Chương trình mục tiêu quốc gia GD-ĐT đến năm 2010
Vừa qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã ký Quyết định Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo đến năm 2010.
Tăng cường nguồn lực cơ sở vật chất CNTTT trong các trường nhằm nâng cao hiệu quả dạy học. |
Dự án 1: Hỗ trợ thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở (THCS) duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và hỗ trợ phổ cập giáo dục trung học. Tổng kinh phí dự tính: 680 tỷ đồng.
Hỗ trợ 32 tỉnh khó khăn trong việc thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở, hoàn thành đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở ở 64 tỉnh, thành phố đến năm 2010.
Dự án 2: Đổi mới chương trình giáo dục, sách giáo khoa và tài liệu giảng dạy. Tổng kinh phí dự tính khoảng: 2.830 tỷ đồng.
Mục tiêu cụ thể là nhằm hoàn thành việc đổi mới chương trình và thay sách giáo khoa mới đại trà ở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; hoàn thiện bộ chương trình và tài liệu hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục mầm non; xây dựng 100 chương trình khung ở trung cấp chuyên nghiệp và 250 chương trình khung đại học, cao đẳng; xây dựng 1.000 giáo trình điện tử đại học, cao đẳng; soạn thảo và xuất bản sách giáo khoa, sách giáo viên cho một số tiếng dân tộc thiểu số; hoàn thiện chuẩn kiến thức, kỹ năng ở 3 cấp học làm căn cứ cho việc thực hiện đánh giá chất lượng.
Dự án 3: Đào tạo cán bộ tin học, đưa tin học vào nhà trường. Tổng kinh phí dự tính khoảng: 960 tỷ đồng.
Mục tiêu cụ thể: Thực hiện Chương trình đào tạo nhân lực công nghệ thông tin (CNTT), ưu tiên đào tạo nhân lực phục vụ phát triển công nghiệp phần mềm, đẩy mạnh giảng dạy, ứng dụng CNTT ở tất cả các cấp học, bậc học, ngành học. Đầu tư cho một số khoa CNTT thuộc các trường đầu ngành để đạt chất lượng đào tạo tiên tiến trong khu vực. Tăng cường phòng máy tính, nối mạng Internet, tuyển chọn phần mềm giáo dục phục vụ ứng dụng CNTT vào dạy học các môn học trong các cơ sở giáo dục đào tạo.
Dự án 4: Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục. Tổng kinh phí dự tính khoảng: 700 tỷ đồng.
Mục tiêu cụ thể: Bồi dưỡng, chuẩn hoá đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, đến năm 2010 có 80% giáo viên mầm non, 100% giáo viên tiểu học, trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT) đạt chuẩn trình độ đào tạo, trong đó có 40% giáo viên tiểu học có trình độ cao đẳng trở lên, 50% giáo viên THCS có trình độ đại học và 10% giáo viên THPT có trình độ thạc sĩ. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên cho tất cả các trường (khoa) sư phạm, trường cán bộ quản lý giáo dục để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đến năm 2010 đạt tỷ lệ 40% giảng viên có trình độ thạc sĩ, 25% có trình độ tiến sĩ.
Dự án 5: Hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng dân tộc thiểu số và vùng có nhiều khó khăn. Tổng kinh phí dự tính: 3.000 tỷ đồng.
Mục tiêu cụ thể: Tập trung hoàn thiện cơ sở vật chất cho 48 trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) tỉnh theo hướng chuẩn hoá (có đủ nhà học, phòng bộ môn, ký túc xá, nhà đa năng, nhà ăn, phòng hướng nghiệp ...). Hỗ trợ xây dựng nhà ở, nhà bếp và các trang thiết bị thiết yếu cho việc tổ chức đời sống nội trú cho gần 900 trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT), nhằm tạo thêm các điều kiện để phổ cập vững chắc tiểu học và THCS. Cung cấp trang thiết bị, tài liệu, phương tiện nghe nhìn, đồ dùng dạy học cho các trường PTDTNT nhằm thực hiện đổi mới nội dung chương trình giáo dục, thực hiện giáo dục hướng nghiệp dạy nghề và giáo dục bản sắc văn hoá dân tộc.
Dự án 6: Tăng cường cơ sở vật chất các trường học. Tổng kinh phí dự tính: 6.600 tỷ đồng.
Mục tiêu cụ thể: Cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới 14.000 phòng học để thực hiện mức chất lượng tối thiểu ở tiểu học, tạo điều kiện mở rộng số trường tiểu học và THCS học 2 buổi/ngày, thu hút tối đa trẻ 5 tuổi tới trường mầm non, mẫu giáo trước khi vào lớp 1; tăng cường cơ sở vật chất phục vụ yêu cầu nâng cao chất lượng cho tất cả các cấp học, trước hết là xây dựng thư viện, phòng thí nghiệm, phòng bộ môn và mua sắm thiết bị dạy học; hỗ trợ xây dựng phòng làm việc cho giảng viên các trường đại học, cao đẳng, bảo đảm đến năm 2010 có đủ chỗ làm việc cho giáo sư và phó giáo sư tại trường.
Dự án 7: Tăng cường năng lực dạy nghề. Tổng kinh phí dự tính: 5.500 tỷ đồng.
Mục tiêu cụ thể: Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề cho các trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề; phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề, kiểm định viên dạy nghề, đánh giá viên dạy nghề; phát triển chương trình dạy nghề, xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề, ngân hàng đề thi, hệ thống tiêu chuẩn kiểm định chất lượng dạy nghề; hỗ trợ dạy nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề thường xuyên cho đối tượng là lao động nông thôn, thanh niên dân tộc thiểu số và người tàn tật; thực hiện thí điểm dạy nghề theo cơ chế đặt hàng.
Nguồn kinh phí thực hiện các dự án: 20.270 tỷ đồng. Trong đó ngân sách trung ương: 16.420 tỷ đồng; Nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA): 2.080 tỷ đồng; Ngân sách địa phương và huy động cộng đồng là: 1.770 tỷ đồng.
Tìm hiểu giáo dục Nghệ An sau Tết
Trong hai ngày 18, 19 tháng 02 năm 2008, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển làm việc tại Nghệ An. Cùng đi với Thứ trưởng, có lãnh đạo của Vụ Giáo dục Trung học, Vụ Công tác học sinh-sinh viên, Ban Điều hành Dự án Trung học cơ sở II.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã nghe lãnh đạo tỉnh báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ học kỳ 1 vừa qua của ngành giáo dục và đào tạo Nghệ An. Trong học kỳ 1 năm học 2007-2008, Nghệ An đã tiếp tục sắp xếp lại mạng lưới trường lớp theo hướng mỗi xã có một trường mầm non, một trường tiểu học, sáp nhập các trường trung học cơ sở có quy mô nhỏ thành trường cụm xã; công tác quản lý giáo dục tiếp tục được đổi mới, nhất là việc triển khai thực hiện các biện pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; việc thực hiện cuộc vận động “Hai không” được tiếp tục tiến hành một cách nghiêm túc, kiên quyết, đồng bộ và đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cán bộ, giáo viên, học sinh, tạo được niềm tin của xã hội vào hệ thống giáo dục; nề nếp, kỷ cương trong các nhà trường và cơ quan quản lý giáo dục được củng cố; thầy tận tâm giảng dạy, trò chăm lo học tập hơn nhiều những năm trước. Đây chính là điều kiện tiên quyết để Nghệ An tổ chức và chỉ đạo dạy thực chất, học thực chất, thi thực chất, nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học theo chỉ thị của Bộ.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã biểu dương những cố gắng của ngành giáo dục Nghệ An trong thời gian qua, đặc biệt là đã tổ chức tốt các kỳ thi tốt nghiệp năm học 2006-2007 và đóng góp cho Bộ nhiều bài học quý. Thứ trưởng mong muốn, trong thời gian tới, Nghệ An sẽ làm tốt công tác xã hội hoá giáo dục, thực hiện tốt việc nâng cao chất lượng để tiến hành các kỳ thi của năm học 2007-2008 một cách nghiêm túc hơn nữa. Thứ trưởng cũng đã ghi nhận các kiến nghị của Nghệ An đối với Bộ. Riêng việc dự kiến bỏ quy định về thu tiền xây dựng trường, Thứ trưởng cho rằng Nghệ An tiến hành chưa đồng bộ; bỏ các khoản thu lẻ tẻ, tất cả đưa thành học phí là đúng; nhưng cùng với việc bãi bỏ thu tiền xây dựng trường thì phải tính toán để quyết định mức thu học phí mới-đây là quyền của tỉnh, làm sao đảm bảo đủ kinh phí cho các nhà trường hoạt động để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục.