Không để học sinh ngồi "nhầm lớp"
Ðó là một trong bốn nội dung của cuộc Vận động "Hai không" mà ngành giáo dục và đào tạo phát động tiếp tục thực hiện trong năm học mới 2007 - 2008 này. Tuy nhiên, để thực hiện một cách triệt để cần có những biện pháp thích hợp và hữu hiệu; nhất là trong điều kiện giáo dục các vùng miền ở nước ta phát triển chưa đồng đều.
Cuộc Vận động "Hai không" năm học mới 2007 - 2008. |
Các tỉnh miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, tỷ lệ học sinh yếu kém khá cao (Trà Vinh: 8,13%, Ðác Nông: 25,8%, Cà Mau:20,4%, Sơn La:20,9%). Trong số học sinh yếu kém có một bộ phận học sinh thuộc diện khuyết tật tham gia học hòa nhập (1 triệu 150 nghìn em). Học sinh học hòa nhập ở phổ thông có 280 nghìn em, trong đó có khoảng 30% thuộc diện thiểu năng. Ðáng chú ý, các tỉnh, thành phố có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, có điều kiện tổ chức học hai buổi/ngày cũng vẫn còn tỷ lệ học sinh yếu kém (Hà Nội: 8,4%, Hải Dương: 2,5%, Thừa Thiên - Huế, Ðà Nẵng: 0,57%, Nam Ðịnh: 1,53%). Học sinh cấp càng cao, tỷ lệ yếu kém càng lớn: tiểu học 5,1%,THCS: 13,75%; THPT: 18,2%. Một số trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) có tỷ lệ học sinh xếp loại học lực yếu, kém cao: PTDTNT Lai Châu 42,2%; PTDTNT Quảng Bình 61,6%.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do một số cán bộ quản lý, giáo viên yếu kém về năng lực, trình độ chuyên môn; chưa thật sự tâm huyết với nghề cho nên chưa tích cực đổi mới phương pháp dạy học, chưa coi trọng đánh giá đúng chất lượng thực của học sinh và chưa quan tâm đầy đủ đến những học sinh có khó khăn trong học tập. Thêm vào đó, học sinh chưa nhận thức đúng về mục đích học tập, gia đình chưa quan tâm đến học tập của con em. Một bộ phận học sinh dân tộc hạn chế về ngôn ngữ.
Trước thực trạng đó, năm học mới 2007-2008, ngành giáo dục và đào tạo chủ trương triển khai nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp.
Phương pháp xác định học sinh ngồi nhầm lớp là với bậc tiểu học: Giáo viên chủ nhiệm chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra, rà soát thông qua kiểm tra hai môn tiếng Việt và Toán, xác định đúng số lượng và mức độ của học sinh ngồi nhầm lớp; lập danh sách phân loại trình độ học sinh báo cáo nhà trường. Với bậc trung học: Hiệu trưởng các trường chỉ đạo tổ chuyên môn ra đề kiểm tra hai môn Toán và Ngữ văn. Giáo viên bộ môn tổ chức kiểm tra chấm điểm, kết hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp để phân loại mức độ yếu kém của từng học sinh. Với giáo dục thường xuyên: thực hiện như hai cấp học phổ thông.
Ngành giáo dục và đào tạo cũng đưa ra các phương án giải quyết học sinh ngồi nhầm lớp: Ðối với tiểu học, căn cứ vào mức độ, số lượng học sinh ngồi nhầm lớp của từng trường, nhà trường lựa chọn các phương án, lập kế hoạch báo cáo phòng giáo dục - đào tạo để giám sát và phối hợp thực hiện. Phương án 1: Nếu có số lượng từ 20 học sinh trở lên và mức độ ngồi nhầm lớp nghiêm trọng thì tập trung số học sinh có cùng trình độ thành lớp riêng, xây dựng thời khóa biểu và nội dung dạy học riêng phù hợp. Tổ chức dạy học hai buổi/ngày, phân công giáo viên có trình độ, năng lực, kinh nghiệm và tâm huyết trực tiếp dạy lớp đó, tăng cường phụ đạo, bảo đảm cho học sinh bắt kịp trình độ lớp học vào cuối năm học. Phương án 2: Nếu số lượng không quá lớn và mức độ không nghiêm trọng thì tiếp tục để số học sinh này học tại lớp. Giáo viên chủ nhiệm cần có biện pháp giáo dục riêng trong từng giờ học; đồng thời tổ chức cho học sinh này học hai buổi/ngày; buổi một học theo chương trình quy định; buổi hai phụ đạo, bổ sung, củng cố kiến thức để học sinh bắt kịp trình độ chung. Phương án 3: Ðối với những trường có khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, có học sinh ngồi nhầm lớp ở nhiều mức độ thì tổ chức lớp ghép cho số học sinh này, mỗi lớp ghép không quá hai trình độ, đồng thời thực hiện dạy học hai buổi/ngày. Thực hiện chế độ báo cáo thường xuyên về kết quả học tập của học sinh giữa giáo viên và nhà trường, giữa nhà trường và các cấp quản lý để kịp thời có biện pháp xử lý các tình huống phát sinh. Ðối với bậc trung học (cấp THCS, THPT), phương án 1: Nếu số học sinh ngồi nhầm lớp đủ số lượng để tổ chức lớp riêng thì tổ chức cho số học sinh này thành lớp riêng, xây dựng thời khóa biểu và nội dung dạy học phù hợp với đối tượng. Phân công giáo viên có năng lực, kinh nghiệm và tâm huyết trực tiếp dạy lớp đó. Phương án 2: Nếu số lượng ngồi nhầm lớp trong trường không quá lớn thì tổ chức cho số học sinh này học tập tại lớp nhưng tiến hành phụ đạo riêng. Giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn phối hợp để có kế hoạch tổ chức cho số học sinh này được học phụ đạo để bổ sung, củng cố kiến thức, bắt kịp trình độ chung. Phương án 3: Ðối với những trường khó khăn về cơ sở vật chất hoặc có học sinh ngồi nhầm lớp mà trình độ thực tế của học sinh quá thấp không thể tiếp tục học ở lớp đó thì hiệu trưởng báo cáo phòng giáo dục và đào tạo (đối với THCS), Sở GD và ÐT (đối với THPT) để giải quyết cụ thể.
Trong quá trình giải quyết học sinh ngồi nhầm lớp, các trường cần thực hiện chế độ báo cáo thường xuyên về kết quả học tập của học sinh giữa giáo viên và nhà trường, giữa nhà trường và các cấp quản lý để kịp thời có biện pháp xử lý.
Ý kiến bạn đọc