Ba Lan và Czech không mặn mà với kế hoạch phòng thủ tên lửa của Mỹ
Kế hoạch đầy tham vọng triển khai tên lửa đánh chặn và căn cứ radar của Mỹ ở Ba Lan và Czech đang gặp nhiều khó khăn và trở ngại.
Tên lửa đánh chặn Patriot của Mỹ. |
Hệ thống phòng thủ tên lửa nói trên tốn kém 3,5 tỷ USD sử dụng công nghệ cao với một loạt cảm biến và radar có thể phát hiện một tên lửa đang bay và một tên lửa đánh chặn đặt ở mặt đất sẽ được phóng lên đâm thẳng vào đầu đạn tên lửa với tốc độ 24.000 km/ giờ. Mỹ đã đề nghị lắp đặt mười tên lửa đánh chặn tầm bắn 3.000 km tại Ba Lan và những tên lửa này được triển khai trong hầm dưới mặt đất có diện tích bằng một sân vận động bóng đá. Washington cũng đề nghị lắp đặt một căn cứ radar tại CH Czech để phát hiện tên lửa đạn đạo và dẫn đường cho tên lửa đánh chặn.
Nếu Lầu năm góc đạt được thỏa thuận với Ba Lan và CH Czech, việc triển khai mười tên lửa đánh chặn và căn cứ radar nói trên sẽ được bắt đầu vào năm 2009 và hệ thống phòng thủ tên lửa này hoạt động vào năm 2013. Thế nhưng vào những ngày đầu năm 2008 này, kế hoạch đầy tham vọng đó của Mỹ đang gặp nhiều khó khăn và trở ngại.
Thủ tướng Ba Lan D.Tusk nêu rõ rằng, ông sẽ "cứng rắn" hơn người tiền nhiệm (ông J.Kaczynski) trong việc thương lượng về việc triển khai một phần hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ trên lãnh thổ nước này. Thủ tướng D.Tusk cho biết, đến nay Ba Lan chưa nhận được những cam kết hoặc bảo đảm rằng việc lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa này sẽ tăng cường an ninh cho nước ông.
Ông D.Tusk tuyên bố, trên cương vị Thủ tướng Ba Lan (ông nhậm chức tháng 11-2007) , ông có trách nhiệm bảo đảm an ninh cho nhân dân Ba Lan, chứ không chỉ bảo đảm an ninh cho nước Mỹ. Chính vì vậy mà ông sẽ lái các cuộc đàm phán với Mỹ theo hướng "tăng cường, chứ không phải hạ thấp" an ninh quốc gia. Ngày 15-1 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan B.Klich đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ R.Gates để thảo luận thỏa thuận về việc triển khai tên lửa đánh chặn trên lãnh thổ Ba Lan.
Bộ trưởng B.Klich đã yêu cầu Mỹ tăng cường khả năng phòng không tầm ngắn và tầm trung, với tên lửa Patriot hoặc tên lửa THAAD, như một phần thỏa thuận song phương.
Ông B.Klich nêu rõ rằng, Washington cần phải tăng cường các biện pháp an ninh bảo vệ Ba Lan nếu muốn nước này cho phép Lầu năm góc lắp đặt mười tên lửa đánh chặn. Ông cho biết "khó có thể" thuyết phục được người dân Ba Lan ủng hộ kế hoạch này của Washington mà không được tăng cường các biện pháp an ninh.
Theo ông B.Klich, một căn cứ quân sự như vậy của Mỹ sẽ đặt Ba Lan trước nhiều mối đe dọa mới, trong đó chủ yếu là đe dọa tiến công khủng bố. Ba Lan muốn có một thỏa thuận hợp tác quân sự tương tự như thỏa thuận Mỹ đã ký với một số nước khác cũng như quan tâm cam kết của Washington cung cấp tên lửa di động nhằm bảo vệ các trụ sở hành chính, trung tâm thông tin, công nghiệp và các thành phố lớn của Ba Lan.
Bộ trưởng Quốc phòng B.Klich cho rằng, Mỹ cần tăng ngân sách vào việc hiện đại hóa các lực lượng vũ trang của Ba Lan mới có thể làm giảm bớt nguy cơ về an ninh liên quan việc triển khai một phần "lá chắn tên lửa" của Mỹ.
Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Radek Sikorski từng tuyên bố rằng Warsaw không vội vã quyết định chấp thuận kế hoạch triển khai mười tên lửa đánh chặn cũng như đưa ra thời gian cụ thể về một thỏa thuận triển khai dự án của Mỹ trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vì cần phải chờ xem ông chủ Nhà trắng là ai.
Trước những đòi hỏi nói trên của Warsaw, Washington tuyên bố "sẵn sàng bắt đầu các cuộc đàm phán" về việc hiện đại hóa quân đội Ba Lan.
Ðáng chú ý, Thủ tướng Ba Lan D.Tusk khẳng định, Ba Lan sẽ phối hợp chặt chẽ với CH Czech, cũng như tham vấn với Nga để đàm phán với Mỹ về vấn đề này và nêu rõ, bất cứ quyết định nào về hệ thống phòng thủ tên lửa ở Trung Âu đều phải có ba nước này tham dự cuộc đàm phán.
Theo các nhà phân tích, lập trường cứng rắn này của Ba Lan chắc chắn sẽ có ảnh hưởng chính quyền CH Czech, nước vừa tuyên bố vào tháng 4 tới có thể hoàn tất thỏa thuận với Mỹ về việc triển khai tại nước này một căn cứ radar.
Tại cuộc gặp Thủ tướng Ba Lan D.Tusk, Thủ tướng CH Czech M. Topolanek nêu rõ rằng, không cần thiết phải vội vã thương lượng, Chính phủ Czech có thể đệ trình thỏa thuận cuối cùng để QH thông qua sau Hội nghị cấp cao NATO vào tháng 4 tới tại Bucarest (Romania).
Mỹ và CH Czech đang xúc tiến các cuộc đàm phán về việc triển khai trạm radar của Mỹ trên lãnh thổ Czech. Nước chủ nhà dự định đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề này trong năm nay.
Trong khi đó, tại cuộc gặp các quan chức quận Brody (Czech) - nơi dự kiến được chọn để lắp đặt một trạm radar trong hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ - một chuyên gia về nghiên cứu, phát triển quân sự và chính sách quốc phòng của Mỹ, cho biết, bộ phận hệ thống phòng thủ chống tên lửa mà Mỹ dự định triển khai ở Ðông Âu là không hiệu quả.
Theo kết quả nghiên cứu của chuyên gia này, những tuyên bố của Mỹ về độ tin cậy của trạm radar này là "một sự thổi phồng và vô trách nhiệm".
Theo một cuộc thăm dò do Viện khảo sát dư luận CVVM Czech công bố ngày 8-1 vừa qua, khoảng 70% số người Czech được hỏi phản đối Lầu năm góc đặt trạm radar trên lãnh thổ nước này. Các cuộc thăm dò dư luận mới đây ở Ba Lan cũng cho thấy sự phản đối mạnh mẽ đối với việc lắp đặt mười tên lửa đánh chặn trên đất Ba Lan.
Vậy là, người Ba Lan và người Czech không mấy mặn mà với kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ vì lo ngại rằng lá chắn tên lửa này sẽ biến họ thành mục tiêu của các cuộc tiến công khủng bố và làm xấu thêm quan hệ giữa hai nước này với Nga, nước đã kịch liệt phản đối kế hoạch này vì cho rằng nó đe dọa an ninh của Nga và phá vỡ sự cân bằng sức mạnh quân sự ở châu Âu. Kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đang đối mặt sự phản đối ngày càng mạnh mẽ.
Ý kiến bạn đọc