Thi tốt nghiệp lần 2: Tiền tỷ… có lãng phí?
Hiện nay, theo Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT lần 2, chưa thống kê tổng thể kinh phí cho kỳ thi này. Tuy nhiên, qua dự trù của các tỉnh, con số này có thể lên đến trăm tỷ đồng.
Tiền tỉ: "Học phí" của bài học nghiêm túc?
Kỳ thi tốt nghiệp THPT lần 2 này có gần 30.000 thí sinh bỏ thi trong tổng số hơn 400.000 trường hợp đăng ký. Trong đợt 1, ngân sách chi cho đội ngũ gần 6.000 thanh tra lên tới 9 tỷ đồng. Thứ trưởng Bành Tiến Long cho biết, trong đợt 2, với 2.700 thanh tra, phải chi khoảng 4 tỷ đồng.
Hiện nay, theo Ban chỉ đạo thi, chưa thống kê tổng thể kinh phí cho kỳ thi này. Tuy nhiên, qua dự trù của các tỉnh, con số này có thể lên đến trăm tỷ đồng.
Tuyên Quang, tỉnh có tỷ lệ HS đỗ thấp nhất cả nước đã tiến hành tổ chức thi lại cho khoảng 9.600 HS, dự trù kinh phí là 700 triệu đồng.
Lào Cai tổ chức thi cho hơn 3.500 HS, dự trù kinh phí cũng khoảng 750 triệu đồng. Nghệ An, tỉnh có số thí sinh thi lại đông nhất cả nước với hơn 31.000 HS, số kinh phí dự trù là 2,1 tỷ đồng; chưa kể khoản 7 tỷ đồng cho "học kỳ 3".
Bắc Kạn, địa phương có tỷ lệ đỗ thấp thứ 2 cũng dự trù mất khoảng 900 triệu đồng cho lần thi này và cũng mất con số đó cho kỳ ôn tập 8 tuần…
"Đây không phải là món tiêu pha lãng phí, dù chỉ là 8 tuần. Chúng ta đã giúp cho các em thêm kiến thức và giúp cho những em thiếu ít điểm có cơ hội kiếm tấm bằng tốt nghiệp. Bằng chứng là tỷ lệ HS đi thi vẫn đạt khoảng 93%", ông Nguyễn An Ninh nhận xét.
Theo ông Ninh, kỳ thi này, nếu đỗ nhiều sẽ bị cho là “tháo khoán”, nhưng đỗ ít lại không hiệu quả. "Nhưng, hiệu quả nhất là bài học để chúng ta phải làm nghiêm túc".
"Không loại trừ khả năng sẽ vẫn thi lần 2 trong 2 - 3 năm nữa. Sẽ thi cho đến khi không còn HS “ngồi nhầm lớp” - Thứ trưởng Long dự đoán.
"Nở rộ" thi hộ
Có tới 285 thí sinh nhờ người thi hộ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT lần 2. "Một hiện tượng chưa bao giờ xảy ra nhiều đến thế", Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Nguyễn An Ninh nhận xét tại cuộc họp báo chiều 20/8.
Lần thi thứ 2 được tổ chức thi theo môn. Số phòng thi bị xáo trộn, không cố định như lần 1. Do vậy, theo nhìn nhận của nhiều nhà quản lý và giám thị, rất dễ xảy ra tình trạng thi hộ nếu không làm chặt chẽ.
Ông Phạm Văn Tại, Phó chánh thanh tra cho rằng, số thí sinh thi hộ tăng đột biến cũng nằm trong dự đoán, bởi trình độ HS yếu. Với gần 300 trường hợp này, Bộ GD-ĐT đã chuyển danh sách sang cơ quan công an làm rõ từng đối tượng.
Đối với những đối tượng ngoài phạm vi nhà trường, ngành giáo dục sẽ bàn biện pháp với cơ quan công an. Là HS vừa thi đỗ lần 1, sẽ hủy kết quả. Là SV đi thi hộ, sẽ đình chỉ học tập.
“Những HS-SV đi thi hộ không xứng đáng để được đào tạo tiếp, cần phải trau dồi đạo đức. Việc làm của những em này có tính chất lừa dối, không trung thực, ngoài việc xử lý theo quy chế, cần phải xử theo luật công dân và giáo dục qua lao động”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long cho biết.
Ông Ninh nhận thấy " tình trạng thi hộ đã xảy ra và trở thành chuyên nghiệp". Tuy nhiên, cách xử lý chưa thỏa đáng nên hiện tượng này vẫn tiếp diễn. Tới đây, trong tổ chức thi quốc gia khi soạn thảo quy chế sẽ đưa ra cách xử lý để có sự giáo dục nghiêm khắc.
3 cách chống trượt
Với số lượng thí sinh trượt tốt nghiệp dự kiến sẽ khá nhiều, Bộ GD-ĐT đã đưa ra 3 phương án giải quyết.
Ông Nguyễn Sĩ Đức, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho biết, trước hết, sẽ nhận những HS trượt tốt nghiệp có nguyện vọng đăng ký học lại lớp 12. Thứ hai, HS có thể đăng ký theo học tại các trung tâm GDTX. Phương án 3 là HS đăng ký học dự thính các môn theo nhu cầu. Các trường THPT sẽ có trách nhiệm bố trí HS theo học ở các lớp với các môn đăng ký.
Thứ trưởng Long thì lưu ý, để HS tự ôn tập ở nhà cũng là giải pháp tốt.
Một phương án khác cũng được đề cập đến, đó là HS sẽ đăng ký theo học TCCN. "Sẽ giao cho Vụ Giáo dục chuyên nghiệp xây dựng chương trình để đảm bảo được lộ trình cũng như quy chế cho những đối tượng HS này", ông Long nói.
Ý kiến bạn đọc