Học phí không được quá sức dân

09:03, 21/12/2007

Thời gian qua, học phí mới luôn là vấn đề nóng tại tất cả các hội nghị của Bộ GD-ĐT. Trong hội nghị sơ kết triển khai thực hiện việc đẩy mạnh xã hội hóa GD-ĐT, tổ chức ngày 19/12 tại Hà Nội, học phí cũng là vấn đề tiếp tục được nhấn mạnh.


Có thể dùng “học phí ngược”

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, năm 2006, Nhà nước chi cho GD-ĐT gần 55.000 tỉ đồng, chiếm 19% tổng chi ngân sách; năm 2007 gần 67.000 tỉ đồng, chiếm 20%. Năm 2008, con số này dự kiến sẽ là 72.520 tỉ đồng.

Trường THPT Tư thục Trương Vĩnh Ký TPHCM, mô hình xã hội giáo dục thành công của TP HCM.

Theo ông Luận, bên cạnh việc miễn học phí ở bậc tiểu học, mức đóng góp của người dân và chi phí học tập ở các trường THCS, THPT năm 2006 vào khoảng 1.900 tỉ đồng, trong tổng chi phí gần 19.000 tỉ đồng.

Điều này có nghĩa ở bậc phổ thông, xét về tổng thể, học phí không bao giờ có thể bù đắp chi phí thường xuyên. Đối với các cơ sở đào tạo nghề từ sơ cấp đến ĐH, tổng thu học phí năm 2006 là gần 3.000 tỉ đồng, trong khi tổng chi phí hơn 11.000 tỉ đồng. Do vậy, nếu học phí tăng gấp 2 lần như hiện nay, cũng chỉ chiếm 42% chi phí đào tạo.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, xã hội hóa là cả Nhà nước và nhân dân cùng làm. Nhà nước không giảm đầu tư, còn người dân tham gia theo khả năng của mình. Với đề án học phí mới, học phí bậc phổ thông phải phù hợp với khả năng đóng góp của người dân, không được quá sức dân.

Phó Thủ tướng cũng nêu ra một khả năng: Ở những nơi khó khăn có thể sẽ áp dụng “học phí ngược”, tức là không những miễn học phí mà còn phải hỗ trợ thêm cho học sinh (HS) tiền mua sắm sách vở, quần áo. Ước tính có khoảng 10% HS phổ thông thuộc diện này, tức trên 1,3 triệu em. Nếu hỗ trợ 25.000 đồng/tháng/HS, sẽ cần có 300 tỉ đồng, Nhà nước hoàn toàn có khả năng giải quyết.

Học phí của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiến tới bảo đảm được chi phí vận hành. Sẽ có 2 công thức được đặt ra: nếu HS không đủ khả năng chi trả sẽ được hỗ trợ thông qua các chính sách học bổng, tín dụng đào tạo; HS tự đóng học phí nếu có điều kiện.

Nộp thuế như doanh nghiệp

Thứ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, thống kê năm học 2006-2007, cả nước có 64 trường TCCN ngoài công lập, chiếm 23,8% tổng số cơ sở giáo dục TCCN cả nước. Số trường ĐH, CĐ ngoài công lập là 47, chiếm 14,6% tổng số trường ĐH, CĐ cả nước. Số HS trung cấp ngoài công lập chiếm 18,22%; bậc ĐH, CĐ là 12,8%.

Theo ông Luận, đến nay phần lớn các trường ĐH, CĐ công lập đã tự chủ được 40% kinh phí hoạt động thường xuyên thông qua nguồn thu chủ yếu là học phí. Những trường khối kinh tế, xã hội, ngoại ngữ, pháp luật, tỉ lệ tự chủ từ 50% - 60%, đặc biệt có trường 95% (Viện ĐH Mở Hà Nội và Trường ĐH Mở TPHCM).

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương cho rằng xã hội hóa GD-ĐT chỉ là việc riêng của ngành này. Nhiều chế độ, chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển các loại hình ngoài công lập không được triển khai tích cực tại địa phương.

Ông Luận ví dụ: Bộ Tài chính đã ban hành quy định các trường ngoài công lập được hưởng thuế suất thu nhập doanh nghiệp (DN) 10% trong suốt thời gian hoạt động và hàng loạt ưu đãi khác về giao đất, thuế, vay vốn... cho các trường thành lập mới theo các dự án đầu tư.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều trường đang phải nộp thuế suất thu nhập DN cho các cơ quan thuế địa phương theo thuế suất 28% như DN bình thường; các chính sách ưu đãi khác hầu như không có.

Ông Nguyễn Xuân Vang, Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội, đề nghị phải có một chính sách thuế cho GD-ĐT. Không nên áp dụng thuế thu nhập DN với các cơ sở công lập, vì các cơ sở này không phải DN. Thuế thu nhập DN hiện áp dụng cho các cơ sở ngoài công lập là 10%, nhưng với các trường thực hiện tự chủ tài chính lại chịu mức 25%. 

Chính phủ sẽ hỗ trợ đất và thuế

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cam kết Chính phủ sẽ hỗ trợ đất và thuế để phát triển xã hội hóa GD-ĐT. Theo Phó Thủ tướng, cần phải nhận thức rõ hơn việc DN mở trường đào tạo là khả năng thực tế và cần phải mở rộng, khuyến khích, trước hết ở những nơi có mật độ dân số cao.

Trách nhiệm của Nhà nước là hình thành nguồn nhân lực phục vụ xã hội hóa (đào tạo giáo viên), nâng cao trình độ cán bộ quản lý. Cán bộ lãnh đạo của các trường hiện nay chủ yếu là những người có chuyên môn giỏi chứ không phải nhà quản lý giỏi. Vì thế, Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành đào tạo hiệu trưởng các trường phổ thông và ĐH bằng cách đưa đi học ở nước ngoài, không phân biệt công lập hay tư thục.


VTC.VN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

QH Mỹ thông qua ngân sách năm 2008
QH Mỹ đã thông qua dự luật chi tiêu ngân sách năm 2008, trong đó bao gồm 70 tỷ USD bổ sung cho hai cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan mà không kèm theo điều kiện nào về thời hạn rút quân.
21/12/2007
Ông Lee Myung-bak đắc cử tổng thống Hàn Quốc
Ủy ban Bầu cử Quốc gia Hàn Quốc (NEC) thông báo, ông Lee Myung-bak, ứng cử viên của đảng Đại Dân tộc đối lập đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống hôm qua.
20/12/2007
Mỹ chi thêm 70 tỷ USD cho cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan
Thượng nghị viện Mỹ hôm qua đã thông qua dự luật chi tiêu ngân sách, theo đó đồng ý bổ sung thêm 70 tỷ USD cho hai cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan trong năm tài chính 2008.
20/12/2007
Xã hội hoá giáo dục: Phải hiểu và làm cho đúng
Hôm nay (19.12), hội nghị sơ kết việc đẩy mạnh xã hội hoá trong lĩnh vực giáo dục diễn ra tại Hà Nội với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ.
19/12/2007