Học sinh sẽ được nghỉ đông, nghỉ lũ

08:20, 25/06/2007

Đó là phương án được nhiều địa phương chọn nhất trong số bốn phương án mà Bộ GD-ĐT đề xuất trong năm học này.


Trao đổi với báo chí ngày 23-6, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Đặng Huỳnh Mai cho biết:

 

- Từ chủ trương giảm nghỉ hè tăng nghỉ tết, Bộ GD-ĐT dự kiến có bốn phương án để các địa phương tùy theo tình hình thực tế của mình lựa chọn áp dụng.

Thứ nhất, bắt đầu học từ ngày 1-8 và kết thúc năm học vào ngày 31-5. Thứ hai, bắt đầu học từ ngày 15-8 và kết thúc ngày 31-5. Thứ ba, bắt đầu năm học đúng ngày 5-9, kết thúc ngày 30-6. Và phương án thứ tư là vẫn giữ lịch học như hiện nay: bắt đầu ngày 5-9, kết thúc ngày 31-5, dùng tuần nghỉ dự trữ để tăng thời gian nghỉ tết của HS.

Phương án bắt đầu năm học vào ngày 1-8 và kết thúc vào ngày 31-5 được nhiều địa phương tán thành nhất.

- Như vậy thời gian bắt đầu và kết thúc năm học mới của các địa phương có thể khác nhau, thưa bà?

- Theo đánh giá của chúng tôi, hai phương án đầu có thể áp dụng cho những tỉnh thành có mùa nắng nóng, mùa mưa, lũ lụt... Phương án thứ ba phù hợp với các tỉnh miền núi phía Bắc để HS có ngày nghỉ đông, tránh những ngày quá rét, tránh mùa lễ hội của đồng bào các dân tộc thường kéo dài sau tết âm lịch. Còn phương án thứ tư lại được các thành phố lớn cho là hợp lý nhất.

Qua ý kiến đóng góp của các địa phương, Bộ GD-ĐT dự kiến thực hiện theo hướng: các địa phương có thể tùy chọn một trong bốn phương án để thực hiện từ năm học 2007-2008 này. Thực hiện theo phương án nào sẽ do UBND, sở GD-ĐT các tỉnh thành xem xét quyết định và phải công bố sớm cho HS và phụ huynh biết ngay từ đầu năm học.

Hà Nội và TP.HCM vẫn... như cũ?

Do năm nay là năm đầu thực hiện, chưa chuẩn bị kịp nên nhiều nơi dự kiến bắt đầu học chính thức chương trình từ ngày 15-8, khai giảng năm học vẫn là ngày 5-9. Từ những năm sau bắt đầu học chính khóa từ ngày 1-8. Một số tỉnh miền núi cao phía Bắc sẽ áp dụng lịch học từ ngày 5-9 và kết thúc vào ngày 30-6. Riêng một số thành phố lớn, trong đó có TP.HCM và Hà Nội, vẫn muốn tiếp tục thực hiện biên chế năm học như hiện nay, bắt đầu từ đầu tháng chín, kết thúc ngày 31-5.

- Như vậy thời gian nghỉ tết của HS tiểu học tại các thành phố có được tăng thêm không, thưa bà?

- Thời gian nghỉ tết của HS các thành phố lớn cũng sẽ được tăng lên 10 ngày so với tối đa là một tuần như hiện nay. Số ngày nghỉ này sẽ được sắp xếp lấy từ tuần dự trữ trong năm học.

Đây là năm đầu thực hiện nên bộ chủ trương để các địa phương được chọn lựa phương án phù hợp nhất. Sau này sẽ rút kinh nghiệm, đi đến phương án thực hiện tương đối thống nhất hơn. Theo tôi, bắt đầu dạy chương trình chính khóa từ ngày 1-8 là đẹp nhất, nên rút ngắn thời gian nghỉ hè để tăng thêm những đợt nghỉ khác trong năm giúp các em giảm bớt áp lực học tập căng thẳng. Tổ chức dạy từ đầu tháng tám sẽ góp phần giảm học thêm, để các em đi học là học chính khóa luôn.

Được biết, Bộ GD-ĐT cũng có chủ trương áp dụng việc rút ngắn nghỉ hè đối với cả bậc THCS. Vậy từ năm học tới, bậc THCS có thực hiện phương án này không?

- Bộ GD-ĐT có chủ trương như vậy. Các sở GD-ĐT cũng đề nghị. Nhưng có lẽ ngay từ năm học 2007-2008, bậc THCS chưa thực hiện ngay được. Vì muốn thực hiện cần phải có một quá trình chuẩn bị. Đối với bậc tiểu học đã chuẩn bị kỹ về mọi mặt trong gần một năm qua nên có thể làm được ngay từ năm học này. Nhưng có lẽ cũng không nên chậm hơn năm học 2008-2009.

Về thời lượng các đợt nghỉ cụ thể, ông Trịnh Quốc - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) - cho biết:

- Trong học kỳ I, HS tiểu học có 18 tuần thực học và thời gian được nghỉ tổng cộng là bốn tuần. Thời gian nghỉ được bố trí như sau: 1-2 tuần dành cho các hoạt động tập thể, ngoại khóa...; giữa học kỳ I, HS được nghỉ 1-2 tuần; cuối học kỳ I HS được nghỉ kết hợp với nghỉ tết từ 1-2 tuần. Học kỳ II có 17 tuần thực học và thời gian nghỉ tối đa là bốn tuần: 1-2 tuần cho các hoạt động ngoại khóa, tập thể của nhà trường, nghỉ giữa học kỳ 1-2 tuần. Các trường tiểu học sẽ hoàn thành chương trình chậm nhất là ngày 31-5. 

Bà Phan Thị Thu Hà - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Tháp - cho biết sở đã xây dựng kế hoạch bốn học kỳ cho năm học tới. Theo đó, năm học sẽ bắt đầu từ đầu tháng tám. Đến tháng mười, lúc nước lũ lên cao, các em sẽ được nghỉ ba tuần. Sau đó vào học một tháng, kiểm tra học kỳ và nghỉ tết. Học kỳ II cũng tương tự và năm học sẽ kết thúc vào tháng sáu.

Trong khi đó ông Nguyễn Quí Đôn - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP Cần Thơ - khẳng định: Cần Thơ đã thực hiện cho các em học sinh bắt đầu năm học từ ngày 10-8 từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, việc thực hiện khai giảng sớm năm học tại Cần Thơ là nhằm tránh tình trạng quá tải chương trình. Ông Đôn cho rằng việc giảm nghỉ hè, tăng nghỉ tết là cần thiết và phù hợp với xu hướng chung nhằm giúp học sinh có điều kiện nghỉ ngơi và học tập tốt hơn.

Như vậy thời lượng học tập và chương trình giảng dạy đối với HS tiểu học có bị thay đổi không, thưa ông?

- Hoàn toàn không. Tổng số thời gian được nghỉ trong một năm học của HS cũng không thay đổi. Chỉ thay vì HS phải học liên tục một mạch chín tháng rồi nghỉ liền ba tháng hè, các em sẽ được phân phối thời gian nghỉ và học cân đối, hợp lý hơn. Thời gian nghỉ hè rút ngắn còn hai tháng, một tháng nghỉ còn lại được chia vào các đợt nghỉ giữa từng học kỳ, nghỉ giữa hai học kỳ và tết âm lịch.

Thời gian nghỉ cụ thể của từng đợt, Bộ GD-ĐT chủ trương không qui định cứng. Bộ chỉ qui định thời lượng thực học bắt buộc của từng học kỳ, thời điểm chậm nhất phải kết thúc năm học và khoảng thời gian được nghỉ của từng học kỳ. Còn sắp xếp cụ thể đợt nào nghỉ một tuần, đợt nào nghỉ hai tuần trong giới hạn cho phép sẽ do các địa phương tùy điều kiện, nhu cầu thực tế để sắp xếp, bố trí cho hợp lý.

Thưa ông, nhà trường dự kiến có sự hỗ trợ nào đối với việc quản lý HS hoặc có các hoạt động ngoại khóa dành cho các em trong các đợt nghỉ giữa năm học?

- Có rất nhiều hoạt động lâu nay HS muốn được tham gia nhưng không có thời gian, như các lễ hội của địa phương, nay sẽ có thời gian bố trí cho các em tham dự để hiểu biết thêm về lịch sử của quê hương, giáo dục truyền thống, văn hóa dân tộc... Ngoài ra, tùy theo điều kiện cụ thể của từng địa phương, nhà trường hoặc tùy theo điều kiện của gia đình có thể bố trí thêm các hoạt động sinh hoạt tập thể, dã ngoại hay bồi dưỡng năng khiếu... cho các em. Nhưng nhìn chung, quan điểm của tôi là gia đình nên cùng với nhà trường cần cố gắng bố trí tạo điều kiện cho các em được nghỉ ngơi, vui chơi sau mỗi thời gian học tập, tức là để các em có thời gian được nghỉ ngơi thật sự... 


VietNamNet

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Iraq: Hai ngày, 14 lính Mỹ thiệt mạng
Quân đội Mỹ cho biết, quân phiến loạn Iraq đã giết 14 lính Mỹ trong vòng hai ngày qua. Các quan chức Mỹ cho biết, 12 lính Mỹ bị chết trong bốn cuộc tấn công ở thủ đô Baghdad nơi Mỹ tập trung tới 160.000 quân.
22/06/2007
Chính phủ Thái-lan cam kết bảo đảm an toàn cho cựu Thủ tướng Thaksin
Thủ tướng Thái-lan Surayud Chulanont hôm nay tuyên bố Chính phủ sẽ nỗ lực bảo đảm an toàn cho cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra nếu ông trở về Thái-lan để đối mặt những cáo buộc tham nhũng.
20/06/2007
Tỷ lệ tốt nghiệp THPT của cả nước: 67,5%
Ngày 17.6, theo đúng quy định, các Sở GDĐT cả nước đã hoàn tất việc chấm thi và báo cáo kết quả chấm thi tốt nghiệp THPT 2007 về Bộ GD ĐT. Thống kê nhanh của Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng, Bộ GDĐT, cho biết tỉ lệ tốt nghiệp THPT của cả nước là 67,5%.
18/06/2007
Chính phủ khẩn cấp của Palestine tuyên thệ nhậm chức
Chính phủ khẩn cấp, chính phủ lần thứ 12 của Palestine, hôm qua đã nhậm chức trước Tổng thống Mahmoud Abbas tại thành phố Ramallah, Bờ Tây, thay thế chính phủ Đoàn kết dân tộc mới tồn tại được hai tháng do Hamas lãnh đạo.
18/06/2007