Giáo dục Việt Nam sau khi gia nhập WTO

15:22, 21/07/2007

Vừa qua, Ban Khoa giáo T.Ư (nay là Ban Tuyên giáo) phối hợp Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam, tổ chức hai cuộc tọa đàm ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với chủ đề "Giáo dục Việt Nam sau khi gia nhập tổ chức WTO", với sự tham dự của gần 100 cán bộ quản lý giáo dục có tâm huyết và kinh nghiệm về giáo dục - đào tạo.


Vấn đề đặt ra rộng lớn, không thể trong một số cuộc tọa đàm hay hội thảo có thể làm rõ mọi vấn đề chúng ta quan tâm, mà cần sự nghiên cứu sâu, thảo luận nhiều hơn mới có thể đi đến những chủ trương, chính sách chính xác, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục của nước ta, và phù hợp với những cam kết quốc tế.

Nhưng chúng tôi cho rằng, trước hết cần có sự thống nhất nhận thức về một số quan điểm lớn của Ðảng trong lĩnh vực này và đặt nó trong bối cảnh hiện nay - toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế - mới có cơ sở bàn đến những vấn đề cụ thể. Theo tôi, có một số nội dung cuộc tọa đàm đáng lưu ý: Từ trước, Ðảng đặt "Giáo dục là sự nghiệp trồng người" ở vị trí đặc biệt quan trọng trong đường lối cách mạng nước ta. Bước vào thực hiện đường lối đổi mới, Ðảng nêu rõ "Giáo dục đào tạo cùng với khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu", xem đây là yếu tố quyết định sự phát triển của đất nước.

Khi gia nhập WTO, bước vào một cuộc cạnh tranh toàn diện và phức tạp, các đồng chí lãnh đạo Ðảng và Nhà nước quan tâm nhiều đến ngành giáo dục đào tạo, là điều rất đúng và cần thiết. Nhận thức được sự yếu kém của nền giáo dục Việt Nam, sự tụt hậu của ta so với nhiều nước ngay trong khu vực, chúng ta có thể xem chủ trương hội nhập quốc tế về giáo dục là một cứu cánh, giúp chúng ta đuổi kịp các nước khác, tạo cho đất nước, thế và lực để giữ vững chủ quyền quốc gia và tiến lên CNXH.

Ðể đạt được mục tiêu đó, giáo dục - đào tạo phải kiên quyết đổi mới, khắc phục những yếu kém, khuyết điểm cố hữu, đã làm cho giáo dục của ta kém chất lượng và thiếu hiệu quả. Ðồng thời phải biết lựa chọn, tranh thủ các yếu tố tích cực của giáo dục các nước trên thế giới vì chắc chắn không phải cái gì "quốc tế" cũng là tiến bộ, phù hợp với ta.

Hiện trong xã hội ta, có những nhận thức khác nhau về tính chất của giáo dục - đào tạo. Có người vì nôn nóng muốn nhanh chóng đuổi kịp các nước khác, cho nên nghĩ phải xóa bỏ một số cách thức tổ chức và hoạt động của giáo dục Việt Nam hiện nay, đưa chương trình phương pháp, cách quản lý của các nước thay thế... Từ đó chủ trương thu hẹp trường công, thi đua mở trường "quốc tế" với học phí cao để có chất lượng cao (?). Có người vì muốn giảm bớt chi phí của Nhà nước, quan niệm một cách đơn giản về "xã hội hóa", đưa ra những chủ trương có thể gây hại đối với các chính sách xã hội của Ðảng và Nhà nước.

Chúng ta cần nhận thức rõ: Giáo dục đào tạo là lĩnh vực mang tính chính trị - xã hội sâu sắc. Mục tiêu giáo dục của chúng ta không những nhằm đào tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng về chuyên môn, nghề nghiệp, mà còn có mục tiêu trước hết là đào tạo lớp người "kế tục sự nghiệp cách mạng của ông cha, trung thành với lý tưởng độc lập và CNXH".

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh vì một nền giáo dục của dân, do dân và vì dân, giáo dục nước ta phải bảo đảm quyền cơ bản  của dân, là quyền được học hành. Ðó là lợi ích công mà Nhà nước ta cũng như nhiều Nhà nước văn minh trên thế giới, có trách nhiệm củng cố và phát triển không ngừng. Do đó, Nhà nước phải chủ đạo trong việc cung ứng và quản lý giáo dục. Ðặc biệt đối với giáo dục phổ thông là cấp học cơ sở, là cấp hình thành nhân cách công dân. Nhà nước phải bảo đảm thực hiện công bằng xã hội, tạo cơ hội học tập cho mọi người, quan tâm đến vùng dân tộc, vùng sâu, vùng xa. Không thể xem giáo dục là dịch vụ thương mại như các dịch vụ khác, càng không nên xem giáo dục là thị trường.

Tuy nhiên, trong kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ động trong hội nhập quốc tế, thực thi cam kết với WTO, chúng ta chấp nhận cơ chế thị trường trong một số lĩnh vực của giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, giáo dục thường xuyên... Ở đây có sự liên kết hợp tác, thu hút đầu tư nước ngoài... Liên hệ với tình hình các nước tiên tiến, tư bản, họ đều xem giáo dục là phúc lợi xã hội, là dịch vụ công. Tùy điều kiện của từng nước, họ áp dụng việc miễn giảm học phí một cách rộng rãi. Nhà nước Việt Nam với định hướng XHCN của mình không thể có quan điểm kém tiến bộ hơn.

Có một điều cần lưu ý là nhiều nước tiên tiến, tư bản trong lúc họ xem giáo dục trong nước của mình là lợi ích công, thì nhiều nước lại đòi các nước khác, nhất là các nước đang phát triển phải mở cửa dịch vụ giáo dục để họ có thể xâm nhập vào, kinh doanh vì lợi nhuận. Theo nhiều tài liệu, các nước này hằng năm thu hoạch hàng chục tỷ USD từ lĩnh vực kinh doanh này.

Như vậy ở đây có yếu tố kinh doanh vì lợi nhuận và có cả yếu tố tác động về văn hóa, chính trị... mà ta không thể xem thường trong tranh thủ, hợp tác. Không phải ngẫu nhiên mà UNESCO trong tuyên bố về Giáo dục thế kỷ 21 đã khuyến cáo: "Không được thương mại hóa hoạt động giáo dục". Tinh thần chung của cuộc tọa đàm là khuyến nghị Ðảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo hơn nữa đối với sự nghiệp cực kỳ quan trọng này. Thời gian qua đã có nhiều cố gắng, nhưng cần sự chuyển biến mạnh hơn, cơ bản hơn.

Trên cơ sở khẳng định những quan điểm lớn của Ðảng về giáo dục đào tạo và các ngành có liên quan, cần rà soát lại chiến lược phát triển giáo dục của chúng ta trước đây, sớm đề ra những kế hoạch cụ thể cho từng cấp học, đặc biệt đối với giáo dục sau trung học - là cấp trực tiếp xây dựng nguồn nhân lực cho đất nước - có những biện pháp và bước đi phù hợp điều kiện thực tế của ta, tích cực nhưng không thể vội vàng, bảo đảm việc thực hiện cam kết với WTO, đồng thời bảo vệ chủ quyền quốc gia về giáo dục của ta. Một vấn đề cần hết sức quan tâm là: Phải tiến hành tuyên truyền giáo dục sâu, rộng trong nhân dân ta để mọi người có nhận thức đúng về ý nghĩa của việc học tập, về thực học, thực nghiệp, chống lại những quan niệm cũ "học để làm quan", "phi đại học, cao đẳng, bất thành nhân"... Chúng ta đứng trước một cuộc đấu tranh có nhiều khó khăn nhưng ý nghĩa rất to lớn. Mọi người đều tin tưởng nếu có quyết tâm cao, phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm của toàn dân, trước hết là những người làm công tác giáo dục đào tạo, nhất định chúng ta thắng. Cuối cùng nhiều người muốn nhấn mạnh: Dù có tranh thủ được sự hợp tác quốc tế về giáo dục tốt, học tập được kinh nghiệm của các nước (điều đó nhất thiết phải làm), thì chúng ta vẫn phải tâm niệm: vấn đề giáo dục của Việt Nam chỉ có thể do chúng ta giải quyết bằng nỗ lực và trí tuệ Việt Nam.

NGUYỄN THỊ BÌNH
Nguyên Phó Chủ tịch nước,
Chủ tịch Quỹ Hòa bình và
Phát triển Việt Nam

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hàn Quốc khởi công xây dựng thủ đô hành chính mới
Theo Reuters, ngày 20-7, Hàn Quốc chính thức khởi công xây dựng thủ đô hành chính mới nhằm giảm sự đông đúc đối với thủ đô đang trong tình trạng quá tải hiện nay.
21/07/2007
Thái Lan dỡ bỏ lệnh cấm thành lập các chính đảng mới
Ngày 18/7, Thái Lan đã dỡ bỏ lệnh cấm việc thành lập các chính đảng mới, nhưng vẫn chưa rõ liệu đảng của Thủ tướng bị phế truất Thaksin Shinawatra có kịp tập hợp lại để ra tranh cử trong cuộc bầu cử dự kiến tổ chức vào cuối năm nay hay không.
20/07/2007
Giao tranh ở biên giới Pakistan, 17 lính thiệt mạng
Các quan chức Pakistan cho biết, giao tranh giữa các tay súng và lính Pakistan gần biên giới với Afgahnistan làm ít nhất 17 lính thiệt mạng.
19/07/2007
Ghi nhận bước đầu kết quả chấm thi ĐH
Công việc chấm thi của ĐH Bách khoa Hà Nội đã “vào guồng”. Phó Hiệu trưởng Phạm Thu Thuỷ cho biết, kết quả bước đầu của thí sinh tương đối khá. Đối với môn Toán, phổ điểm chủ yếu từ 6 đến 8. Điểm chuấn của ĐH Bách khoa năm nay sẽ tương đương như năm ngoái.
18/07/2007