Giáo dục năm 2007:
Năm của những “lần đầu tiên”
Cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” đơm hoa kết trái lứa đầu tiên, chỉ tiêu cho các trường ĐH lần đầu tiên được trao cho các trường ĐH, cơ cấu tài chính giáo dục cũng lần đầu tiên được công bố...
Năm 2007 có thể coi là một năm thành công của ngành giáo dục. |
Tỷ lệ tốt nghiệp THPT sụt giảm mạnh
Lần đầu tiên trong hàng thập kỷ qua, tỷ lệ thi tốt nghiệp THPT tụt xuống chỉ còn 67,5%. Đối với hệ bổ túc THPT, tỉ lệ tốt nghiệp chỉ đạt 26,6%.
Những tỉnh miền núi như Tuyên Quang, Bắc Cạn, Sơn La, Yên Bái, Cao Bằng, tỷ lệ tốt nghiệp sụt đến ngưỡng phải bàng hoàng khi các con số đỗ tốt nghiệp chỉ là chưa đầy 30%. Tại những tỉnh có “truyền thống” đạt tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trên 90% thì năm nay tỷ lệ đó chỉ còn ở mức phân nửa như Hà Tây đạt tỷ lệ 57,1%, Nghệ An đạt 44,57%…
Kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên của cuộc vận động “Hai không” cho thấy quyết tâm lập lại trật tự, nghiêm túc trong những kỳ thi của ngành giáo dục đã bước đầu tiến đến hiện thực.
Giao chỉ tiêu cho các trường ĐH
Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2007 là kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ đầu tiên Bộ GD-ĐT thực hiện chủ trương giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường tự quyết và Bộ chỉ duyệt lại chứ không giao “trọn gói” như những năm trước.
Việc giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường ĐH còn thực sự như một “luồng gió mới” mát lành tiếp sức mạnh cho các trường ĐH. Một loạt các trường ĐH tư thục dù vừa mới thành lập nhưng cũng đã ngay lập tức được Bộ cho phép chính thức tuyển sinh mà không phải đợi đến kỳ thi tuyển sinh vào tháng 7 năm sau.
Năm 2007, đã có 19 trường ĐH thành lập mới. Trong số 19 trường ĐH thành lập mới có 6 trường ngoài công lập và 13 trường công lập. So với năm 2006, số trường thành lập mới tăng gấp hơn 2 lần (năm 2006 chỉ có 9 thêm trường ĐH).
Cùng với giao quyền tự chủ về tuyển sinh cho hệ thống hơn 200 trường ĐH, CĐ thì cũng có 14 trường ĐH trọng điểm được giao quyền tự chủ gần như hoàn toàn trong mọi hoạt động của trường.
Vấn đề tự chủ ĐH tuy còn chập chững ở những bước đi đầu tiên nhưng cũng có thể được xem là bước ngoặt đáng nhớ trong lịch sử phát triển của hệ thống ĐH, CĐ.
Công khai cơ cấu tài chính giáo dục Việt Nam
Cơ cấu tài chính giáo dục Việt
Bảng tổng hợp số liệu này thống kê toàn bộ số liệu đầu tư và cơ cấu tài chính từ năm 2000 đến năm 2006 và được Vụ Tài chính (Bộ GD- ĐT) thực hiện, Bộ trưởng Bộ GD- ĐT “nghiệm thu” và kiểm tra đến từng con số.
Việc công bố bản báo cáo về cơ cấu tài chính này của Bộ GD-ĐT, cùng với rất nhiều ý kiến phân tích của nhiều giới cho thấy việc minh bạch hóa thông tin từ phía cơ quan quản lý, đáp ứng quyền được biết thông tin của người dân, là cần thiết.
Chương trình sinh viên vay vốn
Đúng vào dịp khai giảng năm 2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 21 về thực hiện chế độ cho vay ưu đãi để học đại học, cao đẳng và dạy nghề. Chỉ thị nêu rõ: Không được để các sinh viên phải bỏ học vì lý do không có khả năng đóng học phí và trang trải các nhu cầu sinh hoạt tối thiểu (ăn, ở, đi lại, tài liệu học tập)
Chỉ sau 2 tháng thực hiện, đã có hơn 500 nghìn học sinh, sinh viên được vay với số tiền lên đến 2.188 tỷ đồng.
Cho dù còn những điểm chưa hoàn thiện, chương trình đã thực sự có ýnghĩa rất lớn và dài hạn khi bước đầu nhằm đến đúng vấn đề cơ bản nhất là khả năng tiếp cận nguồn vốn để học tập của người đi học, thay cho các khoản trợ cấp thường bó hẹp và không đủ giải quyết nhu cầu của người đi học do giới hạn về nguồn kinh phí.
Chủ trương tăng học phí
Chủ trương tăng học phí ở các cấp học của Bộ GD-ĐT được đưa ra đã gây xôn xao dư luận, với rất nhiều luồng ý kiến và sự phản biện từ nhiều góc nhìn khác nhau từ người dân cũng như các học giả và những người làm trong ngành giáo dục.
Tuy nhiên, lịch công bố đề án học phí đã liên tiếp bị lùi sang tháng 10 và rồi đến tháng 12. Vì vậy, hiện dư luận chỉ biết sang năm học 2008, học phí sẽ tăng nhưng tăng thế nào thì vẫn còn chưa rõ.
Điều này phần nào cho thấy sự chưa chuyên nghiệp và thiếu mạnh mẽ từ phía cơ quan ra chính sách khi không có sự chuẩn bị và những phản hồi đủ mạnh trước những phản biện từ xã hội. Có lẽ đây là lý do cơbản giải thích sau 4 năm liên tục, Đề án học phí mới “rập rình” trình làng nhưng chưa lần nào thành công.
Nạn bạo hành học sinh trở nên đáng báo động
Bắt đầu năm học mới 2007, ngành giáo dục phát động thêm cuộc vận động “Nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo” nhằm chấn chỉnh lại tình trạng bạo hành đối với học trò đã diễn ra khá ồ ạt vào năm học trước.
Tuy nhiên, tình trạng bạo hành năm học này vẫn chưa được cải thiện. Đặc biệt, trong 2 tháng gần cuối năm 2007, 18 vụ bạo hành học sinh đã liên tiếp diễn ra tại 10 tỉnh, thành trong cả nước. Có những việc gây ra hậu quả nghiêm trọng như vụ việc tại Trường mầm non Thiên Thơ (TPHCM), cháu bé 18 tháng Đỗ Ngọc Bảo Trân đã qua đời vì bị cô bảo mẫu dán băng dính vào miệng...
Mặc dù hiện nay đang tồn tại tối thiểu 7 văn bản liên quan đến các quy định về đạo đức nhà giáo cũng như biện pháp xử lý vi phạm nhưng có vẻ như ngành giáo dục luôn trong tình trạng thụ động với tiêu cực. Chuẩn nghề nghiệp của giáo viên vẫn chưa được hoàn thành. Theo dự tính, phải đến năm 2008 mới có chuẩn nghề nghiệp của giáo viên THCS, chuẩn nghề nghiệp giáo viên THPT và năm 2009 là chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non.
Ý kiến bạn đọc