10:36, 27/08/2007
Bước vào năm học mới 2007-2008, ngành Giáo dục và Đào tạo nước ta tiếp tục cuộc vận động "hai không" với nhiều nội dung quan trọng, trong đó nhấn mạnh yêu cầu: Mỗi thầy, cô giáo phải là một tấm gương đạo đức và tự học.
|
Mỗi thầy, cô giáo phải là một tấm gương đạo đức và tự học. |
Đây là yêu cầu quan trọng, đáp ứng đòi hỏi của thực tế, được đông đảo dư luận hoan nghênh và quan tâm với mong muốn sớm trở thành hiện thực. Hằng ngày, hằng giờ có biết bao thầy, cô giáo bằng đạo đức, trách nhiệm và năng lực của mình, miệt mài trên bục giảng để rèn đức, luyện tài, góp phần đào tạo lớp người làm chủ tương lai của dân tộc. Nhưng thật đáng buồn, bên cạnh đó ở nhiều lúc, nhiều nơi còn xuất hiện hàng loạt trường hợp giáo viên vi phạm đạo đức người thầy, như: bạo hành, lạm dụng tình dục với học sinh, mất đoàn kết, đấu đá nội bộ; sai phạm trong quản lý sử dụng tài chính, buôn lậu, vướng vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật… Đồng thời cũng tồn tại nhiều giáo viên yếu kém về chuyên môn nghiệp vụ, không đủ năng lực giảng dạy. Lẽ ra phải tích cực, tự giác rèn luyện, học tập thì một số giáo viên lại cố tình dùng các hành vi gian dối, chạy chọt, sử dụng văn bằng bất hợp pháp che giấu phẩm chất, năng lực yếu kém, tìm cách được tiếp tục dạy học không đúng với tư cách, trình độ, kiến thức bản thân. Thầy, cô giáo không đủ phẩm chất, năng lực mà vẫn đứng trên bục giảng trở thành những người "đứng nhầm lớp" là một trong các nguyên nhân dẫn đến nhiều yếu kém của nền giáo dục. Sẽ khó có học sinh tốt, học sinh giỏi nếu đứng trên bục giảng dạy dỗ các em là thầy, cô giáo yếu về phẩm chất, kém về năng lực. Rất tiếc, trên thực tế số giáo viên như vậy không phải là ít. Năm học 2006-2007, Sở Giáo dục và Đào tạo Sóc Trăng đã kỷ luật 109 giáo viên vì các sai phạm trong quản lý và giảng dạy. Tại huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum có 63 giáo viên vì "đứng nhầm lớp" mà phải bị nghỉ theo chế độ hoặc chuyển công tác, trong đó có cả 4 hiệu trưởng, hiệu phó bị bãi nhiệm…
Vì vậy, để nâng cao chất lượng giáo dục đòi hỏi chúng ta phải có các biện pháp đồng bộ, hiệu quả, trong đó việc khắc phục tình trạng học sinh "ngồi nhầm lớp" cần gắn liền với việc xóa bỏ hiện tượng giáo viên "đứng nhầm lớp". Đây là việc không dễ, nhưng buộc chúng ta phải làm nếu muốn có được một nền giáo dục ổn định và chất lượng. Từ nhận thức đúng "Không thầy đố mày làm nên", thầy, cô giáo với phẩm chất và năng lực sư phạm thật sự luôn là yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy sự nghiệp giáo dục-đào tạo phát triển, Nhà nước và ngành Giáo dục-Đào tạo phải có chiến lược đúng từ khâu tuyển chọn, đào tạo đến sử dụng, đãi ngộ đội ngũ giáo viên. Bản thân từng thầy, cô giáo cũng cần thấy rõ vinh dự và trách nhiệm lớn lao để từ đó tự giác rèn luyện và phấn đấu học tập không ngừng. Nhà nước, cộng đồng tạo cho các thầy, cô giáo những ưu đãi, hỗ trợ cần thiết để hành nghề và vươn lên, nhưng quan trọng nhất vẫn là sự tự giác tự rèn, tự học của họ.
Trò không "ngồi nhầm lớp", thầy, cô không "đứng nhầm lớp"- đó chính là cơ sở quan trọng quyết định sự phát triển toàn diện của nền giáo dục nước nhà.
Quân đội nhân dân
Ý kiến bạn đọc