Huy động tổng thể sức mạnh của toàn xã hội phát triển giáo dục và đào tạo

07:42, 30/10/2007

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã nhấn mạnh như vậy trong Hội nghị Công tác Xã hội hóa giáo dục được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh, ngày 29/10.  


 
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị.
Hội nghị là dịp để các trường trên địa bàn TP.HCM cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, rút ra những bài học quý báu, tháo gỡ vướng mắc, tìm giải pháp trong quá trình cùng Nhà nước và nhân dân thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục (XHH GD). Nhiều mô hình XHH hay, nhiều điển hình tiên tiến trong công tác XHH GD của các trường trên địa bàn TP.HCM đã được giới thiệu tại Hội nghị.

Xã hội hóa mục tiêu gắn liền với xã hội hóa về biện pháp giáo dục
Đối với ngành giáo dục thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), XHH GD không đơn thuần chỉ là huy động tiền bạc, vật chất mà phải hoàn thiện cả về mục tiêu đào tạo. Ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP.HCM cho biết, làm tốt XHH về mục tiêu giáo dục là điều kiện cơ bản để làm tốt XHH về biện pháp giáo dục. Những hoạt động XHH GD về mục tiêu đào tạo như mở rộng trường, tổ chức nhiều hoạt động giáo dục ngoài nhà trường, để đưa học sinh tham gia vào các hoạt động xã hội thực tế, tổ chức các chương trình tin học, ngoại ngữ và chương trình dạy học tại trung tâm văn hóa ngoài giờ… Riêng đối với XHH về biện pháp giáo dục, trước hết là tăng cường nguồn đầu tư cho nhà trường và huy động các khả năng về nhân lực, cơ chế, cơ sở vật chất cho sự nghiệp giáo dục; xây dựng cơ chế khen thưởng học sinh, giáo viên, cha mẹ học sinh và những đơn vị, tập thể, cá nhân có công trong việc chăm lo cho sự nghiệp giáo dục; đa đạng hóa các loại hình trường lớp, thu hút cá nhân, đơn vị, tập thể trong và ngoài nước cho GD&ĐT.

Riêng về chương trình vay vốn kích cầu đầu tư của thành phố, từ năm 2000 đến nay, ngành GD&ĐT TP.HCM đã hoàn thành nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xây mới và sửa chữa cải tạo nâng cấp trường học, với tổng vốn vay gần 300 tỷ đồng. Chiếm khoảng 6-7% tổng mức đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học trên địa bàn thành phố.

Mô hình huy động vốn đầu tư trường, lớp học này được nhiều đơn vị và cha mẹ học sinh hưởng ứng (phụ huynh học sinh trả vốn gốc trong thời gian từ 7-9 năm, thành phố trả lãi). Các dự án do Hiệu trưởng các trường trực tiếp làm chủ đầu tư và chịu trách nhiệm trả vốn vay, do vậy các công trình đầu tư đều đáp ứng hiệu quả nhu cầu sử dụng của nhà trường, thời gian thực hiện dự án cũng nhanh hơn, chất lượng công trình cao.

Phát huy tốt những thế mạnh vốn có của các hệ trường ngoài công lập
TP.HCM đã có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi, ưu đãi cho việc xây dựng mới trường ngoài công lập. Trường tư thục và dân lập được thành lập, ngoài việc góp phần mở rộng quy mô và điều kiện học tập cho con em nhân dân, nhà trường còn có những thế mạnh rất căn bản như tự quyết định được mức học phí, thù lao giáo viên thoả đáng, có điều kiện thúc đẩy nâng cao chất lượng chuyên môn và chọn lựa giáo viên giỏi cho nhà trường. Cơ chế hoạt động ngoài công lập của các trường cũng tạo điều kiện cho việc tiếp thu những nội dung và phương pháp dạy học tiên tiến trên thế giới, các trường có yếu tố quốc tế dễ được thành lập. Tuy vậy, bên cạnh đó những nhược điểm của các trường ngoài công lập cũng không phải ít nếu công tác quản lý không đổi mới kịp thời.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, cần phải huy động tổng thể sức mạnh của toàn xã hội để phát triển GD&ĐT. "Trong XHH GD, Nhà nước vẫn phải giữ trách nhiệm của mình, tuy vậy chúng ta rất cần sự quan tâm, đóng góp của toàn xã hội. Làm công tác XHH GD, trước hết là phải chú ý đến môi trường giáo dục. Chúng ta không chỉ giáo dục trong khuôn viên nhà trường mà phải phối hợp cùng với gia đình và xã hội. Học sinh, sinh viên phải được tích cực hoạt động xã hội, phải được hòa vào thực tiễn cuộc sống.”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, hiện nay, chính sách cho vay để học đã góp phần giải quyết được vấn đề tăng đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp mà không giảm chi cho giáo dục mầm non và phổ thông. Song cũng rất cần tăng tổng đầu tư xã hội cho giáo dục. Tuy nhiên, mức tăng phải phù hợp với khả năng chi trả, đồng thời cần đẩy mạnh việc hình thành hệ thống trường ngoài công lập.


Website Chính phủ

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nghịch lý giữa đào tạo và việc làm
Số liệu mới nhất của Bộ Giáo dục và Ðào tạo về tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học: 50% có việc làm, trong đó 30% làm việc đúng ngành nghề đã học. Một nửa số sinh viên ra trường còn lại không có việc làm ổn định, chờ xin việc.
29/10/2007
Chung quanh việc điều chuyển giáo viên ở một vài tỉnh miền trung
Thực hiện điều chuyển giáo viên ở hai bậc trung học cơ sở (THCS) và tiểu học (TH) để điều hòa và nâng cao chất lượng chuyên môn của ngành trên địa bàn là chủ trương đúng đắn. Nhưng vì chưa có sự chuẩn bị tốt, dẫn đến cách làm không phù hợp gây xáo trộn và tâm lý không tốt trong đội ngũ giáo viên.
29/10/2007
Đàm phán về tình hình biên giới giữa Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ không đạt kết quả
Theo Reuters, ngày 27-10 các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq cho biết không có các cuộc đàm phán tiếp theo nữa giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phái đoàn Iraq đang ở Ancara nhằm tìm một thỏa thuận về việc tiêu diệt quân nổi dậy người Kurd thuộc đảng "Công nhân người Kurd" (PKK) ở miền bắc Iraq.
28/10/2007
Trung Quốc phóng vệ tinh thám hiểm Mặt trăng
Trung Quốc vừa phóng thành công vệ tinh thăm dò Mặt trăng đầu tiên dự kiến hoạt động trên quỹ đạo trong một năm.
25/10/2007