Tình hình Pakistan tiếp tục lộn xộn
Ðúng như nhiều nhà phân tích nhận định, sự kiện cựu Thủ tướng Pakistan Benazhir Bhutto bị giết trong khi vận động tranh cử đã gây ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở Pakistan và tác động mạnh tình hình khu vực và một số nước phương Tây.
Ðảng Nhân dân (PPP) của bà Bhutto chưa khẳng định có tiếp tục tham gia tranh cử hay không, trong khi đó đảng PML đối lập lớn của cựu Thủ tướng N. Sharif tuyên bố tẩy chay bầu cử ngày 8-1 tới.
Dư luận trong nước và quốc tế đòi hỏi chính quyền Pakistan phải điều tra rõ và trừng trị những kẻ chủ mưu vụ ám sát. Tối 28-12, Người phát ngôn Bộ Nội vụ Pakistan, tướng Javed Cheema đã công bố những kết quả điều tra sơ bộ, khẳng định có xảy ra đánh bom tự sát nhằm vào bà Bhutto, nhưng vết thương làm bà chết là do đập đầu vào thành cửa trên nóc xe trong khi cố gắng cúi xuống để tránh đạn.
Tướng Cheema nêu rõ, cơ quan tình báo Pakistan đã ghi âm được cuộc nói chuyện điện thoại của thủ lĩnhcủa nhóm Al Qaeda ở Pakistan là Baitullah Mehsud gọi chúc mừng phần tử tiến hành "vụ ám sát thành công" nhằm vào bà Bhutto. Tuy nhiên, đảng PPP không chấp nhận tuyên bố nêu trên của Bộ Nội vụ và tố cáo chính quyền đã tìm cách bào chữa cho việc đã không bảo vệ được bà Bhutto.
Luật sư riêng của bà Bhutto, ông Farook Naik đã thẳng thừng bác bỏ kết luận của Bộ Nội vụ Pakistan, coi đây là "luận điệu dối trá" và hoàn toàn không có cơ sở.
Hãng Reuters cho rằng, chính sức ép của vụ nổ đã làm bà Bhutto đập đầu vào thành cửa nóc xe.
Ngày 29-12, từ Pesawa, Người phát ngôn của B. Mehsud ra tuyên bố bác bỏ cáo buộc Al Qaeda ám sát bà Bhutto và nêu rõ "tập quán của bộ tộc chúng tôi là không tiến công phụ nữ".
Trước những thông tin trái ngược đó, Người phát ngôn Chính phủ Mỹ cho biết, tình báo Mỹ đang điều tra xem liệu Al Qaeda có nhúng tay vào vụ ám sát bà Bhutto hay không. Có nguồn tin tình báo Mỹ cho rằng, không loại trừ khả năng một số thế lực trong quân đội và tình báo Pakistan nhúng tay vào vụ ám sát này, vì sợ sẽ bị mất quyền lợi nếu bà Bhutto trở thành Thủ tướng Pakistan.
Dư luận phương Tây cho rằng, tình hình rối ren ở Pakistan báo hiệu việc tái xác lập nền dân chủ ở Pakistan sẽ khó diễn ra. Nếu tình hình Pakistan rối loạn hơn nữa sẽ tác động tiêu cực và khó lường đối với tất cả các nước láng giềng cũng như với châu Âu và Mỹ.
Chính quyền Washington đã chọn Pakistan làm đối tác chiến lược và cung cấp viện trợ cho cuộc chiến chống khủng bố. Một nhà phân tích thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS - Mỹ) cho rằng, hiện chính quyền Mỹ vẫn chưa tìm được đối tác nào ở Pakistan có khả năng khôi phục ổn định chính trị để Pakistan tổ chức bầu cử lập pháp, khôi phục luật pháp và xóa bỏ mâu thuẫn đang tăng lên giữa Tổng thống Musharraf và dân chúng.
Tổng thống Mỹ G. W. Bush ngày 28-12 đã triệu tập phiên họp với các cố vấn An ninh quốc gia để thảo luận tình hình Pakistan. Bộ Ngoại giao Mỹ đã trao đổi ý kiến với các đại diện chính quyền các nước Anh, Canada, Pháp và Nga về tình hình Pakistan. Vụ này trở thành đề tài thời sự trong các cuộc vận động tranh cử của các ứng cử viên Tổng thống Mỹ.
Ý kiến bạn đọc