Chung quanh việc điều chuyển giáo viên ở một vài tỉnh miền trung
Thực hiện điều chuyển giáo viên ở hai bậc trung học cơ sở (THCS) và tiểu học (TH) để điều hòa và nâng cao chất lượng chuyên môn của ngành trên địa bàn là chủ trương đúng đắn. Nhưng vì chưa có sự chuẩn bị tốt, dẫn đến cách làm không phù hợp gây xáo trộn và tâm lý không tốt trong đội ngũ giáo viên.
Đầu năm học mới 2007-2008, nhiều giáo viên (GV) bậc THCS tại quận Hải Châu (TP Ðà Nẵng) gửi đơn thư đến nhiều cấp, ngành phản ánh việc điều chuyển giáo viên quá đột ngột, mà nhiều người ví như "đánh trận" gây lo lắng, hoang mang trong đội ngũ GV và dư luận không tốt với phụ huynh, học sinh trên địa bàn...
Theo quyết định của Phòng GD và ÐT quận Hải Châu thì năm học này có 27 cán bộ quản lý và 39 GV được điều chuyển. Ðến nay 27 cán bộ quản lý (CBQL) và 31 GV đã nhận công tác tại trường mới... Bất ngờ, hụt hẫng vì không được báo trước; lại nhận thấy mình không sai sót trong quá trình giảng dạy, thầy giáo Trần Ðức Kiệt, Tổ trưởng Tổ toán, Trường THCS Kim Ðồng, bức xúc: Nhận được quyết định chuyển về Trường Tây Sơn, tôi chấp hành. Mặt khác, vì lý do sức khỏe, tôi lên phòng GD và ÐT quận những mong được trình bày nguyện vọng, nhưng rất buồn, ông Trưởng phòng không tiếp... Cũng trong hoàn cảnh như thầy giáo Trần Ðức Kiệt, phần lớn số GV điều chuyển nhận được quyết định ngay trong ngày khai giảng với tâm trạng bất ngờ.
Thầy Phan Văn Lập, GV toán Trường Trưng Vương, gay gắt cho biết, sáng 5-9, sau tiếng trống khai trường vừa kết thúc, học sinh vào lớp chuẩn bị tiết học đầu tiên thì được lệnh hiệu trưởng họp hội đồng để công bố quyết định điều chuyển GV... Không chỉ gấp gáp về mặt thời gian mà quyết định điều chuyển cũng thay đổi liên tục ở không ít trường hợp như thầy Phan Văn Lập, trong vòng năm ngày nhận hai quyết định khác nhau: Từ Trường Trưng Vương quyết định về Trường Lê Hồng Phong, tiếp đó lại thay đổi về Trường Nguyễn Huệ.
GV Anh văn Bùi Hữu Thủy ở Trường Nguyễn Huệ trong vòng ít ngày nhận hai quyết định về Trường Lê Hồng Phong sau đó lại về Trường Kim Ðồng.
Nhận quyết định về Trường Trần Hưng Ðạo ngày 5-9, thầy Nguyễn Bá Hiệp, GV toán Trường Trưng Vương có mặt tại trường nhận nhiệm vụ trong ngày. Nhưng sau đó thầy phải về trường cũ để dạy học sinh vì chưa có GV thay thế (!).
Cô giáo Mai Thị Chiên, hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại là người hoàn thành nghĩa vụ quân sự; vốn là GV ở Trường Tây Sơn chuyển về Trường Trưng Vương. Năm học này cô Chiên có quyết định điều về lại Trường Tây Sơn, nhưng không hiểu vì lý do gì mà bà hiệu trưởng không nhận, cho nên quyết định lại thay đổi điều về Trường Lý Thường Kiệt...
Gần hai tháng sau ngày khai trường, những GV thuộc diện điều chuyển, dường như vẫn nguyên tâm trạng bức xúc. Ở họ đều có chung suy nghĩ, ủng hộ việc điều chuyển. Theo họ, đến đâu thì cũng là mái trường, là đồng nghiệp. Nhưng yêu cầu phải làm đàng hoàng, hợp lý, hợp tình...
Vẫn biết thực hiện việc điều chuyển GV là vấn đề nhạy cảm, "động chạm". Nhưng qua tìm hiểu thì nỗi bức xúc và sự phản ứng của nhiều GV ở đây là có cơ sở. Bởi trong số 39 GV điều chuyển năm nay, hầu hết không có đơn xin chuyển; nhiều GV có thâm niên công tác ở miền núi; số đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự; số gần đến tuổi về hưu, sức khỏe hạn chế và trong số đó còn có GV bị điều chuyển do "dám" đấu tranh với những sai trái của hiệu trưởng, hiệu phó. (Và chính từ cách làm không đúng của Trưởng phòng GD và ÐT quận dẫn đến việc không ít GV phải nhờ vả, cầu cạnh; dễ làm nảy sinh chuyện tiêu cực (!).
ÐỂ thực hiện chủ trương điều chuyển, UBND quận Hải Châu đặt ra yêu cầu rất rõ (bằng văn bản): Hằng năm chuẩn bị bước vào năm học mới, UBND quận giao cho phòng GD và ÐT nhiệm vụ rà soát, xây dựng kế hoạch điều chuyển CBCCVC một cách hợp lý để vừa tăng cường chất lượng giảng dạy vừa để cân đối, điều hòa đội ngũ giữa các đơn vị trong ngành...
Nhưng vấn đề là trong cách làm, phương pháp triển khai của Phòng GD và ÐT quận Hải Châu mà người trực tiếp chịu trách nhiệm chính là ông Trưởng phòng Nguyễn Ðăng Ngưng có nhiều sai sót, bất cập; có biểu hiện cá nhân.
Lý giải vì sao mãi đến ngày khai giảng mới có quyết định điều chuyển. Ông Ngưng cho rằng, vì áp lực thời gian do phải chờ đợi quyết định công nhận kết quả thi tuyển giáo viên (hợp đồng từ những năm trước) của Sở Nội vụ thành phố quá chậm cho nên dẫn đến bị động, chờ. Nhưng theo chúng tôi, lý do này là không thuyết phục, vì theo kế hoạch thì "trong vòng ba năm sẽ thực hiện điều chuyển 390 GV mà trước mắt là làm thí điểm 39 trường hợp ở bậc THCS".
Vậy chẳng lẽ trong suốt ba tháng hè không đủ thời gian cho Trưởng phòng và phòng GD và ÐT rà soát, chọn lựa hợp lý 39 GV trong số hàng nghìn GV mà lại phải phụ thuộc số GV hợp đồng thi tuyển?
Mặt khác, phần lớn trong số 68 giáo viên thi tuyển trúng thì số hợp đồng từ 5 năm trở lên rất ít, số lớn còn lại chưa phải là đối tượng thuộc diện điều chuyển theo quy định thời gian của quận. Ðiều quan trọng của việc điều chuyển, tuy chuyên môn không thay đổi nhưng việc làm quen với môi trường sư phạm mới một cách đột ngột sẽ làm nảy sinh nhiều khó khăn và gây dư luận không hay trong phụ huynh, học sinh.
Yêu cầu việc điều chuyển phải được hoàn thành trong tháng 8 là để ổn định công tác cho giáo viên, tạo điều kiện cho Ban giám hiệu các trường phân công nhiệm vụ, phân công thời khóa biểu. Nhưng sự điều chuyển ở đây lại được thực hiện vào đầu năm học thì tránh sao khỏi sự xáo trộn không chỉ trong chuyên môn; nhiều trường không ổn định được nền nếp dạy và học do lúng túng ở khâu sắp xếp GV đứng lớp, GV chủ nhiệm; cao hơn là gây ức chế trong tâm lý GV làm giảm nhiệt tình, trách nhiệm trước học sinh và không thể không ảnh hưởng đến đoàn kết nội bộ của các trường (vì không ít trường hợp cùng một trường cùng nhận quyết định ra đi một ngày nhưng sau đó thì có người được ở lại, dẫn đến nghi kỵ lẫn nhau, nghi ngờ về động cơ điều chuyển).
Hơn thế, "điều hòa chất lượng" là mục đích đặt ra nhưng thật khó hiểu khi thực hiện thì người chịu trách nhiệm về chuyên môn của phòng GD và ÐT, của hiệu trưởng không được hỏi ý kiến tham khảo, giáo viên diện điều chuyển không được thông báo trước? Mặt khác, nói điều hòa chất lượng chuyên môn trong khi nhiều trường trọng điểm có nhiều giáo viên giỏi, tổ trưởng bộ môn giỏi không được điều đi để bổ sung cho các trường trung bình, khá. Ngược lại, không ít giáo viên giỏi ở các trường vùng ven lại được điều về trung tâm?
Lại có giáo viên vốn làm công tác Tổng phụ trách đội ở trường tiểu học hơn 20 năm nay được điều chuyển về dạy môn văn ở trường THCS,... Với cách làm như thế thì mục đích của việc điều chuyển giáo viên để điều hòa, nâng cao chất lượng chuyên môn làm sao đạt được.
Ý kiến bạn đọc