Cần một tỷ USD, xây 122 nghìn phòng học trong ba năm tới
Mặc dù đã xây dựng được 74 nghìn phòng học mới trong bốn năm từ 2002-2006, đạt 71% mục tiêu, nhưng Chương trình Kiên cố hóa trường, lớp học vẫn còn hơn 122 nghìn phòng học phải xây dựng trong ba năm tới.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân. |
Trước tình trạng một số phòng học, lớp học bị xuống cấp, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định về việc thực hiện kiên cố hóa trường, lớp học.
Nhằm thực hiện tốt yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đề ra, từ năm 2002 đến năm 2006, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã phối hợp với 55 địa phương tiến hành triển khai xây dựng 74.011 phòng học mới. Tổng số vốn đã huy động để thực hiện chương trình là 9300 tỷ đồng.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân cho biết, với những kết quả đã đạt được, Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học đem lại ý nghĩa chính trị - xã hội và nhân văn sâu sắc, làm thay đổi môi trường sư phạm ở nhiều trường học, góp phần nâng cao dân trí, tạo cơ hội bình đẳng về quyền hưởng lợi trong giáo dục, góp phần làm giảm dần sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, miền.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, mặc dù còn rất nhiều phòng học phải xây dựng nhưng vẫn còn 7% ngân sách Trung ương hỗ trợ nhưng chưa được sử dụng.
Theo báo cáo, vùng sử dụng ngân sách cao nhất trong cả nước là Nam Trung Bộ với 86,5%. Tỉnh sử dụng ngân sách thấp nhất là Hà Giang, chỉ mới sử dụng hết 59% ngân sách. Tỉnh đạt mục tiêu kiên cố hóa trường lớp thấp nhất là Tây Ninh, chỉ đạt 39% mục tiêu.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng còn nêu ra một “nghịch lý” trong việc sử dụng ngân sách kiên cố hóa trường học, đó là tỷ lệ phòng học xây dựng đúng theo yêu cầu là 79,7%, nhưng tỷ lệ vốn giải ngân ngân sách Nhà nước lại lên tới… 92,7%. Sở dĩ có điều này là do nhiều địa phương đã sử dụng Ngân sách để xây dựng trường lớp không có trong danh mục phê duyệt (trên 12.000 phòng học).
Tại Hội nghị, bà Bùi Kim Dung, Phó Chủ tịch tỉnh Lào Cai cho biết việc kiên cố hóa trường lớp ở những tỉnh miền núi như Lào Cai gặp rất nhiều khó khăn trong việc san lấp mặt bằng. Nhưng kinh phí này lại không có trong danh mục được giải ngân nên tỉnh phải tự chi kinh phí. Mặt khác, các công trình xây dựng ở vùng cao có chi phí vận chuyển lớn. Trong khi theo quy định kinh phí xây dựng một phòng chỉ có 110 triệu đồng thì việc xây dựng phòng học ở Lào Cai giá thành lên tới 150 triệu đồng/phòng.
Phó Chủ tịch UBND Bắc Giang Bùi Văn Hạnh phản ánh, trong khi nguồn vốn ngân sách nhà nước chỉ cấp cho tỉnh là 100 tỷ đồng thì địa phương lại cần đến 700 tỷ đồng cho chương trình kiên cố hóa trường lớp học. Cuối cùng, tỉnh cũng đã huy động được nhiều nguồn vốn khác nhau từ tỉnh xuống huyện, xã để có gần 400 tỷ xây dựng gần 4.300 phòng học.
Ông Hạnh đề nghị, sau khi xây xong lớp học cần phải gắn trách nhiệm của nhà trường với việc quản lý trường học để duy tu, bảo dưỡng, tránh bị xuống cấp.
Trước câu hỏi của Phó Thủ tướng đặt ra về hai phương án thực hiện chương trình Kiên cố hóa trường lớp học giai đoạn 2007-2010, đa số đại biểu các tỉnh đều nhất trí phương án 2.
Với phương án này, ngoài mục tiêu thanh toán phòng học ba ca mới phát sinh, phòng học nhờ, mượn, các phòng học tạm thời thì còn phải thực hiện thêm mục tiêu xây dựng lại các phòng học bán kiên cố hết niên hạn sử dụng đã và đang xuống cấp không thể sử dụng được.
Theo đó, trong ba năm tới, sẽ có hơn 122 nghìn phòng học được xây dựng với gần 16 nghìn tỷ đồng kinh phí, tức khoảng 1 tỷ USD.
Kết quả thực hiện Chương trình Kiên cố hóa trường, lớp học sau bốn năm thực hiện:
Số phòng học được triển khai xây dựng: 74.011 phòng.
Thực hiện mục tiêu xóa phòng học 3 ca/ngày là: 4.206 phòng.
Thanh toán phòng học tạm thời tranh tre, nứa lá: 55.848 phòng.
Thực hiện các mục tiêu khác: 13.957 phòng.
Số phòng học được triển khai xây dựng theo danh mục báo cáo tháng 8-2002: 47.475 phòng, đạt 79,7%.
Số phòng học đã hoàn thành đưa vào sử dụng: 63.791 phòng (70,9%).
Số vốn huy động thực hiện chương trình: 9.310,473 tỷ đồng.
Ngân sách Trung ương hỗ trợ: 5.223,139 tỷ đồng.
Ngân sách địa phương hàng năm: 3.171,054 tỷ đồng.
Các nguồn huy động vốn khác: 913,280 tỷ đồng.
Số ngân sách TƯ đã giải ngân: 4.840,769 tỷ đồng (đạt 92,7%).
|
Ý kiến bạn đọc