CFE đứng trước nguy cơ đổ vỡ
Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE) đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Mới đây, Duma Quốc gia Nga (Hạ viện) đã thông qua quyết định của Ðiện Kremli ngừng tham gia CFE ký năm 1990 và được sửa đổi năm 1999.
Nhiều nhà quan sát cho rằng với việc Duma Quốc gia Nga thông qua quyết định nói trên, số phận của CFE - vốn được coi là "hòn đá tảng" của an ninh châu Âu - đang trở nên mong manh, tựa như "trứng để đầu đẳng".
CFE được ký năm 1990 tại Paris (Pháp) nhằm thiết lập sự cân bằng về phòng thủ giữa Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) và khối Hiệp ước Warsaw. Năm 1999, hiệp ước này được sửa đổi để phù hợp môi trường an ninh ở châu Âu sau khi khối Hiệp ước Warsaw giải thể và Liên Xô tan rã. Tuy nhiên, cho đến nay chỉ có Nga, Belarus, Kazakhstan và Ukraine phê chuẩn hiệp ước CFE sửa đổi, Mỹ và các nước thành viên NATO vẫn chưa phê chuẩn với lý do Nga chưa rút hết quân khỏi Gruzia và Moldova.
Theo CFE, các lực lượng vũ trang ở châu lục này sẽ giảm quân số từ 5,7 triệu người xuống còn dưới ba triệu. CFE còn hạn chế số lượng xe tăng, pháo hạng nặng, máy bay chiến đấu và máy bay lên thẳng tiến công được triển khai tại khu vực giữa Ðại Tây Dương và dãy núi Ural của Nga. Theo hiệp ước, Nga đã cắt giảm gần 12 nghìn đơn vị vũ khí, gồm xe tăng, xe bọc thép, đại bác trên 100 mm, máy bay chiến đấu và máy bay lên thẳng vũ trang.
Ngoài ra, Nga cũng đơn phương tiêu hủy gần 20 nghìn đơn vị vũ khí và thiết bị kỹ thuật quân sự ở ngoài khu vực áp dụng hiệp ước. Nhưng hành động "thiện chí" của Nga không được NATO hưởng ứng. NATO đã vi phạm cam kết về việc không mở rộng và không tiếp nhận những nước thành viên mới từ phe xã hội chủ nghĩa trước đây. Kết quả là khối lượng trang thiết bị quân sự của NATO nhiều hơn Nga gần ba lần ở các khu vực áp dụng CFE. Tính đến ngày 1-1-2006, Nga có 4.999 xe tăng, trong khi NATO có 14.693 xe tăng; Nga có 5.930 đại bác, NATO có 16.627.
Trong bối cảnh các nước NATO cố tình trì hoãn việc phê chuẩn CFE sửa đổi, thực hiện chiến lược mở rộng sang phía đông với việc kết nạp thêm một loạt nước vùng Baltic, Nam và Ðông Âu, đồng thời Mỹ ráo riết xúc tiến kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) ở Ðông Âu, phía Nga cho rằng CFE đã lỗi thời và nêu rõ, CFE bị Mỹ và các nước NATO lợi dụng để tìm cách phá vỡ thế cân bằng chiến lược đạt được trong những năm "chiến tranh lạnh" và từng bước xây dựng những hệ thống có thể vô hiệu hóa tiềm lực hạt nhân của Nga. Trong tình hình này, phía Nga nhấn mạnh rằng Moscow buộc phải thực hiện những biện pháp cần thiết để bảo đảm an ninh quốc phòng và không thể tiếp tục thực hiện CFE gây thiệt hại cho lợi ích quốc gia Nga.
Moscow cho biết, quyết định của Nga ngừng thực hiện CFE đã được cân nhắc và được trao đổi với các đối tác của Nga suốt bảy năm qua, trong đó quyết định ngừng tham gia CFE đã được Tổng thống V.Putin trình lên Duma Quốc gia Nga xem xét trong 150 ngày kể từ giữa tháng 7 vừa qua, nhưng Mỹ và NATO đã phớt lờ các đề nghị của Moscow, tiếp tục cố tình trì hoãn việc thông qua CFE sửa đổi và ráo riết thúc đẩy nỗ lực triển khai hệ thống lá chắn tên lửa ở Ðông Âu.
Nói về số phận của CFE, Bộ trưởng Quốc phòng Nga A.Serdiukov nhấn mạnh, việc làm hồi sinh CFE giờ đây nằm trong tay các nước NATO. Ông Serdiukov nêu rõ, CFE có thể vẫn giữ nguyên giá trị nếu các nước NATO phê chuẩn trước thời hạn Nga tuyên bố ngừng thi hành hiệp ước này vào tháng 12 tới.
Việc CFE đứng trước nguy cơ đổ vỡ làm nhiều nước châu Âu lo ngại bởi nguy cơ lục địa này sẽ phải đối mặt sự hồi sinh của bóng ma chiến tranh lạnh. Phản ứng trước việc Duma Quốc gia Nga thông qua quyết định về việc Nga ngừng tham gia CFE, Người phát ngôn NATO James Appathurai tuyên bố, NATO hy vọng CFE tiếp tục có hiệu lực và việc phê chuẩn hiệp định này sẽ được tiến hành. Ông James Appathurai cho biết, các nước thành viên NATO sẽ phê chuẩn CFE sửa đổi trong thời gian sớm nhất, với điều kiện là Nga tiếp tục thực hiện những cam kết của mình.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ McCormack cũng tuyên bố, việc Duma Quốc gia Nga quyết định ngừng tham gia CFE làm Mỹ lo ngại.
Dư luận hy vọng Nga và NATO sẽ đạt được những giải pháp thỏa đáng thông qua đối thoại nhằm làm sống lại Hiệp ước CFE, vốn được coi là "hòn đá tảng" của an ninh châu Âu.
Nhiều nhà quan sát cho rằng mặc dù số phận CFE đang trở nên mong manh, nhưng hiệp ước này vẫn có thể hồi sinh nếu như Moscow và Washington cùng nhất trí giải quyết một loạt vấn đề quốc tế trong một "ván bài lớn", gồm cả vấn đề hạt nhân của Iran và quy chế mới của Kosovo thuộc CH Serbia.
Ý kiến bạn đọc