Thực trạng và phương hướng phát triển hệ thống trường THPT chuyên

09:16, 20/09/2007

Hội nghị toàn quốc các trường THPT chuyên với quy mô toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức tại Hải Phòng vào hai ngày 14 và 15 tháng 9 vừa qua. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã trực tiếp chủ trì hội nghị này.


 

Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân tham quan.

Hội nghị đã khẳng định: 42 năm xây dựng và phát triển, hệ thống các trường THPT chuyên đã có những đóng góp to lớn trong việc phát hiện, bồi dưỡng HS có năng khiếu; tạo nguồn đào tạo nhân tài cho đất nước. Nhiều HS đã được tiếp tục đào tạo ở trong, ngoài nước, trở thành lãnh đạo các cấp, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nhân giỏi và có những cống hiến quan trọng cho sự phát triển nước nhà.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Vọng thì bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được thì vẫn còn quá nhiều khó khăn, hạn chế. Nhiều vấn đề đáng quan tâm về hệ thống trường chuyên đã được đưa ra bàn thảo tại hội nghị này. Trong đó, có hai yếu tố được xem là “điều kiện cần” để phát triển thì lại còn nhiều bất cập, đó là cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên.

Điều kiện không đồng đều

Hiện nay cả nước có 74 trường, khối THPT chuyên là 58 trường THPT chuyên và 16 khối THPT chuyên. Tuy nhiên, cùng là hệ thống trường chuyên nhưng nếu so sánh cả về tỷ lệ số HS THPT chuyên/số dân; về điều kiện cơ sở vật chất, về đội ngũ GV đều không đồng đều ở các địa phương.

Về tỷ lệ, số HS THPT chuyên so với số dân thì khu vực Bắc Trung bộ, Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ số HS chuyên/số dân ở mức thấp hơn tỷ lệ bình quân của cả nước (các khu vực này đạt 0,04% trong khi trung bình cả nước là 0,05%). Một số tỉnh, thành phố có tỷ lệ này ở mức cao Kon Tum: 0,19%; Hoà Bình, Ninh Bình, Hà Nội: 0,16%; một số tỉnh có tỷ lệ ở mức quá thấp như: Long An, Hậu Giang: 0,02%;

Về cơ sở vật chất và kinh phí của các trường chuyên hiện nay, ông Phạm Ngọc Phương- Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch- Tài chính- Bộ GD-ĐT cho biết: Tình hình kinh phí của đa số các trường THPT chuyên còn nhiều khó khăn; nguồn thu chủ yếu là ngân sách Nhà nước, thu nhập của đội ngũ giáo viên chưa phù hợp với yêu cầu về chức năng, nhiệm vụ được giao và đặc thù của GV dạy chuyên. Việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với giáo viên, cán bộ quản lý và cho HS trường chuyên chưa đồng bộ, thống nhất.

Cũng theo ông Phương, cơ cấu chi của các trường không thống nhất. Tỷ lệ chi lương và các khoản có tính chất lương trung bình của trường chuyên dù duy trì ở mức 70%- 30% nhưng trên thực tế với đặc thù trường chuyên biệt (70% phụ cấp) nhưng tổng thu thấp, nên mức lương trung bình cho GV vẫn chưa đáp ứng được. Tổng các khoản chi trung bình cho một HS trong 1 năm thấp, nhiều trường chỉ đạt dưới 2 triệu đồng/HS/năm, cá biệt có trường chỉ đạt dưới 1 triệu đồng/1HS/năm (Lào Cai, Hậu Giang).

Theo kết quả khảo sát thực tế tại 53 tỉnh, thành cho thấy : có 18/53 trường (chiếm 34%) đạt mức diện tích trung bình (18,1m2/HS) trở lên, tiêu biểu trong số này là: Bắc Kạn (120m2), Lào Cai (53m2), Bình Phước (50,1m2)…

Tuy nhiên, lại có không ít trường diện tích/HS còn quá thấp. Thấp nhất là: Cà Mau (o,6m2), Bạc Liêu (1,3m2), Sóc Trăng (1,4m2), Tiền Giang (1,8m2)

Diện tích đất dành cho sân, bãi tập để HS rèn luyện thể chất còn hạn chế, tạm bợ hoặc chưa có, nhất là các trường ở khu vực thành thị và những trường chưa đảm bảo đủ tổng diện tích đất/1HS theo qui định.

Cũng tương tự như vậy, về phòng học, mới có 37/53 trường có số phòng học tương ứng với số lớp học, để có thể đảm bảo dạy học 1ca/ngày; Có 19/53 trường có 4 phòng thí nghiệm trở lên.

Theo qui định, tối thiểu mỗi trường cần có 2 phòng thư viện (1 cho GV, 1 cho HS) và 3 kho bảo quản thiết bị dạy học. Tuy nhiên, thực tế mới chỉ có 12/53 trường có từ 2 phòng thư viện trở lên, riêng Bắc Kạn chưa có phòng thư viện; Có 17/53 trường có từ 3 kho bảo quản, sắp xếp thiết bị dạy học trở lên…

Điều này đồng nghĩa với việc việc học chính khoá của một số trường chuyên vẫn phải thực hiện trong 2 ca; các phòng chức năng còn thiếu, chất lượng không đảm bảo, trang thiết bị dạy học còn nghèo nàn, một số trường chưa được trang bị đủ thiết bị dạy học tối thiểu theo qui định.

Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương - một trường vừa được địa phương đầu tư một cơ ngơi mới, từ một trường chỉ có diện tích 3000m2 đất, vừa qua đã được chuyển tới 1 vị trí với 35.000 m2 được xây dựng khang trang, hiện đại. Thầy Cộng – Hiệu trưởng trường này cho rằng: Rõ ràng còn tồn tại một thực tế là địa phương nào mạnh, làm quyết liệt thì đầu tư nhiều, trong khi đó cũng mang danh là trường chuyên nhưng ở địa phương khó khăn, và do chưa có quy định mang tính chất bắt buộc đối với riêng loại hình trường chuyên nên còn thiếu thốn về mọi mặt.

Trường THPT chuyên Hạ Long là một ví dụ, từ nhiều năm nay Sở GD-ĐT đã lập kế hoạch xin đất để xây dựng trường chuyên đáp ứng được yêu cầu nhưng vẫn chưa có hồi kết. Hiệu trưởng trường này đề xuất: Bộ nên có ràng buộc cụ thể bằng văn bản để lãnh đạo các tỉnh có sự ràng buộc trong việc đầu tư cho hệ thống trường chuyên. Có như vậy tất cả các trường chuyên trong cả nước mới đảm bảo một mức chuẩn tối thiểu.

Ông Cộng đề xuất: Bộ nên có xây dựng một bộ tiêu chuẩn dành riêng cho trường chuyên để trên cơ sở đó các địa phương có hướng đầu tư cũng như căn cứ đánh giá.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Văn Vọng khẳng định: Khi đã là trường THPT chuyên chất lượng cao thì chất lượng phải cao hơn trường chuẩn ở cả 3 yếu tố: Cơ sở vật chất, đội ngũ, chất lượng HS.

Đội ngũ không đảm bảo: Cơ bản vẫn do chế độ chính sách chưa phù hợp

Đội ngũ giáo viên trường chuyên hiện nay còn đang là vấn đề được đặt lên bàn bạc với sự lo ngại. Bộ GD-ĐT khẳng định: Đội ngũ này còn nhiều khó khăn bất cập. Các địa phương có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn còn thiếu rất nhiều GV giỏi có khả năng dạy được ở trường THPT chuyên, có GV giỏi khi được tạo điều kiện đi học để nâng cao trình độ đã không trở về trường cũ công tác.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà- Giám đốc Sở GD-ĐT Thừa Thiên Huế cho biết: Tỉnh chúng tôi đang rất lúng túng khi tuyển cho GV cho trường chuyên. Khó khăn vì lực lượng kế cận để bổ sung không nhiều và thiếu nguồn tuyển.

Theo bà Hà, Thừa Thiên Huế đã phải khắc phục bằng cách: ưu tiên tuyển những SV tốt nghiệp ĐHSP nếu là HS cũ của trường Quốc học Huế, từng có giải HS giỏi quốc gia, tốt nghiệp loại khá giỏi…

Ông Võ Anh Dũng- Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong- TP.HCM chỉ ra một bất cập: "Chúng ta có hệ thống trường THPT chuyên già nửa thế kỷ nhưng không hề đào tạo giáo viên dạy chuyên. Nếu không xuất thân từ trường chuyên thì các SV tốt nghiệp ĐH sư phạm hoàn toàn xa lạ với nội dung giảng dạy tại trường THPT chuyên.”

Bà Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng: Chế độ, chính sách đối với GV dạy chuyên hiện nay chưa đủ níu giữ người tài vì với công sức bỏ ra như vậy họ hoàn toàn có thể chuyển sang dạy ở bậc đại học dân lập, tư thục hoặc các trường có liên kết với nước ngoài để hưởng một mức lương cao hơn nhiều.

Đây là một thực tế. Sự phát triển ồ ạt của các trường dân lập chất lượng cao, các trường liên kết với nước ngoài khiến lãnh đạo các trường chuyên, đặc biệt các trường chuyên ở các thành phố lớn lo ngại. Bà Lê Thị Chính, Trường THPT chuyên ngữ, ĐHQG Hà Nội cảnh báo: “Trong khi học phí tại các trường chuyên chỉ là vài chục nghìn một tháng, và tiền lương trả cho giáo viên cũng chỉ theo đúng quy định, thì việc các trường quốc tế thu học phí tới 7 – 8 triệu/ tháng và sẵn sàng thu hút giáo viên giỏi về trường bằng mức lương “tương xứng”, thì việc giáo viên sẵn sàng bỏ trường ra dạy ngoài là có thật”.

Chính vì những lý do đó, theo ông Cộng- Hiệu trưởng THPT chuyên Nguyễn Trãi- Hải Dương: Vẫn tồn tại một số GV chưa thực sự giỏi dạy chuyên. Bên cạnh đó là sự thiếu công bằng giữa GV dạy chuyên và không chuyên khi cùng hưởng chế độ phụ cấp như nhau.

Ông Nguyễn Văn Vui- Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ- Bộ GD-ĐT cũng khẳng định: Chế độ đãi ngộ chưa phân biệt mức độ cống hiến khác nhau trong đội ngũ, còn một bộ phận cán bộ, nhân viên công tác trong trường THPT chuyên không trực tiếp giảng dạy được hưởng chế độ khuyến khích. Mặt khác, việc thực hiện lại chưa thống nhất giữa các địa phương, thậm chí có nơi còn thực hiện chưa đầy đủ các quy định của Nhà nước về vấn đề này.

Bên cạnh đó, cũng theo ông Vui, chưa có chỉ đạo thống nhất của Nhà nước về khen thưởng đối với nhà giáo và cán bộ quản lý GD ở trường THPT chuyên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng, phát triển tài năng trẻ cho mỗi địa phương và đất nước. Đa số các địa phương đã có quy định khen thưởng cho CB quản lý, GV nhưng nhìn chung mức thưởng chưa tương xứng với lao động của họ.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Trước một thực tế phong phú, đa dạng và còn nhiều bất cập như vậy của hệ thống trường chuyên, nếu không có 1 định hướng mang tính chất quốc gia thì sự phát triển cục bộ vẫn tiếp tục và đến một lúc nào đó chính điều này sẽ mâu thuẫn với mục tiêu ban đầu mà ngành GD đặt ra đối với hệ thống trường chuyên.

Phó Thủ tướng cho biết: Sẽ viết lại chương trình khung về phát triển hệ thống trường chuyên của đất nước, sau khi đưa ra đóng góp ý kiến sẽ hoàn thiện và trình Chính phủ vào khoảng cuối năm nay.

 

Mục tiêu đến năm 2020

- Củng cố các trường THPT chuyên hiện tại đồng thời với tăng dần quy mô, mở rộng mạng lưới: Mỗi tỉnh, thành phố có ít nhất một trường THPT chuyên; số HS THPT chuyên của các địa phương duy trì ở mức ổn định từ 0.007 đến 0,15% dân số.

- Từng bước nâng cấp các trường THPT chuyên thành trường THPT đạt chuẩn quốc gia có chất lượng cao. Tập trung đầu tư mở rộng diện tích, xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường phương tiện, thiết bị dạy học hiện đại. Đến năm 2020, các trường THPT có diện tích đất khuôn viên đạt từ 10m2 đến 20m2/HS; có ít nhất 90% trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có ít nhất 60% trường chất lượng cao.

- Phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý GD đảm bảo đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu và chuẩn về chất lượng đáp ứng nhu cầu vừa tăng quy mô vừa nâng cao chất lượng và hiệu quả GD trong các trường THPT chuyên. Đến năm 2020, 100% GV,CBQL trường THPT chuyên giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, thông thạo Tin học, 50% sử dụng được ngoại ngữ trong dạy học.

- Đầu tư xây dựng đội ngũ nhà giáo, CBQL trong các trường chuyên theo hướng nâng tỷ lệ có trình độ tiến sỹ, thạc sỹ. Đến năm 2020, có ít nhất 5% GV, CBQL có trình độ tiến sỹ, có GS, phó GS giảng dạy tại các trường THPT chuyên thuộc các trường ĐH; 35% có trình độ thạc sỹ. Đến năm 2020 có ít nhất 15% GV, CBQLGD có trình độ tiến sĩ, có GS, phó GS giảng dạy tại các trường THPT chuyên thuộc các trường ĐH; 70% có trình độ thạc sỹ.


Giáo dục thời đại

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thái-lan: Bổ nhiệm tướng Anupong Paochinda làm Tư lệnh Lục quân
Quốc vương Thái-lan Bhumibol Aldulyadej hôm qua đã ký sắc lệnh hoàng gia thông qua danh sách bổ nhiệm nhân sự quân đội, theo đó Trợ lý Tư lệnh Lục quân hoàng gia Thái-lan, tướng Anupong Paochinda được cử làm làm Tư lệnh Lục quân, thay cho đại tướng Sondhi Boonyaratkalin sẽ nghỉ hưu vào cuối tháng 9 này. Trong khi đó có dư luận lo ngại khả năng xảy ra biến cố sau vụ bổ nhiệm
20/09/2007
“Ông Musharraf sẽ thôi giữ chức tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang”
Ông S. Pirzada, luật sư chính của Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf (ảnh bên) vừa thông báo nếu ông P. Musharraf tái trúng cử tổng thống thì ngay sau đó ông sẽ thôi giữ chức tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Pakistan.
19/09/2007
Dư luận phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ tại Iraq
Làn sóng biểu tình phản đối cuộc chiến tranh tại Iraq và lên án Tổng thống Mỹ G. Bush vẫn lan rộng khắp nước Mỹ ngay sau khi Tổng thống Bush tuyên bố chỉ rút quân Mỹ ra khỏi Iraq khi "đã giành chiến thắng".
18/09/2007
Không để học sinh ngồi "nhầm lớp"
Ðó là một trong bốn nội dung của cuộc Vận động "Hai không" mà ngành giáo dục và đào tạo phát động tiếp tục thực hiện trong năm học mới 2007 - 2008 này. Tuy nhiên, để thực hiện một cách triệt để cần có những biện pháp thích hợp và hữu hiệu; nhất là trong điều kiện giáo dục các vùng miền ở nước ta phát triển chưa đồng đều.
17/09/2007