Chính phủ Italy sụp đổ
Chính phủ trung tả cầm quyền ở Italy đã sụp đổ vào đêm 24-1 khi Thủ tướng Romano Prodi chính thức đệ đơn từ chức lên Tổng thống G. Napolitano sau khi không vượt qua được cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ở Thượng viện.
Thủ tướng Prodi (phải) và cựu Bộ trưởng Tư pháp Mastella. |
Mặc dù liên minh cầm quyền của Thủ tướng Romano Prodi ngày 23-1 đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Hạ viện với tỷ lệ 326 phiếu thuận, 275 phiếu chống; nhưng Chính phủ Italy đã hoàn toàn thất bại trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ở Thượng viện với 156 phiếu thuận, 161 phiếu chống và một phiếu trắng.
Trước cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện, hai đảng nhỏ trong liên minh cầm quyền là Udeur và đảng Dân chủ tự do tuyên bố sẽ không bỏ phiếu cho ông Romano Prodi. Ðây là một thất bại nhìn thấy trước đối với Thủ tướng Prodi do liên minh trung tả cầm quyền gồm chín đảng chỉ hơn phe đối lập đúng một ghế trong Thượng viện. Những lá phiếu quan trọng nhất dẫn đến việc Chính phủ Italy mất đa số trong cuộc bỏ phiếu ở Thượng viện thuộc về ba nghị sĩ Ði-ni, Phi-xi-xe-la và Mát-xtê-la, những thủ lĩnh của các đảng nhỏ trong liên minh trung-tả nhưng nay lại quay lưng với Chính phủ.
Sự thất bại của Chính phủ Italy đã đẩy nền chính trị nước này lâm vào tình trạng khủng hoảng và mất phương hướng trong bối cảnh nền kinh tế và xã hội Italy đang suy thoái nghiêm trọng.
Trong 20 tháng cầm quyền vừa qua, Chính phủ của Thủ tướng Prodi liên tục rơi vào khủng hoảng do những mâu thuẫn trầm trọng trong liên minh cầm quyền. Chính phủ Italy từng sụp đổ cách đây một năm sau khi một đảng nhỏ trong liên minh bỏ phiếu chống Chính phủ về chính sách đối ngoại và chỉ được vực dậy sau cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ở Thượng viện.
Cuối tháng 12-2007, Chính phủ của Thủ tướng Prodi đã vượt qua những thử thách lớn nhất trong các cuộc bỏ phiếu về đạo luật ngân sách 2008, song chính trường nước này vẫn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn do các mâu thuẫn trong liên minh cầm quyền ngày trở nên gay gắt.
Ðầu tháng 1-2008, đảng Udeur của cựu Bộ trưởng Tư pháp Italy Clemente Mastella (phải từ chức do liên quan vụ điều tra tham nhũng) tuyên bố không ủng hộ chính phủ trung tả và kêu gọi bầu cử sớm. Phe đối lập yêu cầu Thượng viện bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Bộ trưởng Môi trường P.Scanio với lý do ông Scanio là người chịu trách nhiệm chính khi để xảy ra cuộc khủng hoảng rác thải ở vùng Campania và thành phố Naples.
Theo các nhà phân tích, cuộc khủng hoảng rác thải tại Italy đầu tháng một vừa qua tuy là vấn đề nhỏ nhưng thể hiện sự sụt giảm lòng tin của người dân nước này đối với chính quyền trung ương và địa phương. Căng thẳng leo thang giữa những người biểu tình và cảnh sát ở ngoại ô Naples buộc Thủ tướng Romano Prodi đã phải triển khai quân đội tới đây chấn chỉnh an ninh và thu dọn rác, đồng thời đề xuất kế hoạch thành lập các nghiệp đoàn tái chế rác ngay trong hai tháng tới. Cuộc khủng hoảng rác ở Naples đã làm giảm uy tín của Chính phủ Italy và tạo điều kiện cho các đảng phái đối lập chỉ trích chính phủ bất lực và lúng túng trong cách giải quyết vấn đề. Không chỉ có thế, chính phủ nước này có thể phải đương đầu với làn sóng bãi công quy mô lớn do ba nghiệp đoàn lao động của Italy vừa đe dọa sẽ tổ chức tổng bãi công toàn quốc nếu chính phủ không đáp ứng yêu cầu về tăng lương cho người lao động, đồng thời gia hạn hợp đồng cho sáu triệu nhân viên các ngành giao thông, báo chí, dịch vụ và năng lượng.
Hiện chỉ số niềm tin của người dân Italy đối với Chính phủ giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi ông Prodi lên nắm quyền. Tình trạng giá cả tăng vọt và lạm phát tăng lên mức cao nhất trong năm năm gần đây đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của người dân. Chính phủ của Thủ tướng Romano Prodi bị cáo buộc để xảy ra tình trạng kinh tế sa sút và không có các chính sách can thiệp nhằm cải thiện kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo, giải quyết tình trạng thất nghiệp, tội phạm. Một số cuộc thăm dò dư luận gần đây tại nước này cho thấy, đa số người dân không hài lòng về tình hình kinh tế, an ninh, chính trị trong nước.
Nhằm tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị ở Italy, Tổng thống nước này G. Napolitano sẽ trao đổi ý kiến với Chủ tịch Thượng viện, Hạ viện và thủ lĩnh các đảng phái để quyết định việc tiến hành bầu cử trước thời hạn hay bầu một Chính phủ chuyển tiếp đến khi thông qua luật bầu cử mới. Phe đối lập yêu cầu sớm tiến hành bầu cử, còn các lực lượng cánh tả muốn Thượng viện thông qua một luật bầu cử mới. Các nhà phân tích cho rằng, Italy nên sửa đổi luật bầu cử vì đây cũng là một trong những nguyên nhân gây bất ổn chính trị ở nước này.
Ý kiến bạn đọc