Thế giới nỗ lực hơn vì Mục tiêu Thiên niên kỷ
Trong báo cáo giữa kỳ về tình hình thực hiện những Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDG) công bố hôm 2-7, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon nhận định rằng, thế giới chỉ có thể hoàn thành nhiệm vụ xóa đói nghèo, giảm tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh, ngăn chặn đại dịch HIV/AIDS, phổ cập giáo dục tiểu học... nếu cả cộng đồng quốc tế hợp tác tốt hơn.
Cộng đồng quốc tế có thể hoàn thành mục tiêu xóa đói nghèo vào năm 2015. |
Báo cáo của LHQ nêu tình hình và triển vọng thực hiện tám Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đề ra cho năm 2015, được Hội nghị cấp cao LHQ (Hội nghị Thiên niên kỷ) họp tại New York năm 2000 thông qua.
1- Về xóa đói, giảm nghèo, số người ở các nước đang phát triển có mức sống dưới 1 USD/ngày đã giảm từ 1,25 tỷ người (32% dân số) năm 1990 còn 980 triệu người (19% dân số) năm 2004. Với nhịp độ trên và nhờ thành tựu phát triển kinh tế tốt đẹp của châu Á, cộng đồng quốc tế có thể hoàn thành công tác xóa đói nghèo vào năm 2015.
2- Về phổ cập giáo dục tiểu học, tỷ lệ trẻ em ở các nước đang phát triển học tiểu học đã tăng từ 80% năm 1991 lên 88% năm 2005. Cộng đồng quốc tế, đặc biệt các quốc gia thuộc vùng tiểu sa mạc Sahara, cần "một cú hích mạnh" trong những năm tới, để tất cả trẻ em đến tuổi đi học được đến trường.
3- Việc nâng cao chất lượng giới và vai trò phụ nữ, nhờ cải thiện điều kiện thâm nhập thị trường việc làm, tỷ lệ lao động nữ làm việc trong lĩnh vực phi nông nghiệp đã tăng từ 36% năm 1990 lên 39% năm 2005.
4- Việc giảm tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh, tại các nước đang phát triển tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi đã giảm từ 106 ca/1.000 trẻ năm 1990 còn 83 ca/1.000 trẻ năm 2005. Mục tiêu này có thể đạt được, nếu các nước châu Phi thuộc tiểu sa mạc Sahara, Nam Á, các quốc gia Trung Á thuộc Liên Xô (trước đây), các quốc đảo cải thiện được tình hình chăm sóc sức khỏe ban đầu và duy trì những tiến bộ trong lĩnh vực y tế cộng đồng.
5- Về tăng cường sức khỏe bà mẹ, thực tế cho thấy tại các nước đang phát triển, tỷ lệ tử vong ở phụ nữ trong tuổi sinh đẻ "vẫn ở mức cao không thể chấp nhận được". Tỷ lệ phụ nữ chết do các biến chứng phức tạp tại các nước châu Phi ở vùng sa mạc Sahara là 1 ca/16 người, tại các nước công nghiệp phát triển là 1 ca/3.800 người.
6- Việc phòng, chống HIV/AIDS, sốt rét và một số bệnh khác, bức tranh chung cho thấy tại các nước đang phát triển "căn bệnh thế kỷ" không còn lây lan với tốc độ nguy hiểm, nhưng riêng tại vùng Sahara số ca chết vì bệnh AIDS vẫn tăng lên đáng lo ngại. Các số liệu thống kê sơ bộ cho biết, tính đến hết năm 2006 thế giới có 39,5 triệu người nhiễm HIV so với mức 32,9 triệu người mắc HIV năm 2001. Năm qua, 2,9 triệu người trên thế giới chết vì bệnh AIDS so với 2,1 triệu người chết vì bệnh này năm 2001. Bệnh lao được kiềm chế ổn định ở tỷ lệ tương đối thấp ở rất nhiều khu vực, tuy nhiên số ca nhiễm lao mới vẫn tăng một phần do dân số tăng nhanh, hậu quả của tình trạng sinh đẻ không có kế hoạch. Bệnh sốt rét tiếp tục đòi hỏi cộng đồng quốc tế nỗ lực to lớn hơn nữa mới có thể kiểm soát và đẩy lùi.
7- Việc bảo đảm có một môi trường ổn định, theo đánh giá chung từ năm 1990 đến 2005 thế giới "đánh mất" 3% đất rừng, chủ yếu do các nước đang phát triển chuyển đổi sang làm đất nông nghiệp. Tình hình này đòi hỏi cộng đồng quốc tế trong những năm tới phải có "những nỗ lực vượt bậc" để bảo vệ các loài động thực vật và quản lý có hiệu quả môi trường sinh thái, nếu không thế giới sẽ không thể hoàn thành mục tiêu giảm một nửa số người không được sử dụng nước sạch và điều kiện vệ sinh cơ bản, còn khoảng 600 triệu người vào năm 2015.
8- Về thiết lập quan hệ đối tác vì phát triển, đáng chú ý là năm 2005 do có khoản tài trợ lớn giúp Iraq và Nigeria, giá trị viện trợ đạt con số kỷ lục 106,8 tỷ USD, tuy nhiên năm 2006 lại giảm xuống còn 103,9 tỷ USD, chỉ bằng 0,3% thu nhập quốc dân của các nước phát triển, vì nhiều nước công nghiệp phát triển không thực hiện cam kết dành 0,7% GDP cho viện trợ phát triển.
LHQ chỉ rõ, kết quả thu được không đồng đều giữa các quốc gia, giữa các khu vực là do trình độ phát triển giữa các nền kinh tế còn chênh lệch, khoảng cách giàu nghèo chưa được thu hẹp, tình trạng nghèo nàn, lạc hậu chưa được đẩy lùi trong khi đã nảy sinh hàng loạt khó khăn mới trong tiến trình toàn cầu hóa, việc các nước phát triển không thực hiện đúng cam kết về viện trợ phát triển, v.v. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cho rằng, việc các nước công nghiệp phát triển dành viện trợ phát triển bằng 0,7% GDP như cam kết giúp các nước đang phát triển đầu tư có hiệu quả vào các chương trình phát triển kinh tế-xã hội trọng điểm, như G-8 mới đây quyết định tăng gấp đôi viện trợ cho châu Phi vào năm 2010, là một trong những bảo đảm quan trọng cho cộng đồng quốc tế hoàn thành các mục tiêu MDG.
Cho đến nay mới có năm nước là Ðan Mạch, Luxemburg, Hà Lan, Na Uy, Thụy Ðiển dành 0,7% GDP giúp các nước đang phát triển. Cuộc chiến cam go vì những mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ tiếp tục đòi hỏi nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế.
Ý kiến bạn đọc