Bạo hành học đường do tuyển giáo viên chưa chặt
Tại buổi họp báo định kỳ do Bộ GD-ĐT tổ chức chiều 17/12, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo (Bộ GD-ĐT) Trương Đình Mậu thừa nhận: Gần đây, tình hình bạo hành học đường xảy ra ngày càng phổ biến; không chỉ riêng mầm non (MN) mà cả ở phổ thông. Bộ cũng đã có những "động thái" chỉ đạo chấn chỉnh và có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Vợ chồng chị Thuỳ đang chăm con - cháu bé bị cô bảo mẫu dán băng keo vào miệng - trong bệnh viện. |
Xảy ra nhiều là bạo hành do giáo viên. Cụ thể đã diễn ra ở các tỉnh, thành: Hà Nội (5 vụ), TP.HCM, Nghệ An, Vĩnh Phúc, Đồng Tháp, Trà Vinh, KonTum, Thanh Hóa, Đắk Lắk... Tuy nhiên, cũng đã có giáo viên bị phụ huynh phản ứng bằng cách chặn đường tông xe vào người.
Từ phân tích của các chuyên gia, nhà giáo, phụ huynh lên tiếng về nạn bạo hành học đường cũng có nhìn nhận, một phần các vụ bạo hành xuất phát từ sự thiếu chăm nom từ gia đình đã "khoán trắng" cho nhà trường nhưng cũng không phủ nhận vai trò của nhà trường và giáo viên trong giáo dục đào tạo...
Qua đó phải xem xét lại cách quản lý, cách thức đào tạo giáo viên của các trường sư phạm và xem lại cách chọn lựa đội ngũ làm nhà giáo.
- Để xảy ra những vụ bạo hành phi giáo dục như dán miệng HS... nguyên nhân do đâu thưa ông?
Tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: vai trò của gia đình, cách thức đào tạo và tuyển dụng nhà giáo những năm trước đây có vấn đề, quá tải ở các lớp học… Mặt khác, cho đến nay, ngành giáo dục vẫn chưa có hệ thống tư vấn tâm lý cho học sinh trong nhà trường. Đối với những trẻ chưa ngoan nhưng chưa đến mức độ gửi vào trường giáo dưỡng, nhà trường chưa có biện pháp tổ chức, giáo dục, bồi dưỡng với những đối tượng này.
Trước tình hình đó, Bộ đã yêu cầu các sở GD-ĐT địa phương xử lý kịp thời với những vụ việc đã xảy ra. Đồng thời tổ chức thanh tra các cơ sở giáo dục ngoài công lập, rà soát số giáo viên ngoài biên chế và kiên quyết chấm dứt hợp đồng với những giáo viên không đạt tiêu chuẩn.
Đối với bậc học MN, chỉ cơ sở đáp ứng được yêu cầu chăm sóc và đảm bảo an toàn cho trẻ mới được cấp phép và hoạt động; nơi nào chưa đảm bảo các điều kiện an toàn đề nghị không cấp phép hoặc thu hồi giấy phép. Khi bổ sung đầy đủ yêu cầu đảm bảo an toàn cho trẻ mới cho phép hoạt động tiếp.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận tốc độ di dân vào các TP lớn đã thực sự gây quá tải từ nhu cầu sinh hoạt đến gửi con. Chính thực tế đó khiến các dịch vụ giữ trẻ tư nhân phình ra mà địa phương không kiểm soát được. Mặt khác để xảy ra tình trạng bạo hành là do khâu tuyển chọn giáo viên của một số cơ sở chưa chặt chẽ.
- Ngoài chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đạo đức nhà giáo, vai trò giám sát của Bộ GD-ĐT trong thực hiện từ cơ sở đối với những vụ gây bất bình lớn trong dư luận như thế nào?
Việc xử lý những trường hợp cụ thể được phân cấp cho địa phương. Đối với những trường hợp bạo hành học đường đã nêu ở trên thì tất cả giáo viên đều đã bị đình chỉ công tác.
Cũng đã có cơ sở bị đình chỉ hoạt động. Các vụ còn lại đang trong quá trình điều tra làm rõ. Tinh thần là sẽ xử lý nghiêm những cơ sở không phép.
Hiện, chuẩn giáo viên tiểu học đã ban hành. Chuẩn nhà giáo và chuẩn nghề nghiệp của giáo viên THCS và THPT sẽ ban hành vào năm 2008 để "chấm điểm" giáo viên trong nhà trường. Đối với cán bộ quản lý, cũng sẽ có chuẩn để quy chiếu.
- Cũng không ít ý kiến cho rằng, từ một số trường hợp học sinh cá biệt chế độ đãi ngộ cho giáo viên hiện chưa thỏa đáng cũng đem đến những bức xúc trút lên... đầu học sinh. Ý kiến của Bộ GD-ĐT về vấn đề này như thế nào?
Qua thu thập ý kiến, cũng có luồng cho rằng, bạo hành bắt nguồn từ áp lực công việc: chỉ tiêu giờ lên lớp đều "đội" lên nhưng chế độ đãi ngộ thấp. Về vấn đề này, Bộ trưởng cũng đặt vấn đề có giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, khó khăn lớn của đất nước là vấn đề kinh phí. Quả thực, chế độ đãi ngộ ở các cấp vẫn còn nhiều khó khăn...
- Cảm ơn ông!
Bộ GD-ĐT chỉ đạo: - Đối với những đơn vị để xảy ra bạo hành, GĐ Sở GD-ĐT địa phương phối hợp xử lý, thông báo kết quả xử lý rộng rãi. Có giải pháp không để sai phạm tiếp diễn. - Chấm dứt hợp đồng đối với giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo. - Các cơ sở đào tạo giáo viên tổ chức tập huấn cho giáo viên những điều không được làm. Đưa ra các hành vi vi phạm để phòng ngừa. - Đối với HS có lồng ghép, hướng dẫn cho các em những hành vi không được làm để bảo vệ thầy cô... |
Ý kiến bạn đọc