Kỳ thi THPT quốc gia: Có thể phải thi đến 8 môn

09:33, 12/10/2007

Từ năm 2009, dự kiến Bộ GD&ĐT sẽ áp dụng rộng rãi phương pháp thi trắc nghiệm và lấy kết quả từ một kỳ thi quốc gia để xét tốt nghiệp THPT. Học sinh có thể sẽ phải thi tới 8 môn học.


 
Trong kỳ thi THPT quốc gia dự kiến vào năm 2009, học sinh có thể phải thi tới 8 môn thi tốt nghiệp.
Công việc này đang được tiến hành ra sao. Ông Nguyễn An Ninh – Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Cục Khảo thí) Bộ GD&ĐT cho biết: Ban thư ký đang soạn thảo đề án lần thứ 7 để trình lãnh đao Bộ và chuẩn bị lấy ý kiến rộng rãi.

Có thông tin cho biết học sinh sẽ phải thi tới 8 môn học?

Một phương án đề xuất là hình thức thi như hiện nay không có thay đổi gì;  trong đó có 2 phương án: thi 5 hoặc 6 môn để xét tốt nghiệp. Trong 8 môn như đã nói đó có những ngành (những trường ĐH) sẽ chọn xét tuyển theo điểm một số môn này và một số ngành sẽ chọn xét tuyển theo điểm của một số môn kia.

Vậy học sinh phải học như thế nào?

Học sinh sẽ phải tính toán; nếu thi tối thiểu thì chỉ cần thi 5 (hoặc 6 môn). Nếu thí sinh chọn ngành đào tạo, trường ĐH nào có những môn tuyển chỉ nằm trong số 5-6 môn xét tốt nghiệp thì sẽ không phải học nhiều hơn. Thí sinh nào chọn xét tuyển vào ngành học tuyển những môn học ở ngoài 5-6 môn xét tốt nghiệp thì sẽ phải học thêm các môn khác.

Thí sinh nào có năng lực, muốn được xét tuyển vào vài ba ngành khác nhau thì có thể sẽ phải thi lên tới 8 môn. Cũng có ý kiến cho rằng, về lâu dài, nếu có trường yêu cầu tuyển điểm thi của cả môn Tin học hay môn Giáo dục Công dân kỳ thi sẽ phải mở rộng hơn 8 môn.

Thí sinh sẽ được lợi gì từ cuộc cải cách này?

Được lợi chứ. Nếu học sinh lựa chọn và lồng ghép tốt thì các môn tuyển sinh vào ĐH đã nằm chính trong các môn thi xét tốt nghiệp. Sẽ có một số không nhiều thí sinh, hoặc các thí sinh giỏi chọn những ngành đặc thù để thi thì mới phải thi số môn nhiều hơn môn thi xét tốt nghiệp.

Số môn xét tốt nghiệp đó có ổn định hay thay đổi theo từng năm, thưa ông?

Sẽ có 3 môn cứng là Toán, Văn, Ngoại ngữ. Số môn còn lại  sẽ thay đổi. Cũng có ý kiến cho rằng ngoài 3 môn cứng nên để cho thí sinh tự lựa chọn các môn thi còn lại cho phù hợp với khả năng của từng thí sinh để họ có thể phát huy được thế mạnh của từng cá nhân...

Trong 8 môn thi đó có bao nhiêu môn thi trắc nghiệm? Đã có những thí sinh gọi đến tòa soạn báo Tiền phong hỏi  xem có thi TN những môn còn lại như Văn, Sử, Địa không để còn có kế hoạch học tập.

Về cơ bản thi TN hết nhưng mức độ từng môn có thể khác nhau; chẳng hạn , Lý Hóa Sinh có thể thi TN 100%  như vừa qua  nhưng môn Toán sẽ tính toán một tỷ lệ phần trăm nào đó để thí sinh thi tự luận. Với Văn, Sử, Địa cũng vậy nhưng còn phải thảo luận.

Môn thi tốt nghiệp sẽ được công bố vào thời điểm nào?

Có ý kiến cho rằng nên công bố các môn thi bình thường vào 31/3 hàng năm; có ý kiến cho rằng nên công bố môn thi vào cuối tháng 5 mới công bố để học sinh học đều các môn ; có ý kiến lại cho rằng không phải công bố gì cả bởi thí sinh được tự chọn môn thi.

Một kỳ thi 2 mục đích khác nhau xa như vậy thì khâu ra đề thi rất quan trọng. Hiện nay  Bộ GD&ĐT đã có chiến lược nào để ra đề thi đáp ứng cả 2 yêu cầu chưa?

Hiện nay, chưa chốt lại ý kiến cuối cùng nhưng vì là mục đích nên có ý kiến đề xuất, để có thể có 70% câu hỏi (dễ) trên nền kiến thức xét  tốt nghiệp và 30% là các câu hỏi nâng cao để xét tuyển vào ĐH. Chính vì thế phải thi TN để có thể thỏa mãn được việc một đề thi có  2  yêu cầu chứ đề thi tự luận chỉ có mấy câu hỏi thì khó lòng mà lựa chọn.

Phần nâng cao có thể hiểu là câu hỏi tự luận không?

Không hẳn, có thể  vẫn là câu TN. Vật lý, Hoá học, Sinh  học thì có thể vẫn làm như cũ nhưng Toán, phần nâng cao thì có thể là phần tự giải của thí sinh.

Ông có thể bật mí về ngân hàng đề thi và đội ngũ chuyên gia ra đề, thưa ông?

Hiện đã sẵn sàng. Ngân hàng đề đã có mấy trăm ngàn câu  hỏi TN từ cả nước và cũng có khoảng hơn 2.700 cộng tác viên cả nước có thể tham gia làm đề thi.

Từ nay các thầy phải kiểm tra bằng TN, kể cả bài 15 phút? Có phải chúng ta đang thực hiện một nền giáo dục “bôi đen” như có ý kiến đã nêu?

Chắc chắn là muốn có đề thi có 2 phần để tốt nghiệp và nâng cao  để tuyển sinh thì  thi TN là một trong những giải pháp vì  có nhiều câu hỏi để rải ra toàn bộ chương trình, ra đề thuận lợi  hơn và, thứ hai là, có thể chống gian lận. Thi TN có ưu thế hơn  chứ không phải vì thế mà cả hệ thống GD chỉ có thi TN.

Thi TN có trong kỳ thi quốc gia nên các thầy cô trong nhà trường phải thường xuyên  kiểm tra đánh giá thí sinh bằng tất cả các hình thức, trong đó có thi TN. Bộ đã có chủ trương đổi mới kiểm tra đánh giá bằng tất cả các hình thức. Kiểm tra trong nhà trường từ 15 phút ,1 tiết đến học kỳ... đều phải kết hợp.

Nếu các trường ĐH chưa thỏa mãn yêu cầu tuyển bằng 1 kỳ thi quốc gia này thì có được phép tổ chức thêm 1 kỳ thi nữa để tuyển cho chính xác  hơn không?

Hướng là sẽ dành quyền chủ động cho các trường nhưng phải trong khuôn khổ . Đó là đừng phá vỡ hệ thống, đừng làm cho thí sinh phải mệt mỏi  khi phải chạy từ hết trường này đến trường khác.

Về cơ bản là sẽ tổ chức thi nghiêm túc để kết quả đủ tin cậy để các trường ĐH có thể tin tưởng, đặc biệt những trường ĐH thông thường. Các trường có thể yêu cầu xét tuyển  trên kết quả 3- 4 môn.

Những ngành đặc thù như Sư phạm Văn, chẳng hạn, nếu thấy hình thức thi ở kỳ thi quốc gia chưa đủ chọn lọc thì thay vì gọi 1.000 theo chỉ tiêu sẽ gọi 1.500 hoặc 2.000 để tổ chức thi vấn đáp, chẳng hạn,  hay thi tự luận...

Bộ GD&ĐT sẽ lấy ý kiến rộng rãi bằng cách nào?

Qua các cơ quan thông tin đại chúng và gửi văn bản tới các cơ sở giáo dục.

Xin cảm ơn ông!

Qua diễn đàn “Lấy kết quả thi THPT quốc gia xét tuyển vào ĐH, CĐ và...” của báo Tiền phong, có thể  thấy đa phần ý kiến phản đối thi TN tràn lan và một kỳ thi nhằm 2 mục tiêu. Tại sao Bộ vẫn quyết định tiến hành?

Có một thực tế như thế này: Ở trên diễn đàn gần như là ý kiến của những người tự do không thuộc hệ thống quản lý giáo dục, nhà trường... Trong các hội nghị chính thức do ngành GD&ĐT tổ chức lại khác. Các nhà quản lý GD không phản đối.

Vậy lần này, khi bộ GD&ĐT chính thức tung đề án ra và nhận được nhiều ý kiến không đồng tình thì ngành có tiếp tục triển khai 2 chủ trương này không?

Lâu nay cũng đã có tiền lệ rồi. Ví dụ 2005 Bộ GD&ĐT định tiến hành thi  TN nhưng đã  không nhận được sự đồng thuận của xã hội nên phải lui lại đến 2006 mới thực hiện. Nhìn chung ngành vẫn phải lắng nghe dư luận và có điều chỉnh nếu cần thiết. Chẳng hạn, môn Toán lúc đầu định thi TN 100% nhưng nay đã có kế hoạch điều chỉnh như đã nói ở trên. Chúng tôi rất hoan nghênh diễn đàn của báo Tiền phong vì nhiều ý kiến rất hữu ích.


Tiền Phong

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thổ Nhĩ Kỳ tiến công lực lượng nổi dậy ở vùng giáp với Iraq
Theo AP ngày 9-10, đảng Phát triển và Công lý cầm quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định tìm kiếm sự ủng hộ của QH nước này để mở cuộc tiến công vào lực lượng nổi dậy người Kurd ở vùng giáp với Iraq. Động thái này có thể tạo ra tình hình bất ổn ở khu vực phía biên giới hai nước.
12/10/2007
Mỹ: Lại xảy ra nổ súng ở trường học
Một học sinh 14 tuổi đang bị đình chỉ học tập đã nổ súng tại trường trung học của mình ở trung tâm thành phố TP Cleveland, bang Ohio, làm bị thương bốn người rồi tự sát.
11/10/2007
EU sẽ bãi bỏ hạn ngạch nhập khẩu hàng dệt may Trung Quốc
Ủy ban châu Âu vừa thông báo sẽ chấm dứt áp đặt hạn ngạch đối với hàng dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc và áp dụng một hệ thống giám sát chung để theo dõi dòng hàng hóa dệt may từ Trung Quốc vào EU trong năm 2008.
11/10/2007
Hỗ trợ chăm sóc trẻ thơ vùng dân tộc thiểu số
Ngày 10-10, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Ðào tạo, Ngân hàng thế giới (WB) và Liên minh các Tổ chức cứu trợ trẻ em tổ chức Diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc và phát triển trẻ thơ ở vùng dân tộc thiểu số.
11/10/2007