Ðại hội gia đình hiếu học và dòng họ khuyến học tiêu biểu lần thứ hai
Sáng 9-10, tại Hà Nội, Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức Ðại hội gia đình hiếu học và dòng họ khuyến học tiêu biểu lần thứ hai.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và các đại biểu. |
Dự đại hội còn có 251 gia đình hiếu học, 70 dòng họ khuyến học đại diện cho hơn bốn triệu gia đình, gần 30 nghìn dòng họ đã hưởng ứng cuộc vận động xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học, góp phần xây dựng cả nước là xã hội học tập.
Ðến nay, cả nước có 16 nghìn 116 dòng họ khuyến học, hơn bốn triệu gia đình được công nhận gia đình hiếu học. Nhiều tỉnh có hàng nghìn dòng họ đăng ký thi đua theo năm tiêu chí Dòng họ khuyến học như: Nghệ An, Hải Dương, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Thái Bình, Bắc Ninh, Ninh Bình.
Mỗi dòng họ có một thế mạnh riêng, có dòng họ nổi tiếng về sự thành đạt của con cháu trên con đường học vấn, có dòng họ xây dựng được Quỹ khuyến học lớn, động viên con cháu vươn lên trong học tập, tu dưỡng.
Phát biểu ý kiến tại đại hội, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cho rằng: "Mười một năm qua, Hội Khuyến học Việt Nam với hoạt động tích cực và đầy tâm huyết đã đạt được những thành tựu quan trọng, nhanh chóng trở thành một tổ chức xã hội rộng lớn, vững mạnh. Phong trào khuyến học đã bén rễ đến từng thôn bản, phum sóc trên khắp cả nước; được nhân dân, cán bộ, đảng viên hoan nghênh và hưởng ứng tích cực. Hội đã góp phần động viên thầy dạy tốt, trò học tốt, hỗ trợ hàng triệu suất học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó, hàng triệu phần thưởng cho các em học giỏi, xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh. Ðáng chú ý, tại đại hội này, nhiều gia đình hiếu học của dân tộc Thái, Tày, Nùng, Cơ Ho, Khmer, Hrê, Ê Ðê, Mông, Dao, v.v. đăng ký và phấn đấu đạt gia đình hiếu học tiêu biểu.
Chủ tịch nước đề nghị các đại biểu dự đại hội quán triệt sâu sắc Chỉ thị 11-CT/T.Ư của Bộ Chính trị, mở rộng hơn nữa cuộc vận động xây dựng "Gia đình hiếu học" và "Dòng họ khuyến học". Các "Gia đình hiếu học "và "Dòng họ khuyến học" cần lôi cuốn thêm hàng triệu gia đình khác tham gia vào các hình thức học tập làm cho học tập trở thành một cao trào trong nước. Mở rộng quỹ khuyến học, khuyến tài trong mỗi dòng họ để các gia đình nghèo, các con cháu nghèo trong họ tộc có điều kiện theo học các trường lớp.
Các gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học tham gia vào việc mở ra nhiều hình thức học tập: học ở trường, học ở nhà, học trong doanh nghiệp, học từ xa, học trên mạng in-tơ-nét... nhằm tạo nhiều cơ hội đi học cho những thành viên khác trong cộng đồng. Chủ tịch kêu gọi các gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học đẩy mạnh học tập hơn nữa, gắn học tập với nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo, an ninh xã hội, xây dựng lối sống lành mạnh, phát triển sản xuất, mở rộng ngành nghề.... góp phần làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh.
* Chiều 9-10, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đã tiếp đoàn đại biểu gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học tiêu biểu, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội. Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt chào mừng các đại biểu từ mọi miền đất nước, về dự Ðại hội gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học toàn quốc tại Thủ đô Hà Nội; ghi nhận những đóng góp của các gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học đối với sự nghiệp trồng người của đất nước.
Chủ tịch QH nhấn mạnh: Bất cứ quốc gia, dân tộc nào muốn hưng thịnh, phát triển, thì đều phải có tri thức, có nhân tài. Ngay từ những ngày đầu lập nước, Bác Hồ kính yêu đã từng rất quan tâm đến sự nghiệp trồng người. Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Ðảng, Nhà nước ta cũng đã phát động nhiều phong trào khuyến học, khuyến tài và các phong trào đó đã phát triển sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, mang lại hiệu quả thiết thực đối với sự phát triển đất nước. Ngày nay, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Ðảng, Nhà nước ta hết sức coi trọng công tác đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, coi giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu. Chủ tịch đánh giá cao sáng kiến của Hội Khuyến học Việt Nam, đã phát động phong trào gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học, thu hút hàng triệu gia đình, hàng vạn dòng họ tham gia.
Chủ tịch QH cho rằng: Toàn dân học tập, cả xã hội học tập, nhà nhà học tập, học tập suốt đời là chủ trương đúng đắn, nhưng quan trọng là học cái gì, học thế nào; từng đối tượng, từng lứa tuổi nên lựa chọn cái gì để học cho phù hợp, không chỉ học chữ, học nghề, mà còn học đạo đức, học làm người, không phải học vì bằng cấp, vì vinh thân, phì gia, thăng quan tiến chức, mà học để làm việc tốt hơn, để phụng sự nhân dân, phụng sự đất nước. Học để xóa đói, giảm nghèo, để không có ma túy, tệ nạn xã hội, để có cuộc sống tốt đẹp hơn... đó mới là nhân văn, là mục đích cao cả của sự nghiệp trồng người.
Chủ tịch QH đề nghị, phong trào khuyến học không chỉ dừng lại ở gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học, mà cần mở rộng ra toàn xã hội, các cơ quan, doanh nghiệp cũng nên làm công tác khuyến học. Tất cả cùng làm khuyến học, nhưng nên có trọng tâm, trọng điểm, tập trung hơn vào việc hỗ trợ những gia đình khó khăn, đối tượng chính sách, vùng sâu vùng xa... dành những gì tốt nhất cho các cháu có điều kiện, hoàn cảnh khó khăn, chịu nhiều thiệt thòi, cùng được học tập.
Chủ tịch QH cũng nêu rõ: Sự nghiệp khuyến học là sự nghiệp lâu dài, Hội Khuyến học cần bổ sung những cán bộ trẻ, tâm huyết với sự nghiệp trồng người, đồng thời tiếp tục có nhiều hoạt động khuyến học phong phú, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới. Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm bày tỏ mong muốn Quốc hội quan tâm hơn công tác khuyến học, khuyến tài, đồng thời nêu rõ, những người làm công tác khuyến học sẽ tiếp tục cố gắng, thực hiện tốt các chủ trương của Ðảng, Nhà nước về công tác khuyến học, khuyến tài, phù hợp với tư tưởng Hồ Chí Minh, phù hợp nhu cầu của thời đại.
Ý kiến bạn đọc