Chuyến công du muộn màng

08:17, 18/01/2008

Tổng thống Mỹ G.Bush vừa kết thúc chuyến công du kéo dài chín ngày tới bảy nước Trung Đông. Nhưng nỗ lực muộn màng trong chuyến thăm lần đầu của ông Bush, sau bảy năm trên cương vị Tổng thống Mỹ, đã không thể tạo bước đột phá trong sứ mạng kiến tạo sự ổn định và an ninh cho chảo lửa này của thế giới.


 
 Tổng thống Mỹ G. Bush (trái)
hội đàm với Tổng thống Ai Cập
H. Mubarak vào ngày 16-1.
Tổng thống Mỹ G.Bush vừa kết thúc chuyến công du kéo dài chín ngày tới Israel, Palestine, Kuwait, Bahrain, Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE), A-rập Xê-út và Ai Cập.

Chuyến thăm là bước tiếp tục các nỗ lực của Washington sau Hội nghị quốc tế về hòa bình Trung Ðông ở TP Annapolis hồi tháng 11-2007, nhằm hai mục tiêu: thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Ðông; tranh thủ sự ủng hộ của các đồng minh A-rập đối với chính sách kiềm chế Iran.

Nhưng nỗ lực muộn màng trong chuyến thăm lần đầu của ông Bush, sau bảy năm trên cương vị Tổng thống Mỹ, đã không thể tạo bước đột phá trong sứ mạng kiến tạo sự ổn định và an ninh cho chảo lửa này của thế giới.

Trong chặng dừng chân đầu tiên và quan trọng nhất tại

Israel và Palestine, Tổng thống Bush đã tỏ ra lạc quan về một thỏa thuận hòa bình sẽ đạt được vào cuối năm 2008, trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ.

Với Israel, ông Bush lần đầu công khai thúc giục Thủ tướng E. Olmert tuân thủ cam kết dỡ bỏ các khu định cư trái phép ở Bờ Tây. Với Palestine, ông Bush tỏ ra cứng rắn khi yêu cầu Tổng thống M. Abbas nỗ lực kiềm chế bạo lực, nhưng không đưa ra giải pháp giúp ông Abbas lấy lại quyền lực ở dải Gaza hiện do Hamas kiểm soát.

Cả hai nhà lãnh đạo Israel và Palestine hoan nghênh nỗ lực của ông Bush, nhưng không thông báo về những nhượng bộ cụ thể liên quan các vấn đề gai góc: đường biên giới chung, các khu định cư Do Thái, thể chế tương lai của Jerusalem và số phận người tị nạn Palestine.

Những gì ông Bush nhận được chỉ là những cam kết cũ: Israel hứa duy trì đàm phán với Palestine nếu Chính quyền của Tổng thống Abbas ngăn chặn hành động bạo lực của các tay súng Hồi giáo nhằm vào Israel, điều mà ông Abbas hiện tại rất khó đáp ứng.

Thực tế đang diễn ra tại khu Bờ Tây và dải Gaza làm mờ viễn cảnh lạc quan Washington vẽ ra. Những vùng đất Palestine, nơi sẽ hình thành Nhà nước tương lai, đang bị các khu định cư Do Thái và "bức tường an ninh" Israel chia cắt. Hamas kiểm soát dải Gaza vẫn bắn rocket vào Israel. Những nhân vật chính trong tiến trình đàm phán gặp khó khăn ngay trong nội bộ nước mình: Thủ tướng Olmert chưa cải thiện lòng tin của người dân Israel, chịu sức ép lớn từ phe đối lập và những người phản đối nhượng bộ trong đàm phán với Palestine. Tổng thống Abbas không thể đưa Chính quyền Palestine thành một chính phủ mạnh, dù được phương Tây ủng hộ và viện trợ hàng trăm triệu USD.

Tình trạng chia rẽ và bạo lực tiếp tục nhấn chìm nỗ lực đàm phán của cả hai bên. Và thời hạn 12 tháng là quá ngắn để họ có thể biến tham vọng của ông Bush về hình thành hai nhà nước Palestine và Do Thái cùng tồn tại trước năm 2009 thành hiện thực.

Phần hai trong chương trình nghị sự của Tổng thống Bush là các cuộc làm việc với những đồng minh A-rập thân cận của Mỹ ở Trung Ðông, tìm kiếm sự ủng hộ của các nước A-rập đối với chính sách đối đầu của Washington với Tehran. "Sự cố 6-1" về chung quanh vụ đụng độ giữa Hải quân Mỹ và Iran trên eo biển Hormuz ngay lập tức được Tổng thống Bush lấy làm lý do thuyết phục các đồng minh A-rập rằng, Iran vẫn là một hiểm họa của thế giới.

Nhưng những đồng minh quân sự của Mỹ tại đây, như Qatar là khách hàng lớn mua vũ khí của Mỹ; Kuwait hiện có khoảng 15 nghìn quân Mỹ và từng được Mỹ sử dụng làm bàn đạp tiến công Iraq; hay Bahrain là nơi đồn trú của Hạm đội 5 Hải quân Mỹ..., đã không nhiệt tình trước sự lôi kéo tham gia một chiến lược an ninh và hợp tác quân sự nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Iran trong khu vực.

So với đe dọa từ chương trình hạt nhân của Tehran, các quốc gia vùng Vịnh lo ngại hơn về nguy cơ bùng nổ xung đột Mỹ - Iran.

Họ thúc giục Mỹ không leo thang quân sự chống Iran, bởi những hậu quả hành động quân sự này chắc chắn gây thêm bất ổn cho khu vực, sau cuộc chiến tranh của Mỹ ở Iraq từng bị các nước A-rập chỉ trích mạnh mẽ. Nhất là A-rập Xê-út, đồng minh quan trọng của Mỹ ở vùng Vịnh, luôn bày tỏ phản đối nếu Mỹ phát động thêm một cuộc chiến tranh nữa ở Trung Ðông. Thay vào đó, Mỹ nên theo đuổi các biện pháp ngoại giao và hòa bình trong đàm phán về vấn đề hạt nhân Iran.

Những ngày đầu năm của năm cuối nhiệm kỳ Tổng thống, các nước A-rập đón ông Bush không mấy mặn mà, vẫn nhiều hoài nghi về chính sách Trung Ðông của Washington. Nhiều cuộc biểu tình ngay bên cạnh các đại sứ quán Mỹ ở Bahrain, Kuwait... Trung tâm hàng không thế giới Dubai (UAE) luôn nhộn nhịp, mà vắng tanh trong ngày ông Bush tới. Báo chí A-rập cho rằng, chuyến thăm của ông Bush chỉ "nhằm khuếch trương câu chuyện quá cũ về dân chủ".

Trong bảy năm qua, cuộc chiến tranh do giới cầm quyền Washington gây ra tại Iraq và Afghanistan đã khiến Tổng thống Bush không thể thực hiện mục tiêu thiết lập Nhà nước Palestine và ý đồ "thúc đẩy dân chủ" ở Trung Ðông. Ðến lúc này, chuyến công du muộn màng của Tổng thống Bush tới Trung Ðông khó có thể đạt kết quả những gì ông ta mong muốn.


Nhân dân

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đánh bom rung chuyển Sri Lanka, 23 người thiệt mạng
Ngày 16/01, ít nhất 23 người thiệt mạng và vài chục người khác bị thương khi một quả bom bên đường phát nổ đúng lúc một chiếc xe buýt chở dân thường đi qua ở miền Đông Nam Sri Lanka. Vụ tấn công xảy ra tại thị trấn Buttala, cách thủ đô Colombo khoảng 240km về phía Đông Nam.
17/01/2008
Anh, Nga tiếp tục "đôi co"
Khủng hoảng ngoại giao Nga - Anh đã leo thang nhanh chóng sau sự kiện Hội đồng Anh tại hai thành phố St.Petersburg và Yekaterinburg tiếp tục mở cửa bất chấp lệnh cấm từ Moscow.
16/01/2008
Việt Nam trong những năm tới cần 3 triệu kỹ sư CNTT, 1 triệu NV tài chính ngân hàng
“Hiện nay nước ta đang thiếu 1 triệu kỹ sư CNTT, năm 2010 cần thêm 3 triệu kỹ sư CNTT, năm 2020 cần 10 triệu. Riêng ngành ngân hàng tài chính, dự kiến năm 2012 sẽ cần thêm 1 triệu nhân viên.” Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết.
16/01/2008
Trung Quốc đóng cửa hơn 11 nghìn mỏ than nhỏ
Báo cáo do Chính phủ Trung Quốc công bố ngày 13-1 cho biết, trong gần hai năm qua, Trung Quốc đã đóng cửa hơn 11 nghìn mỏ than nhỏ nhằm hạn chế tai nạn lao động ở ngành công nghiệp này.
15/01/2008