Dạy và Học thời hội nhập
Thầy giảng - Trò nghe là thực tế tồn tại từ lâu. Việc tiếp thu kiến thức thụ động khiến người học hạn chế tư duy sáng tạo cũng như phát huy năng lực sở trường. Tại hội thảo về "Tính chủ động của tư duy, phương pháp và tinh thần đại học", các chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, phải làm rõ được đâu là nguyên nhân, những đề xuất và giải pháp để GD-ĐT phát triển đồng đều với nhu cầu xã hội.
Thực tế cho thấy, giáo trình, tài liệu, phương pháp giảng dạy cũ là nguyên nhân khiến việc dạy và học chưa đáp ứng nhu cầu. Các chương trình đổi mới sách giáo khoa là cải tiến lớn của ngành GD-ĐT Việt Nam, nhưng yếu tố tâm lý vẫn còn là trở ngại lớn ảnh hưởng đến việc học tập.
Đơn cử là, ngay từ nhỏ học sinh đã được giáo dục theo phương pháp lễ giáo, thầy bảo gì, trò làm vậy, cha mẹ dạy gì, con cái nghe theo. Qui tắc khuôn sáo ấy khiến việc học những năm sau này cũng bị ảnh hưởng. Giáo viên chỉ giảng dạy theo sách thì học trò cũng chỉ biết như vậy và gần như người thầy sẽ không biết là học sinh có hiểu bài hay không. Thực tế, rất ít học sinh dám phản biện hoặc trao đổi với giảng viên vì có thể bị coi là vô lễ, hoặc bị bạn bè cho rằng kiêu căng.
Bà Thái Thị Ngọc Dư, Tiến sỹ Địa lý tổ chức AUF, TP.HCM cho rằng: "Nếu người thầy không chủ động cho sinh viên tham gia thảo luận, hướng dẫn sinh viên mạnh dạn phát biểu ý kiến thì sinh viên dễ rơi vào tình trạng học thụ động. Do vậy, vai trò người thầy là rất quan trọng".
Có thể việc thay đổi tâm lý dạy và học thụ động ở Việt Nam sẽ còn mất một thời gian dài, chừng nào yếu tố tâm lý, lễ giáo một cách thái quá sẽ còn là trở lực lớn để phát huy nền giáo dục đào tạo nước nhà. Tuy nhiên, khi Việt Nam hội nhập, việc xã hội hóa giáo dục phát triển mạnh, đã có nhiều trường tư, trường quốc tế với những phương pháp giáo dục mới là những nhân tố điển hình trong việc thay đổi cách học, cách dạy ở Việt Nam.
Ý kiến bạn đọc