"Các lệnh cấm vận vũ khí nhìn chung không có hiệu quả"
Theo một kết quả nghiên cứu, lệnh cấm vận vũ khí do Hội đồng Bảo an LHQ áp đặt chỉ phát huy tác dụng trong 25% các trường hợp đã áp đặt.
Báo cáo kết quả nghiên cứu dẫn thí dụ một số cuộc xung đột ở Tây Phi cho thấy, trong nhiều trường hợp, các lệnh cấm vận vũ khí hoàn toàn không ngăn chặn được dòng vũ khí vào một quốc gia. Tuy nhiên, lệnh cấm vận vũ khí đối với Iraq dưới thời Saddam Hussein đã mang lại hiệu quả và làm giảm khả năng chiến đấu của các lực lượng vũ trang Iraq.
Kết quả nghiên cứu cho thấy lệnh cấm vận vũ khí đối với một quốc gia có hiệu quả hơn nếu lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc có mặt tại quốc gia đó.
Từ năm 1990 đến nay, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã áp đặt 27 lệnh cấm vận vũ khí nhằm ngăn chặn việc buôn bán vũ khí với những nước nhất định để chấm dứt xung đột tại những nước này hoặc ngăn không để các quốc gia này trở thành mối đe dọa lớn hơn tới an ninh trong khu vực và quốc tế.
Lệnh cấm vận cũng được áp đặt nhằm gây ảnh hưởng về chính trị để thay chủ trương chính sách của một chính phủ, nhưng hiếm khi đạt được mục đích này.
Ông Siemon Wezeman thuộc Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm cho biết: "Trong tất cả 27 trường hợp áp đặt lệnh cấm vận của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc từ khi kết thúc chiến tranh lạnh đến nay, không một lệnh cấm vận nào đã hoàn toàn ngăn chặn được việc chuyển giao vũ khí tới các nước bị cấm vận. Luôn có những vi phạm, lớn hoặc nhỏ".
Nghiên cứu cho thấy, chỉ trong 25% các trường hợp, các chính phủ đã thay đổi cách ứng xử của họ ngay khi một lệnh cấm vận vũ khí được áp đặt.
Tuy nhiên, nếu một lệnh cấm vận vũ khí được áp đặt đối với một quốc gia và có lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại quốc gia đó, thì tỷ lệ phát huy hiệu quả tăng lên mức 47%.
Ý kiến bạn đọc