Dự kiến cho sinh viên vay ưu đãi 8.000 tỷ đồng

08:04, 29/01/2008

Theo bà Hà Thị Hạnh - Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH), năm 2008, nguồn vốn cho học sinh, sinh viên vay ưu đãi dự kiến là 8.000 tỷ đồng.


 
 Được vay tiền, SV nghèo sẽ bớt khó khăn trong thời gian học đại học.
“Từ tháng 2/2008, NHCSXH sẽ giải ngân cho học kỳ 2 năm học 2007- 2008, vì vậy, đề nghị Chính phủ cấp vốn bổ sung 3.000 tỷ đồng để thực hiện chương trình này” - Bà Hạnh cho biết.

Chiều 28/1, hội nghị sơ kết thực hiện quyết định số 157/2007/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên, được Bộ Tài chính, GD&ĐT, Lao động Thương binh & Xã hội, NHCSXH tổ chức tại Hà Nội.

Theo số liệu của Tổng Giám đốc NHCSXH đưa ra, doanh số cho vay từ 1/10 đến 31/12/2007 đạt 2.504.649 triệu đồng, với 596.345 học sinh, sinh viên được vay. Trong đó, 527.935 học sinh, sinh viên được vay lần đầu (với số tiền là 2.305.548 triệu đồng) và 68.394 học sinh, sinh viên đang vay vốn dở dang theo các hợp đồng trước đây, được bổ sung theo mức cho vay mới (với số tiền cho vay 199.101 triệu đồng).

Thống kê của NHCSXH cũng cho biết, số sinh viên đại học, cao đẳng vay ưu đãi là hơn 425.000 người (với 1.930 tỷ đồng); hơn 157.000 sinh viên học trung cấp chuyên nghiệp với 680 tỷ đồng…

Ông Trần Xuân Hà – Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, thời hạn cho vay và thu hồi nợ kéo dài hơn so với trước, sau khi ra trường 12 tháng, học sinh, sinh viên mới bắt đầu phải trả nợ (trước đây là 6 tháng). Đối với người học nghề ngắn hạn, thời gian trả nợ tối đa bằng hai lần thời gian đi học. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho các em có đủ khả năng trả nợ sau khi ra trường.

Nhận định về những hạn chế, ông Hà nêu lên một thực tế: Do chế tài xử lý chưa có, dẫn đến phát sinh một số sai phạm trong quá trình triển khai. Một số học sinh, sinh viên sử dụng vốn vay để làm các việc khác như mua sắm tài sản không phục vụ mục đích học tập, sinh hoạt không tích kiệm; đã có trường hợp một số hội đoàn thể thu thêm phí cho vay ngoài lãi suất.

Về vấn đề này, trong báo cáo của mình, bà Hạnh nêu rõ: Đoàn kiểm tra liên Bộ đã tiến hành kiểm tra thực tế tại 4 huyện Tĩnh Gia, Yên Định (Thanh Hóa), Phù Ninh, Tam Nông (Phú Thọ).

Qua kiểm tra hơn 44.000 hộ vay, Đoàn đã phát hiện 458 hộ gia đình (ở 154 xã) không thuộc đối tượng được vay vốn. Con số này chiếm tỷ lệ 1% số hộ được kiểm tra.

“Nguyên nhân là do việc xác định đối tượng hộ vay chưa chuẩn xác của UBND cấp xã. NHCSXH đã kiến nghị không tiếp tục giải ngân kỳ tiếp theo và thu hồi trước thời hạn đối với 468 hộ gia đình (458 hộ vay không thuộc đối tượng thụ hưởng và 10 hộ sử dụng vốn vay sai mục đích)” – Bà Hạnh khẳng định.

Nhằm hạn chế việc các cơ sở địa phương xác định không đúng đối tượng vay vốn ưu đãi, trong phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết: “Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, Bộ GD&ĐT và NHCSXH đã bàn, sắp tới Bộ Lao động Thương binh & Xã hội sẽ làm hướng dẫn thông báo cho chính quyền cấp xã, chỗ nào xã cho vay sai đối tượng thì phải lấy ngân sách xã bù lại”.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan nghiên cứu và thống nhất quy trình sao cho thuận lợi cho học sinh, sinh viên mà vẫn bảo đảm tính khoa học, hiệu quả trong quản lý. NHCSXH nên thông báo số tiền học sinh, sinh viên được vay cho nhà trường được biết. Cùng với đó, Phó Thủ tướng cho rằng, nên xây dựng phần mềm quản lý đối tượng vay ưu đãi. Bộ GD&ĐT có thể cấp kinh phí để xây dựng phần mềm này.

Đối với vấn đề ràng buộc việc trả nợ, Phó Thủ tướng cho biết, lãnh đạo Bộ GD&ĐT có đề xuất phương án, sinh viên năm cuối làm cam kết với NHCSXH là sau khi ra trường sẽ dùng thu nhập của mình để trả khoản nợ đó.

“Các em tuy không đứng ra vay nhưng là người hưởng thụ thật sự để học và các em có năng lực để có thể kiếm được tiền thì có năng lực trả cho gia đình” - Phó Thủ tướng nói. 

* Ông Nguyễn Văn Tuấn – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Lâm nghiệp: Theo quy trình hiện nay, chúng tôi chỉ xác nhận cho sinh viên đang học tại trường, còn sinh viên đó có được vay ưu đãi hay không và vay bao nhiêu thì chúng tôi không được thông báo. Nếu NHCSXH thông báo cho nhà trường thì việc quản lý sẽ hiệu quả hơn.

* Ông Nguyễn Xuân Thanh – Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Dạy nghề Bắc Giang: Thời điểm cho sinh viên vay vốn nên được tổ chức vào nhiều đợt trong năm, chứ không nhất thiết chỉ đầu năm học.


Tiền Phong

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Ông Samak Sundaravej được bầu làm Thủ tướng Thái-lan
Hạ viện Thái-lan sáng nay đã bầu ông Samak Sundaravej, 73 tuổi, Chủ tịch đảng Sức mạnh Nhân dân (PPP) làm thủ tướng thứ 25 của Thái-lan.
29/01/2008
Bầu cử Mỹ: Các ứng cử viên dồn sức cho chặng tới
Theo tin nước ngoài, với khoảng 55% số phiếu ủng hộ, ứng cử viên Ðảng Dân chủ (DC) M. Obama (ảnh bên) vừa giành thắng lợi quan trọng tại cuộc bỏ phiếu sơ bộ tại bang Carolina Nam ngày 26-1.
28/01/2008
Chính phủ Italy sụp đổ
Chính phủ trung tả cầm quyền ở Italy đã sụp đổ vào đêm 24-1 khi Thủ tướng Romano Prodi chính thức đệ đơn từ chức lên Tổng thống G. Napolitano sau khi không vượt qua được cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ở Thượng viện.
27/01/2008
9 đề án lớn của ngành Giáo dục năm 2008
Lương mới cho giáo viên, học phí mới, chương trình đào tạo theo nhu cầu xã hội... là những đề án quan trọng trong 9 đề án lớn của Bộ GD-ĐT sẽ chính thức ra mắt trong năm 2008.
25/01/2008