Bóng tối hậu thi cử
Kết thúc một mùa thi, sau những hồi hộp mong đợi, sau những nỗ lực không phải bao giờ cũng là niềm vui. Thực tế hàng năm chỉ hơn 20% thí sinh trúng tuyển đại học trên cả nước.
Dù biết, hiểu những khó khăn vượt vũ môn, nhưng sau những cánh cửa đại học, tú tài vẫn còn những bi kịch, những bài học đến nay vẫn chưa rút kinh nghiệm.
Bóng tối hậu thi cử
Cầu Bến Thuỷ, TP.Vinh, nơi nhiều năm vẫn xảy ra tự tử sau mùa thi (Ảnh: internet) |
Trần Việt Phong, một lớp trưởng năng động Trường THPT Dương Minh Châu (huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) sau khi nhận kết quả thi khá thấp so với điểm chuẩn khoa sử ĐHKHXH&NV TP.HCM, bị trầm cảm nặng. Gia đình đặt nhiều kỳ vọng, chính cậu lớp trưởng năng động cũng thất vọng nhiều về mình đến mức không kìm được cơn sốc.
Ngay vài ngày sau khi biết kết quả, không chịu nổi cú sốc, Phong bỏ nhà đi, và không biết đi đâu, không định hướng, không mục đích. Cũng may lần đó có người quen bắt gặp và liên lạc, đưa cậu về nhà.
Mùa thi thất bại ấy đã cách đây ba năm nhưng cú sốc và căn bệnh trầm cảm của Phong vẫn không giảm. Gánh nặng tâm lý thi cử tồn lại trong cậu như vệt đen nặng nề, bất cứ lúc nào nếu gia đình lơ đễnh, cậu lại bỏ nhà đi mà không có một đích đến. Tiền của tích góp trong nhà đội nón ra đi theo thuốc thang mà bệnh không dứt.
Với cô bé Nguyễn H. Mai, trường chuyên Thăng Long, TP Đà Lạt thì chỉ cần bất cứ ai nhắc tới hai tiếng “đại học” đều khiến cô có thể ứa nước mắt. Năm lớp 11, H. Mai đã là HSG Quốc gia môn Sinh. Vì thi tốt nghiệp chỉ được 5,5 môn Sử nên tan tành ước mơ tuyển thẳng. Đăng ký vào Trường Quân Y, H.Mai vẫn rất tự tin sau khi hoàn thành ba bài thi của mình.
Vậy nhưng, với số điểm 22, H. Mai đành đứng ngoài giảng đường ĐH. Mai cho biết, em đã chống đối cả gia đình để thi vào Quân Y nên giờ thất bại, phải chịu rất nhiều điều tiếng (ba mẹ muốn cô bé vào Kinh tế, cũng vừa sức học của em hơn).
Tuy xác định tâm lý vậy nhưng những lời nói đầy ẩn ý trách móc của bố cô dẫn tới việc H.Mai mua ngay hai mươi viên thuốc ngủ về để “ngủ được mãi thì tốt hơn là tỉnh dậy nghe trách móc và nghĩ tới thất bại của mình”.
May sao, khi cô bé hỏi mẹ: “Uống hai mươi viên thuốc thì có bị đau bụng lắm không?”. Mẹ cô nhận ngay ra vấn đề và kịp thời ngăn chặn. Dù tới bây giờ em vẫn “khó chấp nhận” sự thất bại nhưng “em sẽ sống vì mẹ và em gái”.
Không còn cơ hội làm lại
Căng thẳng với kì thi (Ảnh: Thu Hương) |
Với Trần V. Phong, Nguyễn H. Mai, dù sao vẫn còn có những mong đợi, hy vọng làm lại cuộc đời sau cú sốc mạnh. Nhưng rất nhiều sĩ tử, sau những mùa thi là dấu chấm hết đầy xót xa.
Trở lại những cái chết vừa đáng thương vừa đáng trách của các thí sinh trong mùa thi đại học vừa qua mới thấy các em phải mang vác một trách nhiệm “quá tải” về tâm lý với kì thi đại học.
Gần đây nhất, ngày 21/5/2007, dư luận rúng động trước cái chết của một thanh niên tại bãi rác Trung Liệt, Hà Nội. Nguyên nhân là do suốt 4 năm ra Hà Nội học ôn thi nhưng không kì nào vượt vũ môn đại học, Phạm Đình Chiến (khối 12, phường Trung Đô, TP Vinh, Nghệ An) đã tự kết liễu đời mình bằng sợi dây điện ngay trước mùa thi năm nay.
Mùa thi năm ngoái, cuối tháng 6/2006, N.T.Liên (huyện Hưng Yên, Nghệ An) đã nhảy xuống sông Lam. Nguyên nhân được xác định là sức ép từ thi cử do gia đình, bè bạn khiến cô không vượt qua được mùa thi.
Cũng vì sức ép thi cử, cái chết của L.T.Thuỷ (thị trấn Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cũng gieo mình xuống con sông này trong mùa thi năm 2005. T.Thuỷ thi đại học lần thứ hai, mẹ là giáo viên, gửi cô ra nhà họ hàng ôn thi ở Vinh. Sau khi Thuỷ mất, cuốn vở ôn thi của cô ghi bài có rất nhiều trang bỏ trống, thậm chí nhiều bài không ghi một chữ.
Đại học không phải là con đường cuối
Đại học vẫn là "cửa hẹp" nhiều thí sinh lựa chọn (Ảnh: Thu Hương) |
Không dễ chấp nhận chuyện “hỏng thi”. Nhưng khó chấp nhận không đồng nghĩa với việc để tuột dốc đời mình như những trường hợp trên. Hầu hết thí sinh chọn con đường ôn thi lại. Nhưng vấn đề là bạn có đủ lực để tiếp tục một kì thi cam go tiếp theo hay chỉ là “thi trật thì thi lại” như câu cửa miệng của một số “già làng” phòng thi vẫn đùa nhau?
Thực tế những năm trước cho thấy chưa tới 20 phần trăm trong số thí sinh khăn gói đi thi là vào được đại học.
Giảng viên Trần Thị Bích Liên (Khoa Xã hội học, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM), cho rằng, các cánh cổng trường vào ĐH ở nước ta hẹp, dù ra thì rộng, dễ (điều này khác với các nước, cổng đại học mở rất rộng và lối ra thì nhỏ, khó khăn).
Nếu xác định rằng mình chưa đủ lực để vào ĐH thì bản thân các thí sinh và gia đình không nên đặt nhiều hy vọng, và càng không nên đặt nặng vấn đề vì tấm giấy báo trúng tuyển và cả tấm bằng ĐH trên thực tế không phải là tấm vé thông hành vào đời.
“Bi kịch thứ nhất chính là bạn không thể lượng sức mình mà thi tới năm thứ 3,4 vẫn rớt hoàn rớt. Bi kịch thứ hai là bạn hiểu sức mình đến đâu nhưng gia đình ép hoặc không nỡ làm ba mẹ thất vọng mà ôm mãi giấc mộng vượt vũ môn” – Thanh Ngân (Huế), một thí sinh từng có thâm niên ôn thi 3 năm vẫn không đậu khẳng định.
Sau năm thứ ba, cô dứt khoát không thể “nhắm mắt vâng lời” theo ba mẹ, dứt khoát ở lại Sài Gòn học nghề cắt tóc. Hiện Ngân có một tiệm tóc khá "ăn nên làm ra" trên đường Lạc Long Quân, cô khẳng định: “Em sẽ học thật tốt, làm thật tốt để ba mẹ em hiểu rằng lựa chọn của em thật đúng và điều quan trọng là chọn đúng con đường vào đời”.
“Vào đời bằng cách chọn cánh cửa ĐH hiện vẫn là lựa chọn của đa phần học sinh. Suy nghĩ về bằng cấp vẫn rất quan trọng trong nếp nghĩ của xã hội. Nhưng đó chắc chắn không phải là con đường duy nhất và càng không là tất cả.
Nếu các em cảm thấy sức mình không bước qua được cánh cửa đó thì chớ vội thất vọng về mình vì rất nhiều cánh cửa trong cuộc đời rộng mở đón những người có nỗ lực, có đam mê. Về phía phụ huynh, không nên đặt nặng vấn đề thi đại học khiến tâm lý các em vốn chưa đủ chín rất dễ bị tuyệt vọng và dễ xảy ra những chuyện đáng tiếc, thậm chí là đau lòng sau một mùa thi…” – GS.TS tâm lý Vũ Gia Hiền chia sẻ.
Ý kiến bạn đọc