Phiên họp thứ hai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XII):
Học phí chưa được sử dụng đúng
Chiều 20/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về phí và lệ phí của Ủy ban Tài chính của Quốc hội.
Theo Báo cáo này, một số phí, lệ phí có số thu được để lại cao, đơn vị sử dụng không hết nhưng cũng chậm được điều chỉnh và đôn đốc kịp thời nộp vào ngân sách Nhà nước, như tại Cục Quản lý lao động nước ngoài (Bộ LĐ-TB&XH) số phí, lệ phí được để lại còn dư (đến 31/12/2005) là 73 tỷ đồng; Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) là 11,8 tỷ đồng.
Việc sử dụng các khoản phí để lại không tuân thủ những quy định hiện hành, chẳng hạn theo quy định của Chính phủ toàn bộ số học phí thu được phải dành tối thiểu 45% để tăng cường cơ sở vật chất.
Tuy nhiên, qua kiểm tra ở các trường thì tỷ lệ để lại thấp hơn nhiều so với quy định, như: Đại học Kinh tế Quốc dân 15%; Đại học Luật TP Hồ Chí Minh 20%... Nhiều cơ sở đào tạo không chú ý sử dụng học phí để tăng cường năng lực đào tạo, đổi mới giáo trình, giáo khoa, phương pháp dạy và học, mà còn nặng về chi cho con người, thù lao cho cán bộ giảng dạy và nhân viên...
Xử lý vi phạm hành chính - nhiều băn khoăn
Kể từ khi Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính (với ba biện pháp là đưa người vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng và cơ sở chữa bệnh) có hiệu lực vào năm 2002, hàng chục nghìn người đã được đưa vào cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng, trên một trăm nghìn lượt người đã được đưa vào cơ sở chữa bệnh.
Những biện pháp nêu trên là hình thức cưỡng chế áp dụng đối với người có những hành vi vi phạm pháp luật, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự...
Trong phiên họp hôm qua (20/9), tính chất nghiêm khắc của các biện pháp vừa nêu đã khiến nhiều vị Ủy viên Thường vụ Quốc hội bày tỏ sự băn khoăn và lo lắng.
Trong Báo cáo kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật về thực hiện một số biện pháp xử lý vi phạm hành chính, Ủy ban Pháp luật của QH có nhận định rằng: “Kết quả thực hiện các biện pháp này đã góp phần quan trọng trong việc giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự nói chung và tội phạm ma tuý nói riêng”.
Cũng Báo cáo này đã đưa ra nhiều thông tin “nóng”, cụ thể như: “Qua công tác quản lý, giáo dục ở cơ sở giáo dục cho thấy, trại viên tuy là đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính nhưng phần lớn trong số đó là đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự, côn đồ, lưu manh chuyên nghiệp..., luôn tìm cách trốn khỏi cơ sở giáo dục. Số người đưa vào cơ sở giáo dục nghiện ma tuý, mắc các bệnh hiểm nghèo như viêm gan B, C, nhiễm HIV/AIDS chiếm hơn 50%...”.
Tại phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi, bày tỏ sự lo lắng trong việc thực hiện biện pháp đưa người vào trường giáo dưỡng (các loại đối tượng khác nhau dưới 18 tuổi-P.V).
Ông Thi nhấn mạnh: “Khi thi hành biện pháp này, phải chú ý đến quyền trẻ em theo luật định, tránh việc áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính để thay thế biện pháp giam giữ. Với đối tượng là trẻ em, nếu đưa vào trường giáo dưỡng không đúng sẽ làm hại cuộc đời các em. Cần có sự phân loại khi đưa vào cơ sở giáo dưỡng, vì trẻ em hư có nhiều mức, hư “nhẹ” mà xếp với hư “nặng” thì không hiệu quả”.
Đồng tình với ý kiến này, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai nói: “Tôi đi một số cơ sở, thấy cơ bản cứ vào đó là phải ở 2 năm, trong khi nhiều em học sinh, sinh viên mới nghiện hút, cả cuộc đời các em đang ở phía trước. Quan điểm một số tỉnh là quản lý càng lâu càng tốt!”.
Thực tế, theo Báo cáo của Ủy ban Pháp luật, có trường giáo dưỡng đã quá tải, như trường giáo dưỡng số 5 (Long An) với quy mô 800 em nhưng thực tế phải quản lý 1.200 em... Hiện tượng “đầu gấu”, “ma cũ bắt nạt ma mới” chưa được ngăn chặn triệt để, cá biệt có trường hợp bị đánh chết (một em ở trường giáo dưỡng số 3 - Đà Nẵng).
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đã nhắc lại nhiều ý kiến đáng chú ý trước đó, đơn cử như: cần có chương trình giáo dục đặc biệt, kết hợp việc dạy nghề..., khi áp dụng một số biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với người dân.
“Cần tránh hai khuynh hướng: Thứ nhất là đưa những đối tượng không đủ điều kiện vào cơ sở xử lý vi phạm hành chính; Thứ hai là những đối tượng lẽ ra phải truy cứu trách nhiệm hình sự những vẫn đưa vào cơ sở xử lý vi phạm hành chính”- Ông Uông Chu Lưu nói.
Ý kiến bạn đọc