Vai trò của quân đội trên chính trường Pakistan

15:40, 16/12/2007

Quân đội Pakistan từng nhiều lần làm trọng tài ưu ái hay xử ép các đảng phái, chính khách. Các đảng phái cũng thường xuyên lợi dụng thế mạnh của quân đội, làm chỗ dựa, gây sức ép đối với các đối thủ. Hằng năm, quân đội nhận được hơn 4% ngân sách quốc gia.


Pakistan bắt đầu chiến dịch vận động bầu cử chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử được tổ chức vào ngày 8-1 năm tới, bầu 272 ghế QH và 728 ghế Hội đồng hàng tỉnh. Khoảng 146 đảng phái đã đưa người ứng cử. Các chủ đề ổn định chính trị; phát triển kinh tế, xã hội; khôi phục dân chủ; tăng cường an ninh, bảo đảm trật tự xã hội, bảo vệ luật pháp được các đảng vận dụng đưa vào cương lĩnh và chương trình tranh cử nhằm thu phục cử tri.

Gần đây, các cuộc trở về đầy khó khăn và kịch tính của hai cựu Thủ tướng là bà B.Bhutto và ông N.Sharif để lãnh đạo các đảng của họ tham gia tổng tuyển cử làm chính trường thêm sôi động. Sau các cuộc thương thảo để chia sẻ quyền lực giữa bà B.Bhutto với ông P.Musharraf và thỏa thuận lập liên minh giữa bà B.Bhutto và ông N.Sharif bất thành, chính trường Pakistan hình thành thế "chân vạc chính trị". Ðảng lớn nhất Pakistan gồm: đảng Nhân dân Pakistan (PPP) của bà B.Bhutto; Liên đoàn Hồi giáo Pakistan (PML-N) của ông N.Sharif và Liên đoàn Hồi giáo Pakistan-Q (PML-Q) của ông P.Musharraf đã lâm vào cuộc đấu "tay ba".

PPP của bà B.Bhutto theo đường lối trung-tả. Ðảng này do ông D.A.Bhutto thành lập, ông từng là Tổng thống Pakistan từ năm 1971 đến 1973 và Thủ tướng từ năm 1973 đến 1977. Bà B.Bhutto 54 tuổi, con gái của ông D.A.Bhutto, từng hai lần làm Thủ tướng Pakistan, từ ngày 18-7-1993 đến 5-11-1996 và từ ngày 2-12-1988 đến 6-8-1990. Trong cuộc tuyển cử năm 2002, PPP có 81 ghế tại Hạ viện 342 ghế (trong đó có 272 ghế được bầu qua tuyển cử, 60 ghế dành cho phụ nữ và mười ghế dành cho những người không theo đạo Hồi), 11 ghế Thượng viện (100 ghế). Ðối thủ chính trị của PPP và bà B.Bhutto thời kỳ cầm quyền là PML-N và ông N.Sharif.

Thủ lĩnh PML-N, ông N.Sharif 58 tuổi, con một nhà tư bản công nghiệp ở bang Pun-giáp (Ấn Ðộ) di cư sang Pakistan. Ông N.Sharif từng hai lần làm Thủ tướng Pakistan: Từ ngày 1-11-1990 đến 18-7-1993 và từ ngày 17-2-1997 đến 12-10-1999. Ông N.Sharif đã cho tiến hành các vụ thử vũ khí hạt nhân năm 1988, đưa Pakistan trở thành nhóm nước có vũ khí hạt nhân và là Nhà nước Hồi giáo đầu tiên có loại vũ khí này. Năm 1999, ông N.Sharif bị Tướng P.Musharraf làm đảo chính lật đổ và bị lưu đày ra nước ngoài. PML-N có 19 ghế Hạ viện, bốn ghế Thượng viện.

PML-Q do đương kim Tổng thống P.Musharraf 64 tuổi, thành lập năm 2001. Một bộ phận cấp tiến đã ly khai PML-N gia nhập PML-Q. Trong cuộc tuyển cử bầu nghị viện năm 2002, PML-Q giành được 126 ghế Hạ viện và 40 ghế Thượng viện. Ông S.Hu-xây-in từng là cựu Thủ tướng hiện đang giữ chức Chủ tịch PML-Q. Diễn biến trên chính trường Pakistan sẽ luôn phụ thuộc vào mức độ thỏa hiệp hay đối đầu giữa ba thủ lĩnh và ba thế lực chính trị, ngoài ra còn chịu tác động của sức ép đáng kể về chính trị, quân sự và kinh tế từ bên ngoài của một số nước. Ðặc biệt vai trò làm trọng tài của quân đội trong hệ thống quyền lực nước này.

Do lịch sử hình thành và phát triển của Pakistan trong 60 năm qua, đất nước này luôn đặt mình trong tình trạng chiến tranh, nên vị trí của quân đội được đưa lên hàng đầu. Hồi quốc xuất hiện trên bản đồ thế giới năm 1947, sau cuộc phân chia Ấn Ðộ theo mầu sắc tôn giáo, gồm  hai vùng đất Ðông Hồi quốc và Tây Hồi quốc. Cùng năm đã nổ ra cuộc chiến tranh thứ nhất với Ấn Ðộ tranh chấp Kashmir. Hai nước trở thành thù địch. Năm 1965, nổ ra cuộc chiến tranh thứ hai với Ấn Ðộ.

Năm 1971, cùng lúc nổ ra cuộc chiến tranh giữa Ðông và Tây Hồi quốc (thành Pakistan và Bangladesh ngày nay) xảy ra cuộc chiến tranh lần thứ ba với Ấn Ðộ. Cuộc chiến Kargil năm 1999 tại vùng Kashmir do Ấn Ðộ kiểm soát và căng thẳng giữa hai nước năm 2001, đã đẩy hai bên cận kề cuộc chiến tranh lần thứ tư. Giữa Pakistan và Ấn Ðộ thường xuyên nổ ra các trận đọ súng trên ranh giới Kashmir và dọc biên giới hai nước.

Can thiệp vào cuộc chiến tranh ở Afghanistan từ năm 1979 đến năm 2001 đã đưa vị thế quân đội Pakistan vượt khỏi khuôn khổ khu vực, buộc các cường quốc phải cân nhắc khi hoạch định chính sách đối với khu vực này, nhất là lúc quân đội nước này có trong tay vũ khí hạt nhân.

Thời kỳ này, quân đội Pakistan nhận được nhiều tỷ USD của những nguồn bí mật từ nước ngoài và từng là bà đỡ cho nhiều thế hệ Mujahideen ở Afghanistan, trong đó có Taliban chống lại các chính quyền ở Kabul. Từ năm 2001 đến nay, quân đội Pakistan trực tiếp tham gia cuộc chiến tranh chống khủng bố của Mỹ, mỗi năm nhận được một tỷ USD viện trợ để tiến hành các chiến dịch quân sự, tiến công Al Qaeda và Taliban trên vùng biên giới Pakistan - Afghanistan và Waziristan (vùng tây - bắc nước này). Quân đội Pakistan đông và được đánh giá là mạnh của khu vực.

Ngoài lực lượng dân quân bán vũ trang, quân đội gồm khoảng 800 nghìn người chia thành lục quân, không quân, hải quân và lực lượng chiến lược. Hằng năm, quân đội nhận được hơn 4% ngân sách quốc gia. Quân đội từng nhiều lần làm trọng tài ưu ái hay xử ép các đảng phái, chính khách. Các đảng phái cũng thường xuyên lợi dụng thế mạnh của quân đội, làm chỗ dựa, gây sức ép đối với các đối thủ.

Không ít lần vị thế của quân đội được lợi dụng để hạ đối phương xảy ra trong thời gian bà B.Bhutto và ông N.Sharif cầm quyền. Quân đội nhiều lần chấp chính. Vụ tháng 7-1977, tướng Dia Un Hác làm đảo chính đẫm máu, hành quyết ông D.A.Bhutto, lập chế độ độc tài quân sự. Tháng 8-1988, tướng Zia-ul-Haq chết trong vụ tai nạn máy bay, chế độ dân sự mới được tái lập. Cuộc đảo chính quân sự gần đây nổ ra ngày 12-10-1999, hậu quả của nó còn có thể kéo dài trong nhiều năm tới.


Nhân dân

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Philippines: Phá tan một cuộc đảo chính
Ngày 29/11, hàng chục binh sĩ từng bị xét xử tội danh đảo chính năm 2003 đã tới khách sạn sang trọng Peninsula ở trung tâm tài chính thủ đô Manila đóng quân và gửi thư yêu cầu Tổng thống Gloria Arroyo từ chức.
30/11/2007
"Các lệnh cấm vận vũ khí nhìn chung không có hiệu quả"
Theo một kết quả nghiên cứu, lệnh cấm vận vũ khí do Hội đồng Bảo an LHQ áp đặt chỉ phát huy tác dụng trong 25% các trường hợp đã áp đặt.
28/11/2007
Số vụ thiên tai tăng gấp bốn lần trong hai thập kỷ qua
Theo một nghiên cứu do tổ chức Oxfam (Anh) công bố ngày 25-11, trong vòng hai thập kỷ qua, số vụ thiên tai trên thế giới đã tăng bốn lần.
27/11/2007
Tòa án Tối cao Nga xác nhận tính hợp pháp của Tổng thống V.Putin tham gia cuộc bầu cử Duma quốc gia
Tòa phúc thẩm Tòa án Tối cao Nga đã xác nhận tính hợp pháp của việc Tổng thống Nga V.Putin tham gia cuộc bầu cử Duma quốc gia (Hạ viện) Nga vào ngày 2-12 tới.
26/11/2007