Biểu tình dẫn đến bạo động tại thủ đô Băng-cốc
Bạo động đã bùng phát tại thủ đô Băng-cốc trong đêm qua sau khi có tới hàng nghìn người thuộc Liên minh dân chủ chống độc tài (DAAD) tuần hành từ quảng trường Sanam Luang tới nhà tướng Prem Tinsulanonda ở phố Sri Ayudthaya yêu cầu ông từ chức Chủ tịch Hội đồng Cơ mật.
Đến 23 giờ, những người biểu tình đã chiếm giữ một xe buýt và lái xe chắn ngang tuyến đường. Ngoài ra họ cũng huy động thêm xe tuk-tuk gây tắc nghẽn giao thông giao lộ Si Sao Thewet. Một số xe ô-tô của cảnh sát và lực lượng làm nhiệm vụ cũng bị những kẻ quá khích ném vỡ kính, xịt lốp.
Theo những thông tin ban đầu, có ít nhất 30 người bị thương trong các cuộc đụng độ. Lực lượng biểu tình và cảnh sát đều có người bị thương. Cảnh sát đã tạm giữ một số kẻ quá khích.
Khoảng 0g30 sáng nay (23-7) những người biểu tình rút lui về quảng trường Sanam Luang. Tại đây, họ tiếp tục biểu tình tới sáng phản đối Chính phủ, Hội đồng An ninh quốc gia (CNS), kêu gọi người dân không chấp thuận bản dự thảo Hiến pháp trong cuộc trưng cầu ý dân sắp tới. Trong tuyên bố tại đây, DAAD cho biết có 41 người biểu tình bị thương trong cuộc xung đột với cảnh sát. Tuy nhiên cảnh sát chưa xác nhận thông tin trên.
Ngay sau khi bạo động xảy ra, Đại tướng Sondhi Boonyaratklin, Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia khẳng định ông sẽ theo dõi chặt mọi biến động và sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp khi cần thiết.
Chỉ huy trưởng cảnh sát đô thành, Trung tướng Adisorn Nonsee tuyên bố, lãnh đạo biểu tình sẽ bị kết tội tấn công nhà chức trách và phá hoại tài sản công cộng. Cảnh sát cũng cho biết sẽ ra lệnh bắt giữ tám lãnh đạo của phong trào chống đảo chính, những người chỉ đạo người biểu tình tới nhà ông Prem Tinsulanonda.
Đây là lần đầu tiên bạo động bùng phát tại Băng-cốc kể từ khi phong trào phản đối đảo chính bắt đầu từ tháng 9 năm ngoái. Những người biểu tình cho rằng ông Prem Tinsulanonda, cựu Tư lệnh Lục quân, từng làm Thủ tướng trong thời gian từ năm 1979 đến 1988 đứng sau vụ đảo chính ngày 19-9 năm ngoái, cáo buộc ông lạm dụng chức vụ để can thiệp tình hình chính trị Thái-lan.
Tình trạng bất ổn ở thủ đô Băng-cốc khiến nhiều người lo ngại bạo động sẽ bùng phát ở cấp độ lớn hơn và dư luận cho rằng có khả năng Thái-lan sẽ phải ban hành tình trạng khẩn cấp.
Ý kiến bạn đọc