Sự lựa chọn của người dân Thái-lan

08:08, 21/08/2007

Cuộc trưng cầu ý dân đầu tiên trong lịch sử Thái-lan đã kết thúc với việc đa số người dân tán thành dự thảo Hiến pháp mới, mở đường cho cuộc tổng tuyển cử. Tuy nhiên những mâu thuẫn trong xã hội Thái-lan vẫn tồn tại, tiếp tục đe doạ gây bất ổn chính trị.


 

 Người dân Thái-lan bỏ phiếu trưng cầu ý kiến về dự thảo hiến pháp.

Sự lựa chọn vì ổn định

Theo kết quả chính thức do Ủy ban bầu cử Thái-lan (EC) công bố tối 20-8, dự thảo hiến pháp được thông qua và trở thành hiến pháp chính thức với 56,69% phiếu thuận (tương đương 14.727.306 phiếu), 41,37% phiếu chống (tương đương 10.747.441 phiếu) và 1,94% phiếu không hợp lệ (tương đương 504.207 phiếu) trong tổng số gần 26 triệu phiếu. Số người bỏ phiếu chiếm 57,61% tổng số hơn 45 triệu người đủ quyền bỏ phiếu.

Cuộc trưng cầu dân ý diễn ra trong một ngày và người bỏ phiếu không mất nhiều thời gian đánh dấu vào một trong hai ô chấp thuận hoặc không chấp thuận bản dự thảo hiến pháp, nhưng điều đó gắn với ý nghĩa lựa chọn hướng đi phát triển đất nước sau thời gian dài xáo trộn.

Với thành công của cuộc trưng cầu dân ý, người dân Thái-lan đã xác lập cho mình một hướng đi mới sau hơn hai năm khủng hoảng với những bất ổn như biểu tình rầm rộ dưới thời ông Thaksin, bế tắc trong cuộc tổng tuyển cử đầu năm 2006, cuộc đảo chính tháng 9-2006, biểu tình sau đảo chính…

Kết quả này cũng phần nào  phản ánh ý kiến của người dân đối với những lực lượng nắm quyền và thể chế lập nên sau cuộc đảo chính năm ngoái.

Từ đầu tháng 7 năm nay, sau khi được Hội đồng Lập pháp quốc gia Thái-lan (NLA) thông qua, hàng chục triệu bản sao dự thảo hiến pháp đã được gửi người dân Thái-lan thuộc nhiều thành phần khác nhau trong xã hội để nghiên cứu trước khi đưa ra chính kiến của mình trong cuộc trưng cầu ý dân ngày hôm qua.

Ngay từ quá trình soạn thảo, bản hiến pháp đã gây tranh luận. Những người ủng hộ thì cho rằng cần thiết phải có một hiến pháp mới để thay thế bản hiến pháp năm 1997 có hiệu lực dưới thời chính phủ của ông Thaksin vì bản hiến pháp đó bộc lộ những điểm yếu khiến người thừa hành luật pháp có thể lợi dụng. Những người phản đối thì cho rằng nên duy trì bản hiến pháp cũ vì hiến pháp mới được lập nên sau đảo chính.

Cùng thời điểm đó, không ít điều khoản trong bản dự thảo hiến pháp như thể thức bầu cử Thượng viện, Hạ viện, việc không công nhận Phật giáo là quốc đạo, việc ân xá cho lực lượng tiến hành đảo chính năm ngoái… là những vấn đề nảy sinh tranh cãi gay gắt giữa các phe nhóm, lực lượng, thành phần trong xã hội Thái-lan.

Sau ngày bỏ phiếu, nhìn chung người dân cũng như các cơ quan nắm quyền hài lòng với kết quả trưng cầu. Chỉ số thị trường chứng khoán Thái-lan (SET) hôm nay tăng 33,60 điểm, đạt 792,02 điểm khi kết thúc phiên giao dịch do kết quả khả quan của cuộc trưng cầu ý dân về dự thảo hiến pháp.

Việc thông qua dự thảo Hiến pháp cho thấy, đa số người dân Thái-lan mong muốn đất nước ổn định, tin tưởng dự thảo này là giải pháp có khả năng đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng chính trị.

Chưa hết phức tạp

Tuy vậy, tình hình chính trị Thái-lan chưa thể vượt qua khó khăn trong một sớm một chiều.

Hiến pháp mới có một số điểm nổi bật là tăng cường quyền cho người dân, hạn chế khả năng lạm quyền và lợi dụng kẽ hở pháp luật của người nắm quyền hành pháp, giảm bớt quyền của các đảng chính trị, tăng quyền cho hệ thống lập pháp, tư pháp cũng như quân đội.

Tuy nhiên, kết quả của cuộc trưng cầu ý dân về dự thảo Hiến pháp cho thấy rằng người dân chưa hoàn toàn nhất trí cao với bản hiến pháp này. Số người tham gia bỏ phiếu có thể đạt, thậm chí vượt qua dự đoán ban đầu của chính phủ lâm thời cũng như một số cơ quan, nhưng thực tế cho thấy rằng, con số gần 26 triệu người tham gia, tương đương 57,61% tổng số người đủ quyền bỏ phiếu, không cao so với những cuộc bầu cử trước đây.

Cuộc bầu cử Hạ viện đầu năm 2006 dù kết quả không được công nhận nhưng cũng có hơn 63% cử tri đi bỏ phiếu (một số tài liệu còn thống kê là 70%).

Việc có tới mười triệu người phản đối hiến pháp cũng thể hiện rằng vẫn còn những chia rẽ và bất đồng trong nhận định của người dân về Hiến pháp. Tại  miền bắc và đông bắc Thái-lan tỷ lệ người dân phản đối Hiến pháp khá cao.

Ở miền bắc, có tới 45,8% người bỏ phiếu phản đối dự thảo hiến pháp, trong khi số người ủng hộ là 51,8%. Còn tại đông bắc, nơi chiếm gần một nửa dân số Thái-lan, tập trung khá đông dân nghèo và được xem là địa bàn của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, có trên 61% phản đối hiến pháp, trong khi  số ủng hộ chỉ chiếm khoảng 36%.

Theo các nhà phân tích chính trị, kết quả nói trên phản ảnh những chia rẽ trong xã hội Thái-lan và củng cố luận điểm cho rằng tới thời điểm hiện nay, vẫn còn lực lượng ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin.

Ngoài một số điểm được đánh giá cao như tăng thêm khả năng tham gia chính trị của người dân, tăng quyền cho các cơ quan giám sát, Hiến pháp vẫn còn những điểm chưa nhận được nhất trí cao như việc ân xá cho lực lượng tiến hành đảo chính, vai trò của quân đội trong nền chính trị Thái-lan… Những điểm bất đồng ấy đều có khả năng trở thành nguyên nhân đe doạ sự ổn định của Thái-lan trong tương lai.

Ngay sau cuộc trưng cầu ý dân, lãnh đạo cũ của đảng người Thái yêu người Thái (TRT) đã bị giải thể hồi cuối tháng 5 họp báo tuyên bố chấp thuận kết quả cuộc trưng cầu, tuy vậy họ cũng đề xuất sẽ kiến nghị sửa đổi để Hiến pháp 2007 dân chủ hơn.

Không chỉ vậy, một số nhóm, liên minh tại Thái-lan, trong đó có Liên minh dân chủ chống độc tài (DAAD), từng tổ chức những cuộc biểu tình phản đối CNS, Chính phủ trong suốt những tháng vừa qua, cũng tuyên bố thắng lợi vì có nhiều người không chấp thuận Hiến pháp, khẳng định sẽ phản đối một số văn bản luật.

Theo các nhà phân tích chính trị quốc tế cũng như tại Thái-lan, một hiến pháp với những điều khoản còn gây tranh cãi và chưa nhận được sự ủng hộ rộng rãi dễ dẫn tới những trở ngại trong việc hình thành thể chế vững chắc.

Các đảng tại Thái-lan sẽ bước vào giai đoạn tranh cử và quan điểm chính trị khác nhau của các đảng sẽ phân hoá nhận thức của người dân. Những khác biệt về chính kiến, những chia rẽ trong xã hội Thái-lan suốt thời gian dài, những vấn đề tồn đọng chưa giải quyết như vấn đề miền nam, bài toán phát triển kinh tế vẫn còn đó và sẽ là thách thức đối với chính quyền hiện nay cũng như chính phủ được lập nên sau cuộc tổng tuyển cử.


Nhân dân

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thái-lan: Đa số người dân tán thành dự thảo hiến pháp mới
Trong cuộc trưng cầu ý dân hôm nay, đa số người dân Thái-lan đã tán thành dự thảo hiến pháp mới, mở đường cho cuộc tổng tuyển cử vào cuối năm nay.
20/08/2007
Hơn 15.000 thí sinh bỏ thi tốt nghiệp THPT lần 2
Theo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), ngay trong ngày thi đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT lần 2, 18/8, hơn 15.000 lượt thí sinh đã bỏ thi.
20/08/2007
Mỹ coi Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran là tổ chức khủng bố
Báo Bưu điện Washington hôm qua đưa tin, Mỹ vừa quyết định đưa Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran vào “danh sách các tổ chức khủng bố toàn cầu”.
17/08/2007
Hàn Quốc đàm phán tiếp với Taliban về con tin
Người phát ngôn Taliban vừa cho biết, các nhà đàm phán Hàn Quốc và Taliban sẽ nối lại đàm phán trực tiếp về việc trả tự do cho 19 con tin Hàn Quốc vào ngày mai 16-8.
16/08/2007