Tăng học phí vào năm 2008
"Tháng 9 tới Bộ GD-ĐT sẽ trưng cầu ý kiến rộng rãi đề án tăng học phí. Do vậy, năm học này vẫn áp mức học phí cũ để không gây "sốc" cho xã hội. Mức học phí mới sẽ được áp dụng vào năm học 2008-2009..."
Học phí ĐH sẽ tăng vào năm học 2008-2009. |
Tăng học phí để đào tạo theo nhu cầu?
Theo Bộ trưởng, đối với bậc ĐH, nếu không tăng học phí thì không thể giải quyết được vấn đề chất lượng. Với mức học phí ĐH hiện hành từ 180.000 - 200.000 đồng/tháng/ sinh viên thì không thể có chất lượng đào tạo ĐH theo yêu cầu.
Năm học 2007-2008 giáo dục ĐH sẽ phải "nói không với đào tạo không theo nhu cầu và không đáp ứng yêu cầu xã hội" - Bộ trưởng khẳng định.
Vì vậy, đã đến lúc các trường ĐH phải chấm dứt việc đào tạo ra những "sản phẩm" không đạt chuẩn, không đáp ứng nhu cầu. Đồng thời, xóa bỏ tình trạng các trường ĐH đào tạo kỹ sư, cử nhân không đạt yêu cầu nhưng vẫn gia tăng quy mô, gây lãng phí cho xã hội. Nếu học phí được thu nhiều hơn thì các trường ĐH phải chấp nhận giảm số lượng người đi học để đảm bảo chất lượng.
Bộ trưởng Nhân cho biết, những số liệu cụ thể về tỷ lệ chi cho giáo dục các bậc học và mức chi ở từng địa phương cũng đã có đủ minh chứng. Bộ sẽ công khai cùng thời điểm với việc trưng cầu ý kiến rộng về đề án tăng học phí.
Việc tăng học phí ĐH sẽ không áp dụng ngay trong năm học 2007-2008 mà sẽ thực hiện cho năm học sau, 2008-2009.
Đối với học phí bậc phổ thông, mức học phí được tính toán phù hợp với khả năng chi trả của các gia đình, đảm bảo bình đẳng.
Cụ thể, những gia đình có mức thu nhập thấp hơn mức bình quân của địa phương sẽ được điều chỉnh miễn hoặc giảm học phí. Ngược lại, những gia đình có thu nhập trên trung bình, có nhu cầu đóng tiền cao hơn để học ở những trường có chất lượng cao hơn mức tối thiểu thì Nhà nước vẫn khuyến khích. Tuy nhiên, số lượng các trường thu học phí cao sẽ được hạn chế ở một tỷ lệ nhất định, Bộ trưởng khẳng định.
Chấp nhận "va chạm" và "đau đớn"
Khi phát động thực hiện cuộc vận động 2 không "nói không với gian lận thi cử và bệnh thành tích" thì toàn ngành cũng đã xác định kết quả thi cử cuối năm học 2006-2007 sẽ thấp.
Nhưng, để giáo dục có chuyển biến mạnh thì giải pháp cũng phải có tính chất không truyền thống. Bởi, những giải pháp truyền thống sẽ đem lại sự chuyển động theo truyền thống. Còn muốn có chuyển động mạnh thì giải pháp sẽ có "va chạm", có "đau đớn"...và phải chấp nhận.
Bộ trưởng dẫn dụ, từ câu chuyện của GĐ Sở GD-ĐT 1 tỉnh miền núi "tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2006-2007giảm 60% so với năm trước. Tỉnh yêu cầu ngành GD phải trả lời?...". Quá trình tìm câu trả lời thì đã tìm thấy nguyên nhân: trong khoảng 8.700 giáo phổ thông của tỉnh có đến 1.900 giáo viên tiểu học và THCS không đạt chuẩn. Kể cả THPT cộng lại thì gần 1/4 giáo viên không đạt chuẩn".
Vậy, muốn tiến tới HS đạt chuẩn thì phải sắp xếp đưa số giáo viên không đạt chuẩn ra khỏi vị trí đứng lớp.
Tới đây việc rà soát đội ngũ cùng sẽ được làm ráo riết hơn. Có thể ở cấp quốc gia sẽ phải chấp nhận đưa hàng vạn giáo viên ra khỏi ngành để thay thế thế hệ sinh viên đã tốt nghiệp sư phạm vào hệ thống giáo dục.
Cùng với đó, đầu năm học này các địa phương sẽ phải rà soát lại số học sinh có học lực yếu kém "trót" đưa lên lớp để có kế hoạch bồi dưỡng. Đồng thời, giải quyết tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp” là một trong những nội dung ưu tiên của giáo dục phổ thông trong năm học 2007-2008, Bộ trưởng nói.
Ý kiến bạn đọc