho biết: Từ hơn hai năm qua, lãnh đạo huyện Si Ma Cai đã chỉ đạo cho các ban, ngành phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục để duy trì và nâng cao mức độ đạt chuẩn quốc gia ở tất cả các xã và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Trong vòng năm năm trở lại đây, tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đến lớp luôn luôn đạt 98,6% trở lên; số lượng học sinh các khối 6, 7, 8, 9 được duy trì ổn định, hầu như không có học sinh bỏ học. Trong khi đó, để thực hiện xóa mù chữ cho các đối tượng khác, hằng năm huyện đều tổ chức các lớp bổ túc trung học cơ sở và huy động tất cả những người ở độ tuổi từ 15 đến 18 chưa tốt nghiệp đi học.
"Chúng tôi dồn sức cho giáo dục bởi xác định đây là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của huyện trong tương lai gần", Chủ tịch huyện cho biết. Không những thế, sắp tới huyện cũng có kế hoạch thu hút người có năng lực về địa phương công tác, ngoài những ưu đãi theo chế độ của Nhà nước, huyện còn tạo nhiều điều kiện để người lao động yên tâm gắn bó với công việc. Mặc dù là một huyện nghèo, đầu tư chưa lớn, nhưng đây được xem là hướng đi đúng của Si Ma Cai.
Ðó chỉ là hai trong nhiều chuyện về sự nghiệp giáo dục ở vùng cao, nơi có nhiều cái thừa về gian khổ, nhưng không thiếu quyết tâm cho sự học. Cũng dễ nhận thấy ở phần lớn các vùng miền núi còn nhiều việc phải quan tâm giải quyết, như đầu tư còn dàn trải, thiếu trọng tâm đối với sự nghiệp phát triển giáo dục. Vấn đề đặt ra hiện nay, muốn nâng cao chất lượng giáo dục vùng núi cần có sự quan tâm đầu tư đồng đều; từ cơ sở vật chất trường lớp, đồ dùng giảng dạy, học tập đến đội ngũ giáo viên v.v. Giáo dục ở Lai Châu, Lào Cai và một số địa phương vùng núi cao có được bước phát triển như hôm nay là nhờ rút ra từ những bài học đó.