Nghịch lý giữa đào tạo và việc làm
Số liệu mới nhất của Bộ Giáo dục và Ðào tạo về tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học: 50% có việc làm, trong đó 30% làm việc đúng ngành nghề đã học. Một nửa số sinh viên ra trường còn lại không có việc làm ổn định, chờ xin việc.
Nguyên nhân đầu tiên là đào tạo không gắn với thị trường lao động. Nền kinh tế đã chuyển sang cơ chế thị trường, trong khi đó hệ thống giáo dục - đào tạo chưa chuyển biến kịp với tình hình mới. Chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với hệ thống giáo dục - đào tạo.
Ðúng như Thứ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Bành Tiến Long đã phát biểu trong một cuộc hội thảo quốc gia vừa qua: Từ trước tới nay, không trường nào trả lời được câu hỏi số sinh viên trường mình đào tạo theo chỉ tiêu được giao, khi ra trường được sử dụng ra sao, còn hay hết; trong khi các ngành nghề mà thị trường lao động đang cần thì lại chưa quan tâm đào tạo. Chỉ tiêu đào tạo hướng dẫn tuyển sinh trong cuốn sách "Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng" thì chung chung, chưa sát với thực tế.
Ðã đến lúc để tránh tình trạng vừa thiếu, vừa thừa nguồn nhân lực qua đào tạo đại học, ngành giáo dục - đào tạo, cơ quan hoạch định chính sách, các bộ có liên quan nhu cầu tuyển dụng, sử dụng lao động và các doanh nghiệp cần ngồi với nhau cùng bàn việc tuyển sinh và sử dụng có hiệu quả số sinh viên tốt nghiệp đại học và cao đẳng.
Ðúng như Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo: "Ngành giáo dục và đào tạo phải chuyển từ đào tạo dựa theo khả năng sẵn có sang đào tạo theo nhu cầu xã hội". Ðây là bước chuyển rất cơ bản và quan trọng của ngành giáo dục - đào tạo trong giai đoạn hiện nay. Chỉ có làm như vậy mới tạo động lực lâu dài, nâng cao hiệu quả giáo dục - đào tạo, có điều kiện huy động mọi nguồn vốn trong xã hội cho giáo dục và đào tạo.
Ý kiến bạn đọc