Zimbabwe: Nền kinh tế bên bờ vực thẳm
Zimbabwe, một nước ở miền nam châu Phi, đang gặp khó khăn gay gắt. Nền kinh tế hiện đứng bên bờ vực thẳm: 80% số lao động thất nghiệp, lạm phát tăng với “tốc độ tên lửa”, lương thực thực phẩm thiếu hụt nghiêm trọng.
Dường như đó là nguy cơ có thật. Nền kinh tế của nước này đang đứng bên bờ vực thẳm: 80% số người lao động bị thất nghiệp, con số lạm phát chính thức được công bố trong tuần này là trên 7.600% và các sản phẩm lương thực thực phẩm bị thiếu hụt nghiêm trọng.
Một cơ quan khác của Liên hợp quốc, Chương trình Lương thực Thế giới, tính toán rằng bốn triệu người dân Zimbabwe, tức là một phần ba số dân hiện có, sẽ cần được cứu trợ lương thực vào năm tới. Vụ ngô năm nay, nguồn lương thực chính của nước này, bị thất bát. Do lượng mưa quá ít dẫn tới hạn hán, cùng với chương trình cải cách đất đai sai lầm tai hại của chính phủ, ngành nông nghiệp nước này trước đây đã từng rất phát đạt nhưng giờ đây đã không đủ nuôi sống người dân Zimbabwe.
Người ta có thể dễ dàng chứng kiến tình hình khó khăn ở vùng nông thôn Mashonaland, vùng đất bao quanh thủ đô Harare, và là cơ sở quyền lực truyền thống của đảng cầm quyền ZANU-PF của Tổng thống Robert Mugabe. Hầu hết diện tích đất ở đây từng trồng cây thuốc lá và ngô nay bị bỏ hoang, bị bao phủ bởi cỏ dại.
Một nông trại sản xuất hàng hoá chuyên trồng ngô và nuôi gia súc giờ đây được chia thành 35 khoảnh đất nhỏ để các hộ nông dân nhỏ lẻ canh tác. Hệ thống thuỷ lợi đã từng biến vùng đất khô cằn này thành màu mỡ đã bị hư hỏng từ lâu.
Chỉ còn một người trong số hơn một trăm nông dân từng làm việc ở nông trại này ở lại. Khoảnh đất nhỏ của người nông dân này bị khô cằn, và anh ta phải đi bộ vài km để lấy nước ở trang trại láng giềng. Anh ta dự kiến nguồn lương thực dự trữ sẽ cạn kiệt vào tháng 11, sau đó anh chỉ có đủ lương thực để ăn mỗi ngày một bữa và đợi đến vụ thu hoạch tới vào tháng ba hoặc tháng tư.
Một trường học tạm bợ được dựng lên trong một ngôi nhà nhỏ ở một trang trại, nhưng nhiều phụ huynh không lo nổi số tiền ít ỏi đề cho con đi học. Giáo viên cho biết một phần ba trẻ em ở vùng này không đi học. Còn những em được tới lớp thì bị cái đói hành hạ không thể tập trung nghe giảng.
Gần đó, hai em học sinh đứng nhìn lên cây, trên tay cầm cái súng cao su. Chúng đang săn một con khỉ, cơ hội được ăn thịt duy nhất của chúng. Những đứa nhỏ nhất, mặc quần đùi để lộ hai cái cẳng chân chỉ có da bọc xương nói rằng chúng cố xoay xở để mỗi ngày có hai bữa ăn: trà và bánh mì cho bữa sáng thì hôm có hôm không và một bữa sau đó là cháo ngô.
Đôi dày rách rưới của cậu bé to quá cỡ so với chân và dây giày được buộc chặt vào quanh mắt cá chân. Nhà cậu cách trường 4 km nhưng cậu bé phải đi bộ đến trường.
Ở một nơi khác của vùng Mashonaland, một người nông dân da trắng đang cố gắng bám trụ, sau khi phải chia một phần lớn nông traị của mình cho một quan chức chính phủ và một số người được gọi là cựu chiến binh. Ông là một trong số 350 chủ nông traị sản xuất hàng hoá còn ở lại trong tổng số 4 500 người trước khi chính phủ bắt đầu chia lại đất vào năm 2000.
Bức chân dung của ông Tổng thống R. Mugabe treo trên bức tường và ông vẫn duy trì quan hệ tốt đẹp với các quan chức địa phương. Ông nói rằng ông không đấu tranh chống lại việc phân chia lại đất đai. Nhưng một số ngôi nhà (trong đó có nhà của ông), những thiết bị và những hoa màu có giá trị do ông trồng đã giao cho người khác, vì thế ông đang đấu tranh đòi lại tài sản tại toà án.
Vụ gieo trồng mới sắp bắt đầu. Nhưng do không biết tương lai sẽ như thế nào, nên ông không thể đầu tư tiếp. Số lao động mà ông thuê mướn từ 1200 người, hiện nay chỉ còn 500 người. Ông nói: Giờ đây, chúng tôi chỉ thấy tình hình ngày càng tồi tệ.
Nhờ có những khoản tín dụng lãi suất thấp của chính phủ và dầu diezel được bán với giá rẻ do được trợ giá, nên nông traị của ông mới có thể tồn tại được. Nhưng ông cũng canh tác tại các nông trại láng giềng. Những nông trại này mới được chia cho những hộ nông dân da đen, và ông được trả công bằng cách được chia một nửa sản lượng. Nhiều ông chủ đất mới nhận thấy rằng việc đem dầu diezel ra bán lại ở chợ đen còn thu lãi nhiều hơn đầu tư cho trồng trọt.
Cuộc tổng tuyển cử bầu tổng thống và quốc hội dự kiến diễn ra vào tháng ba tới. Đảng cầm quyền vẫn phải dựa vào các giới lãnh đạo truyền thống để kiểm soát cử tri ở vùng nông thôn. Sau những năm hăm doạ và đàn áp, lực lượng đối lập hầu như biến mất. Ở Marondera, cách thủ đô Harare 45 phút xe hơi, lực lượng dân quân trẻ đáng sợ nhất diễu hành trên đường phố và gây bầu không khí căng thẳng.
Việc đăng ký của cử tri đã hoàn thành. Mạng lưới hỗ trợ bầu cử Zimbabwe, một tổ chức phi chính phủ cho biết, cử tri vùng nông thôn trung thành với đảng ZANU-PF cầm quyền lại đăng ký cử tri ở các thành phố, nhằm giảm bớt sự ủng hộ dành cho lực lượng đối lập vốn có sự hậu thuẫn mạnh ở các thành phố.
Nhưng người dân Zimbabwe vui mừng khi biết rằng các nhà lãnh đạo các nước miền nam châu Phi trong cuộc họp thượng đỉnh tuần trước, đã bày tỏ mong muốn cuộc tổng tuyển cử năm tới ở Zimbabwe sẽ diễn ra tự do và công bằng.
Ý kiến bạn đọc