Triết lý giáo dục VN: "Phải tư duy hai lần"!
Cả thế giới cùng phải tư duy lại về giáo dục. Riêng VN phải tư duy lại 2 lần. Ngoài lần 1 giống như các nước khác, còn phải tư duy lần 2: xây dựng triết lý giáo dục xã hội chủ nghĩa (XHCN) trong cơ chế thị trường. Điều này nảy sinh mâu thuẫn giữa lý luận XHCN và thực tiễn, dẫn đến sự lung lay về niềm tin.
TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến: "Vấn đề không phải VN thiếu triết lý giáo dục mà là chúng ta phải xây dựng triết lý giáo dục XHCN trong cơ chế thị trường". |
Một triết lý giáo dục XHCN được xây dựng trong cơ chế thị trường cho VN đã được các nhà nghiên cứu, nhà quản lý giáo dục cùng thảo luận trong buổi hội thảo diễn ra sáng 21/9. Thứ trưởng Bành Tiến Long cho biết, sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức hội thảo quốc gia về triết lý giáo dục.
"Nhận dạng" chứ chưa "định nghĩa"
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long nhận định, để xây dựng được triết lý giáo dục mới, trước hết phải nêu được bối cảnh hiện nay của VN. Những đặc trưng nổi bật như hội nhập và toàn cầu hóa, CNTT và truyền thông phát triển mạnh mẽ, VN gia nhập WTO... có ảnh hưởng tới việc xây dựng triết lý giáo dục.
"Dạy thật tốt để mọi người VN học tốt, làm tốt và sống tốt!" là thông điệp về triết lý giáo dục VN mà TS. Nguyễn Phúc Châu, Trưởng Phòng Quản lý Khoa học, HV Quản lý giáo dục đưa ra.
"Về phía người học, ngoài việc lĩnh hội tri thức, còn phải biết vận dụng tri thức để tạo ra việc làm và làm việc, đảm bảo chất lượng hiệu quả hành nghề của bản thân và đáp ứng được các yêu cầu sức lao động của xã hội. Bên cạnh đó, mỗi người VN cần phải biết chung sống với người khác, thực hiện tốt nghĩa vụ bản thân, biết bảo vệ cái riêng và tôn trọng cái chung, vì lợi ích hôm nay và tương lai" - ông nói.
Còn theo PGS. TS Nguyễn Công Giáp, Phó GĐ HV Quản lý giáo dục, thì triết lý là phương châm hành động trong 1 lĩnh vực cụ thể nhất định nhằm đáp ứng lợi ích trong 1 khoảng thời gian nhất định. Vì vậy, triết lý không mang tính vĩnh cửu mà thay đổi theo bối cảnh.
Theo ông Giáp, triết lý giáo dục của VN là "Giáo dục tư duy sáng tạo, năng lực hội nhập và giàu lòng yêu nước".
GS. TSKH Thái Duy Tuyên (Viện Chiến lược và Phát triển Giáo dục) gói gọn triết lý giáo dục trong "4 mệnh đề hạt nhân": Ai cũng được học hành. Ai cũng được phát triển hoàn toàn năng lực sẵn có. Vì độc lập tự do và phồn vinh của Tổ quốc. Vì hạnh phúc của mỗi con người và toàn nhân loại.
TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên Trợ lý Bộ trưởng GD-ĐT, đưa ra quan niệm:"Triết lý giáo dục là sự phát biểu niềm tin liên quan đến các vấn đề cơ bản của giáo dục, từ đó xác định mục đích và hướng đi cho nhà trường, người dạy, người học và xã hội". Triết lý giáo dục của VN là khẳng định niềm tin của Đảng và Nhà nước về giáo dục với cơ sở là triết học giáo dục CNXH và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Như vậy, ông Tiến khẳng định, không phải VN không có 1 triết lý giáo dục mà vấn đề là đang xây dựng triết lý giáo dục XHCN trong cơ chế thị trường. Từ đó nảy sinh mâu thuẫn giữa lý luận XHCN và thực tiễn, dẫn đến sự lung lay về niềm tin.
Cũng theo ông Tiến thì khi chuyển từ thế kỷ XX sang XXI, chuyển từ kinh tế công nghiệp sang kinh tế tri thức, cả thế giới cùng phải tư duy lại về giáo dục (re-thinking). Riêng VN phải tư duy lại 2 lần. Ngoài tư duy lần 1 giống như các nước khác, chúng ta còn phải tư duy lần 2 là xây dựng triết lý giáo dụcXHCN trong thời kỳ cơ chế thị trường. Thậm chí, phải tư duy lại cả những vấn đề bất biến như bản chất XHCN của giáo dục và mục tiêu giáo dục.
PGS.TS Đặng Quốc Bảo, Nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý GD-ĐT, cho rằng có thể nhận diện được triết lý giáo dục nhưng chưa thể định nghĩa được khái niệm này.
Nhà nước - nhà trường - nhà giáo đều cần triết lý giáo dục riêng
TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến viện dẫn ngôn ngữ phương Tây dùng thuật ngữ "philosophy statement of education" để nói về triết lý giáo dục. Khi ấy, thuật ngữ này được xây dựng ở các cấp độ khác nhau, từ nhà giáo, nhà trường đến toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân.
Ở Mỹ, gần như bắt buộc mỗi giáo viên phải xây dựng riêng cho mình một triết lý giáo dục cá nhân được trình bày thành văn bản trong hồ sơ tuyển dụng và được định kỳ cập nhật, bổ sung trong quá trình dạy học. Trong đó, giáo viên trình bày một cách khúc chiết, ngắn gọn niềm tin của mình vào một số quan điểm triết học giáo dục, từ đó đề cập cách nhìn riêng của mình về việc dạy, việc học, các mục tiêu mong muốn và những việc cần làm, những đóng góp có thể.
Nhà trường cũng phải xây dựng cho mình một triết lý giáo dục khẳng định niềm tin cụ thể vào nhà trường, nhà giáo, người học, cộng đồng, chỉ ra mục tiêu mong muốn mà nhà trường đem lại, vạch ra các việc phải làm. Nó như một tuyên bố về sứ mệnh, tầm nhìn hoặc văn bản chiến lược. Đây cũng là một trong các yếu tố để kiểm định chất lượng trường học tại Mỹ.
Đồng tình với ý kiến này, Thứ trưởng GD-ĐT Bành Tiến Long cho biết khi đoàn làm việc của Bộ sang Thái Lan, hầu hết các trường ở đây đều có triết lý giáo dục riêng trong khi ở VN, chưa có trường nào xây dựng triết lý giáo dục.
Ở tầm quốc gia, triết lý giáo dục cũng được hiểu tương tự như ở cấp độ trường học, nhưng mở rộng hơn. Đó cũng là các tuyên bố về mục tiêu, sứ mệnh, tầm nhìn, chiến lược của 1 quốc gia về những vấn đề cơ bản của giáo dục.
ThS Nguyễn Hồng Hà, NCS tại Canada đã tìm hiểu nền giáo dục của quốc gia này và chỉ ra rằng các tổ chức giáo dục và cá nhân người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục ở Bắc Mỹ đều tự xây dựng triết lý giáo dục.
Khi giáo viên tham dự phỏng vấn tuyển việc, điều đầu tiên là phải thể hiện được tuyên ngôn về triết lý giáo dục của mình. Có người rất sáng tạo và dùng thơ để nói về điều này, lại cũng có giáo viên thể hiện triết lý của mình thông qua hình thức đặt câu hỏi và đưa ra câu trả lời.
Triết lý giáo dục của giáo viên không phải là bất biến mà qua thời gian cần được xem xét lại cho phù hợp với giai đoạn phát triển nghề nghiệp cũng như môi trường công tác. Ở Mỹ còn có cả những công ty tư vấn đưa ra lời khuyên cho những ai muốn làm rõ và thể hiện được tuyên ngôn triết lý giáo dục của cá nhân mình.
Một học giả đã từng thừa nhận rằng chính những giáo viên bình thường, chứ không phải các triết gia ngồi trong tháp ngà khoa học, đã đưa ra những triết lý giáo dục hết sức chặt chẽ và sâu sắc làm tác động và thay đổi quan niệm của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này.
Ý kiến bạn đọc