Những sự kiện giáo dục nổi bật năm 2007
Những thay đổi của ngành giáo dục luôn làm xã hội quan tâm, vì giáo dục có tầm ảnh hưởng đến nhiều gia đình, nhiều thành phần trong xã hội. Năm 2007 cũng là năm có nhiều biến động trong ngành giáo dục, khiến báo chí tốn không ít giấy mực. Chúng tôi xin điểm lại những sự kiện giáo dục được dư luận quan tâm trong năm.
1. Đề án tăng học phí
Theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, dự kiến trong tháng 12 này, Bộ GD-ĐT sẽ trình đề án học phí. Đề án học phí của Bộ GD-ĐT đã đề cập từ mấy năm qua nhưng do chưa có sự chuẩn bị đầy đủ cả về luận cứ lẫn lộ trình, nên vấp phải sự phản đối gay gắt của xã hội.
Lý do chưa công bố đề án học phí vì liên quan đến lương giáo viên. Tới đây, người học chỉ phải đóng 1 lần, không đóng nhiều khoản như hiện nay. Ảnh: VietNamNet. |
Dự thảo Đề án học phí năm nay tiếp tục giữ quan điểm tăng mức học phí cao hơn ở mọi cấp học. Tuy vậy, nhiều ý kiến vẫn nghi ngại, việc tăng học phí không giải quyết được bài toán tăng chất lượng giáo dục.
Kế hoạch bỏ kỳ thi đại học, nâng kỳ thi tốt nghiệp THPT thành kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia dự định sẽ triển khai từ năm 2008, nhưng cuối cùng được hoãn lại để chuyển sang năm 2009. Kỳ thi này dự kiến sẽ thi 5 môn, trong đó có 3 môn cố định là Toán, Văn, Ngoại ngữ và 2 môn tự chọn.
41% ý kiến phản đối chủ trương bỏ thi ĐH. Ảnh: VietNamNet. |
Theo thăm dò của Bộ GD-ĐT, có tới 41% trong tổng số 20.000 ý kiến gửi đến Bộ phản đối chủ trương này. 40% đồng ý nhưng đề nghị lùi thời gian thực hiện để có thể tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc hơn.
Nhiều ý kiến cho rằng, kết quả của báo cáo phân tích kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH cho thấy độ vênh giữa hai kỳ thi này khá lớn, do đó việc sáp nhập là thiếu khả thi.
3. SV nghèo được vay tiền ăn học
Tháng 10, SV nghèo cả nước đón nhận tin vui khi được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội. Số tiền được vay lớn nhất từ trước tới nay: 800 ngàn đồng/1 tháng. Mức lãi suất thấp nhất: 0,5%/tháng.
SV nghèo sẽ được hỗ trợ vay vốn. |
Mới đây, ngày 19/12, Văn phòng chính phủ đã có văn bản thông báo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân về việc yêu cầu Bộ GD-ĐT nghiên cứu phương án ghi rõ diện học sinh, sinh viên được vay để học trên các văn bản cần thiết (bằng tốt nghiệp, sổ lao động...), để sau khi ra trường, các đơn vị tiếp nhận học sinh, sinh viên về làm việc có cơ sở đôn đốc họ có trách nhiệm cùng gia đình thực hiện nghĩa vụ trả nợ đối với ngân hàng chính sách.
Mặc dù đây mới chỉ là phương án, chưa được hướng dẫn thực hiện, song dư luận đã bắt đầu tỏ ý băn khoăn vì cho rằng không nên "ghi nợ" lên tấm bằng tốt nghiệp - một loại giấy tờ quan trọng và có ý nghĩa với sinh viên khi ra trường
4. Bạo hành trong trường học
Liên tiếp những tháng cuối năm, hàng loạt vụ bạo hành trong trường học đã diễn ra công khai, gây bức xúc trong dư luận. Điển hình là vụ bé Đỗ Ngọc Bảo Trân, 18 tháng tuổi, đã bị chết lâm sàng do cô bảo mẫu Lê Thị Lê Vy lấy băng dính dán vào miệng để bé nín khóc.
Chiều 1/12, bé Trân vẫn trong tình trạng nguy hiểm. Ảnh: VnExpress |
Dư luận cũng không thể bỏ qua những trường hợp cô giáo tát sưng má học trò, thầy giáo đánh tím mông học sinh. Nhiều diễn đàn đã được mở ra để lấy ý kiến của các vị phụ huynh, thầy cô giáo và các nhà quản lý giáo dục.
Ngày 11/12, VTC News cũng đã tổ chức Buổi đối thoại trực tuyến về ngăn chặn nạn bạo hành đối với trẻ tại các trường mầm non, với sự tham gia của Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non Bộ GD-ĐT Ngô Thị Hợp; Hiệu trưởng Trường mầm non tư thục Minh Hải - Bà Trần Thị Minh Hải; PGS. TS tâm lý học Trường ĐH Sư phạm Hà Nội Nguyễn Ánh Tuyết. Buổi đối thoại đã thu hút hàng nghìn độc giả tham dự và theo dõi.
5. Cuộc vận động hai không
Cuộc vận động nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục bắt đầu triển khai từ năm học 2006-2007. Sang năm học 2007-2008, ngành giáo dục lại tiếp tục mở thêm hai không nữa: Không vi phạm đạo đức nhà giáo và không ngồi nhầm lớp.
Dư luận đang trông chờ ngành giáo dục sẽ có nhiều đột phá |
Hưởng ứng cuộc phát động "hai không" này, nhiều sở GD-ĐT đã đưa ra sáng kiến thành lập "Hộp thư nóng", phát huy vai trò là kênh phản biện giáo dục của ban đại diện cha mẹ học sinh...
Theo Phó thủ tướng, Bộ trường GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân, để thực hiện 2 nội dung mới, ngành giáo dục sẽ phải chấp nhận đưa hàng vạn giáo viên yếu kém ra khỏi ngành.
Ý kiến bạn đọc