Lạc lõng vì... học đúng chương trình!
Không biết điều tôi sắp kể dưới đây có phải là tâm sự chung của nhiều phụ huynh hay không? Vì thế, tôi cứ mạnh dạn viết ra. Hy vọng các nhà quản lý giáo dục sẽ đọc được những dòng dưới đây, biết đâu nó ít nhiều có ích.
Năm nay con tôi vào lớp 1 ở một trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia và lớp cũng thuộc diện “chuẩn” nhất của trường. Năm nay các cháu nhập học từ giữa tháng 8. Đưa con đi học ở buổi học thứ 2, tôi có dịp gặp cô giáo của cháu, không đợi tôi hỏi, cô nhận xét luôn: “Cháu đọc kém lắm, viết thì tạm được”.
Tôi suy nghĩ nhiều về nhận xét này nên đã hỏi một vài cô giáo dạy cháu ở lớp mầm non. Các cô cho biết, ở bậc học mầm non, các cháu chỉ tập tô nét, còn việc học đọc thì phải lên lớp 1. Vậy con tôi mới học 2 ngày thì việc “đọc kém” là đương nhiên rồi. Cháu là một học sinh bình thường chứ có phải thần đồng hay thiên tài gì đâu.
Dĩ nhiên tôi thừa hiểu việc cháu “đọc kém” thực ra là bởi đa số các bạn trong lớp đã biết đọc, biết viết, các cháu được bố mẹ cho đi học từ trước khi vào lớp 1.
Cách đây một vài năm, trên một tờ báo, một cán bộ của Vụ Mầm non, Bộ GD-ĐT có trả lời phỏng vấn về việc học trước chương trình. Bà trả lời rất hay và nghe rất thuyết phục. Chẳng hạn như không nên cho trẻ học trước chương trình, nhất là đối với các em mới vào lớp 1, bởi vì khi đó các em sẽ sinh bệnh chủ quan. Các em sẽ cho rằng mình biết đọc, biết viết được rồi nên không còn hứng thú học tập nữa. Thậm chí trong khi các bạn hì hụi tập viết, tập đọc thì những em này lại quậy phá hoặc làm việc riêng. Vị cán bộ này cũng đưa ra những cứ liệu thực tế chứng minh trong cùng một lớp, trẻ chưa học trước chương trình, nhưng chỉ một thời gian ngắn sẽ đuổi kịp các bạn khác đã được học thêm trước đó. Nói tóm lại, vị cán bộ này không khuyến khích việc học trước chương trình.
Tôi rất lấy làm tâm đắc với những phân tích đầy tính khoa học nói trên và quyết không cho cháu đi học thêm trước chương trình. Đồng thời thuyết phục vợ tôi không dạy cháu tập đọc. Cứ để cháu vào lớp 1 hãy học cho tăng thêm phần “hứng thú” như phân tích của vị chuyên gia ở Vụ Mầm non kia.
Học được vài buổi, hứng thú đâu chưa thấy, chỉ thấy cháu nản, ngại học và không thích đến lớp. Cháu có vẻ tự ti, ít hoà đồng cùng các bạn. Khi hỏi thì cháu cho biết: “Các bạn biết đọc và viết đẹp hơn con. Cô hay khen các bạn và thường chê con”.
Tôi ngẫm lại và thấy những lý luận của vị cán bộ ở Vụ Mầm non kia chỉ đúng phần nào khi mà các cháu học trước chương trình chỉ là thiểu số. Còn khi nó đã chiếm đa số, đẩy các em không đi học trước thành thiểu số, thì tình hình ngược lại hoàn toàn. Khi ấy con tôi, con bạn sẽ trở thành cá biệt, sẽ lẻ loi, lạc lõng, dần dần mất hết niềm vui học tập vì luôn mặc cảm, tự ti.
Ngay ở buổi gặp gỡ cô giáo vào buổi học thứ hai đó, cô giáo có nhắc: “Mặc dù Bộ GD-ĐT quy định bậc tiểu học, những trường dạy 2 buổi /ngày, không được cho bài tập về nhà. Tuy nhiên, do chương trình nặng, học kỳ I, phần tiếng Việt lại rất nặng nên chúng tôi vẫn phải ra bài tập về nhà. Các em làm thì tốt mà không cũng chẳng sao. Nhưng tôi tin không ai muốn con mình dốt”.
Viết những dòng này, tôi mong cán bộ của ngành GD thực tế hơn. Tôi biết lãnh đạo Bộ, các chuyên viên… phần đông đều là GV giỏi rồi trở thành cán bộ có năng lực từ các địa phương chuyển về. Biết đâu thời gian làm cán bộ quá lâu làm cho các vị thiếu đi thực tiễn cần thiết cho việc quản lý?
Khi viết những dòng này, tôi đồng thời kèm cháu tập đọc để quyết đuổi kịp các bạn khác đã học trước chương trình và sau đó là cùng cháu giải quyết hết đống bài tập cô vừa cho về nhà.
Ý kiến bạn đọc